Sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn, bến xe Miền Đông - bến xe miền Tây cuối năm nay vắng hơn những năm trước!
Bớt đi màu sắc rực rỡ của những giỏ quà Tết trên tay hành khách, bớt đi âm thanh mừng vui của những người con xa nhà trước giờ sum họp. Một cái Tết mới lạ với nhiều người đang tới.
Đại dịch khiến cho "mùa sum vầy" năm nay của nhiều gia đình không được đủ đầy các thành viên. Nhưng với người Việt, không có khoảng xa nào đủ lớn để ngăn cách tình thân, không có biến cố nào có thể khiến trái tim thôi hướng về gia đình.
Gấp máy tính lại, nhìn lên đồng hồ đã hơn 9 giờ tối, Quyên lặng lẽ dọn đồ đạc, văn phòng lúc này chỉ còn lác đác vài người tăng ca những ngày cận Tết.
Đây đã là năm thứ hai Quách Ái Quyên (24 tuổi) ở lại Sài Gòn ăn Tết. Một phần vì dịch bệnh, một phần vì những dự định còn dang dở của bản thân mà chưa thể về nhà. "Lao vào đời kiếm cơm" ngót nghét đã gần 2 năm, Quyên phần nào hiểu được tiền làm ra khó để rồi tự thúc bản thân không ngừng tiến về phía trước, nỗ lực hơn từng ngày.
Lại một cái Tết xa quê, lại một cuộc gọi vội vã thông báo "Mẹ ơi, Tết này con không về" và lại một lần không thể sum họp cùng gia đình. Đã bao lần thất hẹn cùng với mẹ cha, nhưng mỗi lần gọi, Ái Quyên đều luôn nhận được lời nói nhẹ nhàng: "Không sao đâu con, lúc nào rảnh thì về. Ở trên đó nhớ ăn uống đầy đủ, giữ gìn sức khỏe đừng để bị bệnh nha con."
Đã từng háo hức và ao ước được lên Sài Gòn để trải nghiệm, để lập nghiệp và để thành công nhưng giờ đây Quyên lại nhớ… Nhớ hồi còn ở nhà, năm nào Quyên cũng cùng mẹ đi chợ Tết sắm sửa đủ thứ quà nào bánh, nào trái. Nhớ khoảnh khắc cả gia đình cùng nhau quây quần bên nồi bánh chưng. Và nhớ cái không khí tất bật, rộn ràng những ngày Tết khi còn ở bên cha mẹ.
Ngậm ngùi là thế, nhưng Ái Quyên vẫn thầm biết ơn khi giờ đây, công nghệ đã trở thành cầu nối để Quyên có thể chia sẻ và cảm nhận không khí Tết từ gia đình. Từ ông bà, cha mẹ hay đến các em, ai nấy đều cố gắng gọi video cho Quyên để cô bạn cũng có thể cảm nhận được sự gần gũi của gia đình. Dù không thể trực tiếp cùng cả nhà chuẩn bị cho ngày Tết truyền thống năm nay nhưng Quyên vẫn cố gắng sắm các giỏ quà, đặc sản Tết gửi đến gia đình thay cho nỗi niềm dang dở mà cô chưa thể thực hiện. "Tết không về được nên mình chỉ biết gọi điện hỏi thăm rồi tranh thủ đặt các loại quà bánh mà cả nhà thích chứ cũng không biết làm gì hơn." - Ái Quyên chia sẻ.
Không để mình chìm trong cảm giác tiếc nuối quá lâu, Ái Quyên cũng đón nhận cái Tết xa quê bằng niềm hân hoan trước nhiều trải nghiệm mới. Sài Gòn cởi mở và hào sảng cho Quyên những người bạn tuyệt vời. Những ngày Tết đi chơi cùng bạn bè, khám phá những nét đẹp khác của cái Tết cổ truyền cũng là kỷ niệm đáng nhớ của Quyên, nhờ vậy, Quyên biết thêm nhiều món ăn ngon mà quê nhà không có. Mỗi lần tâm đắc với món ăn nào mới, Quyên thường mua thêm để gửi về cho cha mẹ. Chia sẻ niềm vui và trải nghiệm ẩm thực là cách các thành viên trong gia đình Quyên vẫn làm với nhau - như một cách giữ gìn và nuôi dưỡng hơi ấm tình thân, nhất là khi chuyện sum họp trở nên khó khăn vì đại dịch như hiện nay.
Đang sắp xếp công việc, chuẩn bị mua vé máy bay về Hà Nội thì Hải nhận được cuộc gọi từ mẹ. Niềm phấn khởi trên gương mặt anh thoáng lắng xuống khi nghe mẹ bảo "Tết này con đừng về."
