TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người

Lucas, Theo Báo dân sinh 20:02 30/08/2020
Chia sẻ

TENET như một bản giao hưởng hoành tráng mà Nolan đã viết nên cho thế giới điện ảnh, một bản giao hưởng đầy tham vọng và thách thức nhiều quy luật.

BÀI VIẾT TIẾT LỘ MỘT PHẦN (KHÔNG NHIỀU) NỘI DUNG PHIM, CÂN NHẮC TRƯỚC KHI ĐỌC!

Bom tấn mới TENET của Christopher Nolan là một bài toán khổng lồ. Có nhiều khán giả, dẫu đã bị mất hướng giải từ giữa bài toán đó, vẫn thong dong tận hưởng những con số, những công thức chạy liên tục và chứng kiến vẻ đẹp của sự không tưởng mà điện ảnh mang lại. Với họ, cũng như câu thoại trong phim, "sự thiếu hiểu biết là vũ khí". Song, vẫn có nhiều người chỉ nhìn thấy được vẻ đẹp tối cao nhất ở đáp án cuối cùng của bộ phim, một đáp án nằm ngoài những giải thích đơn thuần để hướng về câu hỏi: điều cuối cùng TENET đang muốn truyền tải là gì?

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 1.

Có nhiều cách để cảm thụ và hiểu một tác phẩm điện ảnh, chủ yếu đi từ phông văn hóa của mỗi người và cách chúng ta hiểu thế giới vận hành ra sao. Vì vậy, việc đi tìm ý nghĩa duy nhất và cao nhất của một bộ phim là điều khó thành hiện thực. Song, những ai đã quen với phong cách làm phim của Christopher Nolan sẽ hiểu được ông luôn khiến khán giả "ngã ngửa" với luật chơi của mình. Nghĩa là, ngoài những lúc để khán giả tự cảm thụ cá nhân, phim của Nolan chứa đầy những luật chơi mà chúng ta bằng cách nào đó phải "đọc luật". Một khi đã thấm luật rồi, khán giả có quyền vùng vẫy để cảm thụ theo cách của mình, bình thường hóa mọi bất thường ban đầu thuộc thế giới phim và dần dà đào sâu vào giá trị cốt lõi của nó.

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 2.

Đi tìm điều TENET muốn truyền tải, trước tiên phải hiểu được phong cách làm phim của Nolan: sự ám ảnh về thời gian và khái niệm nghịch đảo (inversion), những đề tài ông thích khai thác và cuối cùng là đề tài về tự do ý chí riêng chỉ TENET có trong số các tác phẩm của ông.

Nolan và nỗi ám ảnh với khái niệm "thời gian"

Không gì nằm ngoài quy luật của thời gian, kể cả điện ảnh. Từng thước phim trôi qua trước mắt, hành trình nhân vật, câu chuyện được kể,... tất cả vận hành nhờ gắn kết chặt chẽ với thời gian. Nhưng khác với thực tại chúng ta sống, nơi thời gian không thể bị thao túng, thời đại công nghệ kỹ thuật số cho phép con người đóng hộp thời gian và chơi đùa với nó bằng những cách sáng tạo nhất. Quay phim, dựng phim, cắt phim và chiếu phim... tất cả đều là sự chi phối thời gian trong một thực tại ảo mà nhà làm phim đã tạo ra. Với Nolan, như một người có khát khao được điều khiển thời gian hơn mức những kỹ thuật cơ bản cho phép, ông cho ra đời những tác phẩm mà trong đó thời gian không khác gì một nhân vật quan trọng.

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 3.

Memento (2000), Nolan khám phá lối kể chuyện không những phi tuyến tính mà còn đối nghịch nhau giữa bắt đầu - kết thúc và cuối cùng là gặp nhau tại điểm giữa. Câu chuyện trong phim vô cùng đơn giản, nhưng cách thao túng thời gian của Nolan đã khiến nó phức tạp và gay cấn. Làm chủ được thời gian, Nolan buộc khán giả phải tư duy phim theo hướng phi tuyến tính, kích thích khả năng xâu chuỗi sự kiện và xem phim một cách chủ động hơn.

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 4.

