Nỗi lo, thậm chí có thể nói là nỗi sợ tất cả mọi thứ bị tăng giá dịp Tết dường như đã trở thành một trạng thái tâm lý khá quen thuộc với mọi người. Nếu như trước kia cứ tới mỗi dịp Tết, không kể là trước, trong hay là sau, những người cầm ví đi mua sắm chính là những người hiểu rõ nhất câu chuyện tăng giá, thì bây giờ, bản thân những người trẻ, chỉ cần bước chân vào một hàng cafe mở xuyên Tết là đã hình dung được chuyện này rồi.
(Hình minh họa @jouri dessert & tea)
(Hình minh họa @jouri dessert & tea)
Không chỉ là ở nhà quây quần bên gia đình, về quê thăm họ hàng, hay xách balo đi du lịch, những ngày Tết cũng là khi nhu cầu được ăn uống, tụ tập bạn bè của giới trẻ được đẩy lên cao. Và còn gì hợp lý hơn khi kéo nhau ra hàng, lê la cafe? Nếu ngày xưa sẽ lo thiếu chỗ ăn, chỗ chơi, chỗ ngồi tám chuyện vì hàng quán cùng nhau nghỉ Tết, thì bây giờ, có lẽ lo nhất là khi thanh toán hóa đơn, ai nấy đều giật mình vì đồ uống bất ngờ tăng giá, cửa hàng tính thêm phí phụ thu mà không hề báo trước.
Dù cho Tết Đinh Dậu đã vừa đi qua, nhưng câu chuyện giá cả dịp Tết nhất chưa bao giờ là chủ đề bớt khiến mọi người phải bàn tán, xôn xao.
Đi chơi Tết, giật mình vì những khoản phí phụ thu
Nắm bắt được nhu cầu ăn chơi, giải trí của giới trẻ bây giờ, rất nhiều quán cafe từ hệ thống lớn, có tiếng, cho tới những quán cafe nhỏ lẻ khác đã quyết định mở cửa xuyên Tết để phục vụ lượng khách đông đảo này. Thường thì trước Tết, dân tình cũng sẽ rất quan tâm xem sắp tới có quán cafe nào mở xuyên Tết để ngồi đón giao thừa không, rồi mùng 1, mùng 2 không biết đi đâu, muốn tụ tập bạn bè ra đâu ngồi thì được.
Các quán cafe thường sẽ dùng Fanpage để thông báo lịch nghỉ Tết.
Thông qua các mạng xã hội như Facebook, Instagram, bằng Fanpage của mình, những quán cafe hay được giới trẻ lui tới cũng sẽ có một thông báo chính thức về lịch nghỉ Tết, rồi có tăng giá, xuất hiện phụ thu hay không. Từ đó khách hàng có thể nắm bắt được. Hoặc cũng có một cách nữa là trước Tết, khách hàng sẽ hỏi trực tiếp nhân viên tại quán về điều này.
Thế nhưng, không phải quán cafe nào cũng rõ ràng trong chuyện giá cả ngày Tết như thế. Hay một vài trường hợp là vì đi đâu cũng hết chỗ nên đành... vào đại, đến lúc thanh toán tiền rồi mới giật mình vì quán có thêm phí phụ thu nhưng trước đó nhân viên không hề dặn trước, hay tại quán không dán thông báo này.
Đó là câu chuyện mà nhóm bạn của T.V (TP. Vinh) đã trải qua vào ngày mùng 3 Tết vừa rồi. Sau khi ghé qua một vài quán cafe nhưng vì lượng khách quá đông nên hết chỗ, nhóm bạn đành tới P.C - một quán cafe nằm trên đường Trần Quang Diệu. Lúc vào, nhân viên của quán có đưa menu, cả nhóm gọi đồ uống như bình thường. Tới lúc thanh toán và xem hóa đơn, mọi người đã rất bất ngờ khi phải trả thêm 20% phí phụ thu trên tổng hóa đơn. Không hỏi thì ai cũng tự hiểu rằng vì "Tết nên mới tăng giá". Vốn các món đồ uống ở đó giá cả cũng không quá đắt nên 20% phí phụ thu không nhiều (50-60k), tuy nhiên điều khó hiểu nhất là vì sao nhân viên không thông báo trước về điều này khi order đồ uống? Dẫn đến lúc ra về và thanh toán, ai cũng cảm thấy như... bị lừa.