"Lúc mà mẹ nói năm nay đừng về ăn Tết để an toàn cho con và cho mọi người, thật sự thì mình cũng hơi buồn. Nhưng mình biết, là bác sĩ nên mẹ rõ hơn ai hết việc mình về quê ăn Tết giữa dịch bệnh phức tạp thế này có thể khiến mình và gia đình gặp nhiều rủi ro." - Đỗ Sơn Hải (29 tuổi) chia sẻ.
Hải đã có nhiều năm xa gia đình đi du học và vì thế cũng đã trải nghiệm cảm giác ăn Tết xa quê nhiều lần. Nhưng năm nay thì khác, vì đây là lần đầu tiên anh về nước mà không ăn Tết ở quê nhà Hà Nội. "Nỗi buồn là khó tránh nhưng không thể nào sánh bằng sự an toàn của gia đình, đó là lý do mình chọn ở lại Sài Gòn Tết này."
Tết năm nay, thật quen, mà cũng thật lạ. Nếu như ở nước ngoài, những ngày này mọi người đều đi làm cũng khiến Hải đỡ nôn nao hơn, nhưng giờ ở Việt Nam thì khác. Nhà nhà, người người cùng nhau đón Tết, cái không khí nô nức ấy làm anh không khỏi chộn rộn trong lòng.
Mọi năm, Hải đều cùng cha mẹ đi chúc Tết hai bên nội ngoại nhưng năm nay, khi không thể về quê, anh quyết định tự đặt quà Tết để gửi về cho gia đình.
"Mình thấy việc đặt quà online giờ đang trở thành thói quen mới. Với lại, nhờ có điện thoại thông minh mà mình có thể gọi video thăm hỏi, chúc Tết mọi người chứ không phải chỉ tặng quà suông. Chắc chắn gắn kết trong gia đình vẫn ở đó, chỉ là theo một cách khác cùng những thói quen mới để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng." - Hải chia sẻ.
Tình cảm và tấm lòng hướng về quê hương của Hải dành hết trong sự để tâm, khéo léo chọn lựa các phần quà làm đẹp lòng tất cả mọi người trong nhà. "Trước đây, vì không có nhiều thời gian nên mình chỉ biết gửi tiền để nhờ mẹ mua giúp quà cho mọi người nhưng năm nay, mình cũng muốn được tự tay chọn từng món quà Tết cho cả nhà. Là những phụ nữ Hà Nội điển hình, mẹ và các dì mình chỉ quen với cái Tết cổ truyền đi cùng với những món ăn truyền thống nhưng các em ở nhà thì lại thích thử những món ăn mới lạ với hương vị hiện đại, hình thức bắt mắt. Năm nay, biết được GrabMart có tính năng mới là đặt quà cho người thân ở xa nên mình cũng thử đặt ít quà bánh mà các em thích rồi nhờ shipper gửi đến tận nhà. Chỉ chưa đầy một tiếng là ngoài nhà mình nhận được hàng rồi, tiện lắm." - Hải hào hứng chia sẻ.
Tết này, dù không thể về chúc Tết ông bà, cha mẹ nhưng những giỏ quà được đặt từ phương xa đã phần nào thay Hải gửi gắm tình thương của người con xa xứ đến gần hơn với người thân ruột thịt của mình nơi quê nhà. Thật vậy, sự quan tâm, yêu thương mà Hải gửi đến bố mẹ cùng họ hàng thân thuộc vẫn được thể hiện một cách trọn vẹn bằng những giỏ quà Tết được lựa chọn tinh tế, cẩn thận bằng cả tấm lòng trân trọng dù không thể về trao tận tay người thân của mình.
Nguyễn Thanh Anh (23 tuổi) từ một cô sinh viên chân ướt chân ráo mới lên Sài Gòn học năm nào giờ đã thành tân cử nhân và chính thức có được công việc đầu tiên của mình. Tối ngày "sấp mặt" với công việc chất chồng như núi, cô dường như không còn thời gian gọi về cho gia đình.
"Đây là năm đầu mình đi làm nên phải cố gắng. Tính chất công việc cũng khó di chuyển về quê, lại có dự án lớn xuyên Tết nên mình đã quyết định ở lại luôn. Vì về nhà thì cũng suốt ngày ôm mặt vào máy tính, đón Tết cũng không được trọn vẹn với gia đình." - Thanh Anh tâm sự.
Chọn ở lại thành phố ăn Tết là một quyết định khó khăn của Thanh Anh. Có chút buồn khi nói với ba mẹ: "Sau Tết con mới về được", nhưng Thanh Anh biết rằng ba mẹ hiểu khao khát được cháy hết mình cho công việc ở tuổi 23 thật sự đáng khích lệ. Tất nhiên, lần đầu đón năm mới không có gia đình cạnh bên sẽ ít nhiều bỡ ngỡ, và nhớ nhung tiếc nuối là cảm xúc không thể tránh khỏi, nhưng được giao nhiều việc ngay khi mới ra trường cũng là tin vui mà Thanh Anh dành tặng ba mẹ. "Mình đã đủ trưởng thành để hiểu rằng những yêu thương chân thành không vì ở xa mà bị ngăn cách, và khoảng cách địa lý phần nào sẽ được khỏa lấp nhờ sự quan tâm từ tận đáy lòng của con người." - Thanh Anh chia sẻ.