Sau đó, chúng ta có Inception (2010). Dù lấy concept là giấc mơ và tiềm thức, khái niệm về thời gian một lần nữa được đan cài vào: thời gian sẽ trôi với tốc độ khác nhau ở mỗi tầng giấc mơ. Bộ phim được làm tuyến tính, song càng đến hồi 3 nhiều đường thẳng mới lại xuất hiện, song song với đường thẳng ban đầu, tạo sự căng thẳng gấp 3 lần, để mọi thứ được giải quyết và hợp nhất lại một cách tài tình, kết thúc trên bản nhạc mang tên Time của nhạc sĩ Hans Zimmer.

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 5.

Tương tự, Dunkirk (2017) cũng khai thác đề tài chiến tranh từ góc nhìn của ba vị trí quân sự khác nhau: đất, biển và trời, với ba nhận thức về thời gian khác nhau. Vậy mới nói, nếu có điều gì mà Christopher Nolan ám ảnh hơn cả, có lẽ chính là được làm chủ và thay đổi góc nhìn tuyến tính về thời gian của tất cả chúng ta.

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 6.
TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 7.

Hiếm có một nhà làm phim nào như Christopher Nolan khi được studio tin tưởng tuyệt đối để đầu tư vào một dự án phức tạp như TENET. Các bộ phim của Nolan không chỉ mang đến giá trị sản xuất mà còn đại diện cho sức mạnh thương hiệu của tên ông trong dòng phim bom tấn giao thoa các thể loại hành động – giật gân – khoa học viễn tưởng.

Với TENET, tác phẩm có thể xem là "tham vọng" nhất của ông, Nolan một lần nữa làm bạn với thời gian, thách thức cách hiểu của chúng ta về thực tại trong mối tương quan với quá khứ và tương lai. Nolan giới thiệu một concept hoàn toàn mới: nghịch đảo thời gian (time inversion). "Du hành thời gian" là đề tài đã bị văn hóa đại chúng nói chung và phim ảnh nói riêng khai thác cạn kiệt. TENET mang đến một luồng gió mới cho đề tài này khi đưa ra một quy luật: chúng ta không thể nhảy vọt về một thời điểm trong quá khứ, mà chúng ta phải đi ngược về quá khứ từng bước một.

Hiểu đơn giản hơn, nếu máy thời gian trong nhiều phim điện ảnh cho phép nhân vật di chuyển từ năm 2020 đến năm 2015 ngay lập tức, thì nhân vật trong TENET chỉ có thể đi lại năm 2015 bằng cách "lội ngược dòng": sống lại tất cả các năm 2019, 2018, 2017, 2016 trước khi trở về đúng thời gian mong muốn. Mấu chốt của việc ngược dòng này là, từ góc nhìn của người du hành, mọi thứ đều sẽ bị nghịch đảo. Chim sẽ bay ngược, xe sẽ đi lùi, đạn sẽ trở về với súng còn khói sẽ trở thành lửa.

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 8.

Để làm được điều này, nhân vật sẽ phải sử dụng một thiết bị gọi là cửa xoay thời gian (time stile). Thiết bị này như một ngã rẽ hình chữ "u" mà khi đi vào và vòng ra ngược lại ở đầu kia, bạn sẽ bắt đầu di chuyển trong một dòng thời gian nghịch đảo. Bạn đang sống tiếp và tiến về tương lai, nhưng hướng đi của bạn chính quá khứ bạn đã sống. Mọi thứ bạn đã trải qua, bạn đều sẽ trải qua lại nhưng theo hướng nghịch đảo. Nếu bạn tương tác với những người trên dòng chảy ngược đó, trong mắt họ và chiều đi xuôi dòng của họ, bạn mới là người nghịch đảo. Khi tới điểm thời gian mong muốn, chỉ cần đi vào cửa xoay theo chiều ngược lại, nhân vật sẽ tiếp tục sống dòng thời gian chảy xuôi kể từ thời điểm đó.

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 9.