Và đây có lẽ cũng không phải là trường hợp duy nhất các bạn trẻ đi ăn uống, cafe trong dịp Tết vừa qua phải trả phí phụ thu hay bị tăng giá mà không hề biết trước.
Chủ các quán cafe nói gì?
Chúng tôi đã mang câu chuyện tăng giá dịp Tết liên hệ với một số quán/ hệ thống quán cafe có tiếng ở Hà Nội, Sài Gòn để nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. Và không phải quản lý hay chủ cửa hàng nào cũng sẵn sàng chia sẻ về vấn đề được cho là nhạy cảm này.
Trong dịp Tết vừa rồi, Cabine - địa chỉ vốn rất quen thuộc với các bạn trẻ Hà Nội là một trong những quán cafe mở cửa xuyên Tết, không nghỉ ngày nào. Chị Tú Oanh, quản lý của Cabine - cơ sở Hàng Gà cho biết ngắn gọn: "Cabine có tăng giá 20% vì đây là phí dịch vụ Tết. Đến mùng 4 là cửa hàng trở về mức giá như bình thường và đã có thông báo cho khách hàng từ trước".
Ảnh: Cabine Hanoi
Còn với Aroi Dessert Cafe - hệ thống có tất cả các cửa hàng mở cửa dịp Tết - đại diện quản lý của hệ thống chia sẻ: "Aroi có đồ tăng và đồ giảm. Bên mình để với giá chung là 35k/đồ uống. Aroi in menu Tết và trong đó chỉ có tầm 7 món nước được phục vụ trong ngày Tết, do nhu cầu cao nên không thể bán toàn bộ đồ trong menu cũ (ngày thường) được. Mức giá này được để từ hôm 30 đến hết mùng 6 Tết. Năm nào quán cũng có dán thông báo ở khu vực order đồ. Năm nay Aroi cũng thông báo về menu đồng giá trà qua kênh Foody".
Về lý do tăng giá dịp Tết, quản lý hệ thống cho biết rằng: "Có 2 lý do: thứ nhất và nhiều nhất là việc duy trì nhân viên phục vụ và đi làm ngày Tết. Để có thể có đủ nhân viên phục vụ thì các cơ sở phải trả gấp 3 lần lương ngày thường/ 1 nhân viên. Vì ai cũng muốn ở nhà ăn Tết mà, đâu có ai muốn đi làm đâu. Đó là chi phí chính, đội lên nhiều nhất. Chi phí thứ 2 là nguyên liệu. Nhưng Tết năm nay bên mình đã có bạn quản lý cung ứng, làm việc trước nên đỡ hơn. Chính vì vậy mà Aroi mới có thể bán được với mức giá rẻ hơn các bên khác như thế.
Nếu nói là tăng giá thì không đúng lắm. Vì bán đồng giá 5 món thì có 2 món giá 39k đã hạ xuống 35k, 1 món giữ nguyên giá và chỉ có 2 món lên giá thôi, nên khi so sánh lại thì thật ra không tăng giá nhiều lắm. Chính nhờ việc giảm số lượng món và bán đồng giá như thế nên mới có thể bớt được chi phí của nhân viên trên mỗi ca trực. Cân đối lại thì sẽ không phải nâng giá quá nhiều. Nếu chạy full menu thì sẽ phải cần đủ nhân viên, đủ nguyên liệu. Còn cách làm này sẽ giảm tải được nhiều, nhờ đó cân đối vào chi phí đồ uống".