Không hay thổ lộ những lời yêu thương với cha mẹ, nhưng không vì thế mà Thanh Anh không có cách để thể hiện tình cảm của mình. Hiểu rõ sở thích của người thân, gửi tặng họ đúng thời điểm một cách ân cần là cách mà Thanh Anh vẫn luôn âm thầm bày tỏ tình cảm của mình.
"Mỗi món quà đều có ý nghĩa riêng của nó. Mình là một đứa hướng nội, không hay thể hiện tình cảm trước mặt người khác nên từ nhỏ giờ vẫn hay gửi gắm tâm tư qua những món quà. Hồi xưa thì mình hay chạy đi mua về, cất góc phòng của mỗi người trong nhà, rồi ghi giấy nhắn lại. Bây giờ ở xa không làm được như vậy nên cầu cứu công nghệ. Tết này mình đặt nhiều nhất trên GrabMart vì dù ở thành phố nhưng mình vẫn có thể đặt quà ở cửa hàng gần nhà, vừa tiện vừa đúng ý của mình. Bởi có những thức quà Tết không đi đâu mua được ngoài quán quen ở quê." - Thanh Anh chia sẻ.
Rời quê lập nghiệp đã lâu nhưng chưa năm nào Đào Thị Thu Thơ (25 tuổi) bỏ lỡ chuyến xe cuối cùng về quê ăn Tết. Vậy mà, năm nay cô đã không lên chuyến xe ấy mà quyết định ở lại Sài Gòn. Thơ chọn ở lại không phải vì không kịp mua vé xe, mà vì cô đang ấp ủ và thực hiện những dự định của riêng mình.
"Ban đầu, nghĩ đến việc Tết này không được đón giao thừa với gia đình, không được thăm ông bà, họ hàng, không đi chơi Xuân với nhóm bạn ở quê mình cũng hơi buồn, nhưng quyết định rồi thì… thôi, để dành tất cả điều đó cho năm sau!" - Thơ chia sẻ.
Nhớ về khoảng thời gian này những năm trước, các nhà trong xóm Thơ đều đỏ lửa nấu bánh tét, nhà ai cũng nô nức muối kiệu, làm tai heo ngâm dấm, tiếng cắn hạt dưa tí tách từ sáng sớm đến đêm khuya. Hạnh phúc, yêu thương càng đong đầy khi những người trẻ xa quê như Thơ trở về đi một vòng chúc Tết cả xóm, mang theo nhiều câu chuyện thú vị và những món quà đậm hơi thở hiện đại của thành phố lớn.
Năm nay, vì không thể góp mặt trực tiếp trong cái không khí đầm ấm ấy, Thơ không khỏi nóng lòng muốn làm chút gì đó để gửi gắm yêu thương về nơi xóm làng thân thương của mình. Tuy không thể mua quà và tận tay gửi đến những người thân yêu, nhưng Thu Thơ lại vô cùng mừng rỡ khi tính năng tặng quà và đặt món khác thành phố của GrabMart đã thay cô làm điều này. Quà Tết mà Thu Thơ gửi đến ông bà, cha mẹ, cô bác nơi quê nhà không lớn về giá trị vật chất, mà giàu ý nghĩa tinh thần bởi tất cả đều đậm hơi thở mùa Xuân, hơn hết là tấm lòng đầy yêu thương mà cô không thể trực tiếp thể hiện.
Năm nay là cột mốc mới đối với Thu Thơ khi cô không chỉ quyết tâm với những kế hoạch còn đang dở dang mà còn lần đầu quyết định đón Tết xa quê. Hồi hộp có, nuối tiếc có, nhưng trên hết Thu Thơ tin rằng những trải nghiệm mới sẽ giúp bản thân đi đến những hành trình đầy ý nghĩa sắp tới. "Dù không được sum họp với gia đình nhưng mình tin rằng, đây sẽ là một trải nghiệm thật đặc biệt và mình cũng đã sẵn sàng để cùng bạn bè khám phá những điều thú vị của Tết Sài Gòn." - Thu Thơ chia sẻ.
Tết cổ truyền, dù ở xa nhà hay được bên cạnh gia đình thì những người con đất Việt luôn ươm mầm yêu thương bằng những thức quà Tết được gói trọn bằng cả tấm lòng. Khởi đầu một chu kỳ mới của đất trời, những hạt mầm yêu thương chắc chắn sẽ mọc lên điều tốt đẹp.