Nghe cách vận hành có vẻ đơn giản, nhưng để hiểu được nó trong TENET không hề dễ, bởi dù bộ phim đi theo góc nhìn của nhân vật chính, có rất nhiều nhân vật khác cũng dùng cách thức nghịch đảo thời gian này. Nắm bắt hành trình của một người đã khó, nắm bắt hết hành trình cùa các tuyến nhân vật trong phim còn phức tạp hơn. Nhưng cũng chính sự phức tạp đó đã tạo nên những trường đoạn đáng nhớ, những màn rượt đuổi có một không hai của phim hành động và những cảnh đánh nhau thách thức mọi chuẩn mực của điện ảnh bạn từng biết trước đó.

Chiêm ngưỡng một tai nạn giao thông nghịch đảo giữa đường cao tốc, hay một màn tập kích quân sự với hai đoàn quân ngược hướng thời gian nhau cùng tái tạo lại một tòa nhà đã sập chỉ để phá tung nó lần nữa, là những thứ khiến đầu óc khán giả gần như quay cuồng trong câu hỏi: "Sao có thể như vậy?". Phim bom tấn đầy những thứ phi logic, nhưng bom tấn của Christopher Nolan thì là một sự phi logic nằm trong tính toán và luật chơi do chính ông nghĩ ra, phải xem, phải cảm nhận trong rạp phim để mọi giác quan được dẫn dắt.

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 10.

TENET là sự kết hợp các tinh hoa của Nolan

Gọi TENET là bộ phim hoài bão nhất của Nolan bởi không chỉ giới thiệu một ý niệm hoàn toàn mới mà dường như ông còn gợi nhắc lại toàn bộ những tác phẩm dấu ấn của mình. Thể loại giống Inception, đề tài về "thông điệp từ tương lai" giống Interstellar, trận chiến ở hồi 3 đậm tính quân sự như Dunkirk, chơi đùa với thời gian như Memento và một nhân vật có hai bản thể song trùng như The Prestige (2006). Tuy vậy, sự khiên cưỡng không hề tồn tại trong TENET khi đưa những yếu tố này vào mà trái lại rất hợp lý và làm ra một trải nghiệm điện ảnh đáng nhớ.

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 11.

Nolan luôn biết cách khiến đề tài của mình trở nên hấp dẫn và dễ tiếp cận. Mấu chốt ở việc chọn thể loại phim. Nolan đam mê thể loại hành động, bởi dường như chỉ có thể loại này mới thể hiện được cách ông thao túng thời gian và cho người xem thấy rõ những tác động của nó, ví dụ như những màn slow motion trong Inception hay những pha chiến đấu khốc liệt của Dunkirk. Nolan cũng rất mê thể loại ly kỳ, điệp viên, phảng phất đâu đó màu sắc của James Bond. Kịch tính của thể lệ này chủ yếu đến từ màn chạy đua của nhân vật với thời gian trôi qua theo từng nhịp kim đồng hồ, một nét nữa mà ai xem Inception hay Dunkirk cũng thấy.

Tương tự như 2 tác phẩm trên, TENET cũng là một phim hành động, điệp viên đầy gay cấn, với sức hút nằm giữa việc nhân vật chính phải ngăn chặn một thảm họa toàn cầu có thể dẫn đến sự diệt vong của nhân loại. Nghịch đảo thời gian vì thế được đưa vào như một luật chơi quan trọng, mấu chốt giải quyết vấn đề của bộ phim này, vừa xây dựng được những tình huống phim đầy sáng tạo nhưng cũng vừa hấp dẫn về tính kể chuyện.

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 12.

Ở đề tài, TENET khá giống Interstellar, một tác phẩm thể loại khoa học viễn tưởng cũng rất thành công của ông. Trong Interstellar, Trái Đất có khả năng bị diệt vong vì hệ sinh thái dần bị tàn phá. Ngay lúc đó, nhân vật chính nhận được những thông điệp bí ẩn mà đến hồi 3 của phim, chúng ta biết rằng đó là những thông điệp của tương lai để giải cứu Trái Đất và cho loài người một cơ hội.