Ảnh: Aroi Dessert Cafe
Ảnh: Aroi Desser Cafe
Khi được hỏi về quan điểm "có phải đến Tết, hàng quán tăng giá là chuyện bình thường", quản lý hệ thống Aroi thẳng thắn: "Thật ra nó là việc bình thường nhưng không thể vì thế mà là lý do để các hàng quán có thể tăng giá vô tội vạ được. Chính việc tăng giá ngày Tết sẽ làm cho tâm lý của khách hàng e ngại hơn, sợ bị chặt chém.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có rất nhiều cách để khắc phục việc đấy. Như là việc bán đồng giá một số sản phẩm nhất định, mô hình đó sẽ giúp khách hàng yên tâm là khi tới, mình chỉ phải trả khoản tiền đó thôi, không hơn không kém".
Ngoài quan điểm không tăng giá để níu chân khách, một số cửa hàng ở Hà Nội chọn cách tăng giá nhẹ nhất có thể, coi chuyện tăng giá là điều bất đắc dĩ và thông báo, xin lỗi, mong sự cảm thông từ khách hàng. Đây chính là cách mà hệ thống Cộng cafe đã áp dụng trong đợt Tết vừa qua.
"Dịp Tết, bên mình áp dụng menu riêng và trên menu đều ghi dòng chữ xin lỗi khách hàng. Việc tăng giá cũng chỉ diễn ra trong 3 ngày từ mùng 1 đến mùng 3. Sau đó giá cả lập tức trở lại bình thường", chị Linh (phụ trách Marketing của thương hiệu này) cho biết.
Dịp Tết, hệ thống Cộng cafe thực hiện menu riêng và "đính kèm" lời xin lỗi đến tất cả khách hàng.
Theo chị Linh, dù dịp Tết, khách tăng cao gấp khoảng 1,5 lần trong khi nhân viên có hạn nhưng chuỗi cafe Cộng luôn cố gắng phục vụ chu đáo nhất có thể. Menu 3 ngày Tết có sự thay đổi, hạn chế nguyên liệu tươi như hoa quả để đảm bảo chất lượng. "Do dịp Tết những nguyên liệu này không sẵn có nên chúng mình chỉ bán những thứ tốt nhất cho khách hàng. Thêm nữa là để phục vụ nhanh, nhiều cơ sở thậm chí phải dùng cốc nhựa để tránh việc cọ rửa khiến khách phải chờ đợi".
Cùng với việc chỉ tăng giá nhẹ 15%, hạ nhanh khi chưa kết thúc nghỉ lễ và có thông báo rõ ràng cho khách hàng, chị Linh cho biết, menu Tết của Cộng được khách hàng đánh giá cao. Dù vẫn là câu chuyện tăng giá để cân bằng thu chi nhưng với cách làm hợp lý như vậy, không chỉ phía doanh nghiệp thu lợi mà khách hàng cũng hết sức hài lòng, ủng hộ.
Nhờ minh bạch giá cả, dịp Tết, các cửa hàng của Cộng cafe đều rất đông khách.
Việc sợ bị chặt chém, nỗi lo tăng giá ngày Tết có thể nói là chuyện không phải của riêng ai, và hầu như Tết năm nào người ta cũng đưa lại chủ đề này ra để tranh luận. Đứng từ phía khách hàng, dĩ nhiên ai cũng muốn được thoải mái đi chơi và không phải trả một cái giá bị đội lên quá nhiều so với ngày thường. Khách hàng sẵn sàng chấp nhận trả thêm phí phụ thu nếu như trước lúc gọi đồ, hoặc ngay khi tới cửa hàng, họ được biết một cách rõ ràng về chính sách phụ thu hoặc tăng giá để có thể cân nhắc, tránh trường hợp cảm thấy như... bị lừa, bức xúc vì bị tăng giá.
Còn đứng ở phía chủ quán, họ cũng phải giải quyết bài toán cân bằng giữa doanh thu và chi phí về nhân công, nguyên liệu trong những ngày Tết. Ngoại trừ trường hợp tăng giá vô tội vạ khiến khách hàng bức xúc, cũng có không ít những hàng quán rất rõ ràng về giá cả, phí phụ thu và thông báo tới khách hàng từ trước. Hi vọng rằng các chủ quán và khách hàng sẽ tìm được tiếng nói chung trong bài toán về giá cả này, để tránh việc cứ qua một cái Tết, dân tình lại "kêu trời" vì giá cả đội nón đi lên trong sự ngỡ ngàng.