TENET, nhân vật chính cũng phải giải quyết những lời nhắn đến từ tương lai, nhưng không giống Interstellar, tương lai không hề tốt bụng. Một thiết bị được chia làm 9 mảnh ghép, giấu khắp dòng lịch sử nhân loại đang được tương lai tái hợp lại để xoay chuyển dòng chảy thời gian, mang mọi thứ về lại số 0 và hủy diệt toàn bộ nền văn minh. Bằng đề tài này, Nolan dường như bày tỏ mối lo về những vấn đề mang tính toàn cầu, về hiện thực chúng ta đang sống đang bị tàn phá, và rằng đâu đó trong tương lai sẽ có những người ra tay "sửa sai" bằng mọi cách nếu từ bây giờ chúng ta không có một sự thay đổi.

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 13.

Phản diện Andrei Sator (Kenneth Branagh) có dáng dấp của những tên trùm cuối trong các bộ phim Bond: lịch lãm, nguy hiểm, tài phiệt vũ khí, băng đảng và đặc biệt là muốn phá hủy thế giới

Một điều đáng chú ý nữa, là ngoài việc ám ảnh với thời gian ra, Nolan dường như cũng luôn cho một chủ đề đi cặp với nó: sự mất mát và đôi khi là cả cái chết. Những bộ phim trước đây của Nolan luôn có một bóng ma ám ảnh những nhân vật chính, thường là một người vợ, người tình đã qua đời như trong Memento, The Prestige hay Inception. Ở TENET, chủ đề này một lần nữa được lặp lại với nhân vật phản diện Andrei Sator (Kenneth Branagh). Sator là người đã làm việc với tương lai để lắp đặt lại thiết bị có thể khiến cả nhân loại quay trở về điểm khởi đầu, và hắn không có gì để mất bởi chính hắn cũng đang chạy đua với thời gian, với căn bệnh ung thư.

Khi được chọn trở về một ngày trong quá khứ để kết thúc cuộc đời mình cùng với vận mệnh thế giới, hắn đã chọn trở về ngày mà với hắn, tình cảm với người vợ Katherine (Elizabeth Debicki) còn mặn nồng và đẹp nhất. Với những ý tưởng cao siêu và khó có thể nắm bắt được ở một lần xem, chủ đề này có lẽ là chút gia vị đậm chất "con người" mà Nolan đã thêm vào tác phẩm của mình, để khán giả không chỉ thấy một phim nặng về IQ mà còn có dư vị của EQ.

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 14.

TENET và câu hỏi liệu chúng ta có thay đổi được số phận?

Một trong những câu hỏi thoáng qua nhưng đầy tính triết học của TENET là khi Nhân Vật Chính được giới thiệu về cơ chế nghịch đảo của đạn. Lúc đưa tay ra hứng viên đạn bay ngược vào nòng súng, anh đã hỏi: "Vậy còn tự do ý chí thì sao?" (How about free will?).

Nếu viên đạn bay ngược vào nòng súng, thì có nghĩa là xét trên trục thời gian tuyến tính, chúng ta là người đã bắn viên đạn đó ra, là người quyết định khoảnh khắc, hướng đi của nó. Nhưng giờ, trong một thế giới nghịch đảo, liệu chúng ta có được tự do đinh đoạn từng phút giây của mình không, hay chúng ta chỉ đang làm những gì đã xảy ra mà không có ý thức về nó? Viên đạn bay ngược về khẩu súng trên tay của chính mình, liệu chúng ta có tự hỏi mình đã bắn viên đạn khi nào, và lỡ như mình không muốn bắn viên đạn đó?

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 15.

John David Washington thủ vai nhân vật chính, một nhân vật không có tên và chỉ được nhắc đến là The Protagonist – nhân vật chính diện. Dấu chấm hỏi cho tên của nhân vật này không khác gì dấu chấm hỏi đặt ra cho "tự do ý chí": liệu chúng ta có đang làm chủ số phận mình?

Những ai xem các phim trước của Nolan chắc không còn lạ lẫm gì với những thông điệp đậm tính hiện sinh (existentialism) được ông gửi đi. Trong Inception, khi Arthur (Joseph Gordon-Levitt) hỏi tại sao Ariadne (Ellen Page) lại quay lại với các buổi tập huấn, cô gái kiến trúc sư đã thú nhận: "Pure creation", sáng tạo thuần tuý. Xoay quanh câu nói kinh điển của Rene Descartes "cogito ergo sum" hay còn gọi là "I think, therefore I am" (tôi suy nghĩ nên tôi tồn tại), Nolan đưa ra tiền đề cho việc con người tồn tại ngay cả khi mơ. Trong giấc mơ đó, sự kiến tạo xây đắp nên một hiện thực mới, khiến những kẻ mơ thấy mình như chúa trời, làm chủ không thời gian và mọi khoảnh khắc. Chừng nào họ còn tồn tại, chừng đó giấc mơ vẫn còn mãi.

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 16.

Interstellar, khi vào khối lập phương bí ẩn và khám phá ra sự thật về những lời nhắn đến từ tương lai, thông điệp hiện sinh của Nolan đưa ra rõ ràng về một và nhiều thực tại khác, về sự tồn tại của con người giữa vũ trụ mênh mông và bất kỳ ai ngoài kia sẵn sàng đồng hành cùng họ, dù ở tương lai hay thực tại nào đi chăng nữa. Xung quanh phim của Christopher Nolan, các yếu tố "hack não" chỉ là bề nổi, nhưng những vấn đề triết học thì lại là thứ sâu xa hơn để chúng ta luôn đặt câu hỏi về vũ trụ và cuộc đời.

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 17.

TENET, Nolan đã chuyển mình từ chủ nghĩa hiện sinh sang chủ nghĩa tất định (determinism). Câu hỏi về tự do ý chí của nhân vật chính là tiền đề cho nhận thức của anh ta và của các khán giả khi cả bộ phim đã kết thúc. Trong TENET, con người được đặt ở giữa cuộc giao tranh không ngừng của tương lai và quá khứ, mãi mãi mắc kẹt trong một thế gọng kìm (mà phim gọi là thế gọng kìm thời gian – temporal pincer movement) đã được thiết lập sẵn.

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 18.

Ở cuối phim, nhân vật chính nhận ra rằng toàn bộ những gì đã diễn ra là do chính anh của một tương lai xa sắp đặt, bởi anh đã sống và trải qua hết mọi thứ. Để giữ cho lịch sử luôn đi đúng hướng, đảm bảo rằng Sator luôn thất bại và thiết bị tận thế kia sẽ không bao giờ tới được tay của những người trong tương lai, anh sẽ mãi mãi là người phải tự thu nạp chính mình và tiến hành chiến dịch TENET theo đúng những gì đã định. Đó chính là những gì chủ nghĩa tất định hướng tới: chúng ta không có tự do ý chí, bởi mọi thứ đã được sắp đặt. Cũng như viên đạn bị trả ngược về nòng súng của chính mình: bạn có thể đợi đến bao giờ cũng được, nhưng một khi bạn bóp cò, viên đạn đó là của bạn, do bạn bắn và không cách nào thay đổi được đích đến cuối cùng đó.

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 19.

Sau cùng, TENET như một bản giao hưởng hoành tráng mà Nolan đã viết nên cho thế giới điện ảnh, một bản giao hưởng đầy tham vọng và thách thức nhiều quy luật. Dưới góc nhìn của khán giả, có lẽ thật khó để thuyết phục những ai thấy TENET không tốt, rằng đây là một bộ phim rất hay, bởi nó bao hàm nhiều cấp độ cảm thụ, hiểu phim và suy tư trăn trở về phim. Một tác phẩm phức tạp như TENET có lẽ cần thời gian, cũng như chính các nhân vật cần thời gian để thay đổi cục diện mọi thứ. Khi Inception chiếu lại ở các khán phòng vào tháng 8 vừa qua, đã có rất nhiều tráng pháo tay ngợi khen một tác phẩm 10 tuổi. Có lẽ 10 năm sau, TENET cũng sẽ có một hiệu ứng tương tự. Vậy thì, không khác nào nhân vật chính của phim, chính Christopher Nolan đã và đang để lại những lời nhắn cho hậu thế của mình, hoặc cho chính mình trong tương lai.

Xem qua trailer chính thức của TENET

TENET hiện đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Nguồn ảnh: Warner Bros

TENET: Khi Christopher Nolan “hack não” thiên hạ để bàn về tự do ý chí của con người - Ảnh 22.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày