Tân sinh viên cảnh giác trước "ma trận" chiêu trò lừa đảo

Thảo Vân - Design: Thành Đạt, Theo Trí thức trẻ 10:25 06/10/2022

Các chiêu lừa đảo hướng tới đối tượng là tân sinh viên xuất hiện ngày càng nhiều khiến nhiều bạn trẻ luôn phải giữ thái độ cảnh giác.

Bạn vừa nhận được thông tin đỗ đại học? Bạn rất mừng rỡ vì ước mơ bao lâu đã thành hiện thực? Tuy nhiên, đi kèm với đó là những lo lắng, tò mò nhiều hơn khi học tập ở môi trường mới.

Hầu hết các bạn tân sinh viên thường xuất thân từ nhiều miền quê khác nhau lên thành phố học tập, mới xa bố mẹ để sống tự lập nên bản chất thật thà, dễ tin người. Chính bởi vậy, họ cũng dễ dàng trở thành mục tiêu nhắm đến của những đối tượng lừa đảo đầy chiêu trò. Lời khuyên cho các bạn tân sinh viên là hãy luôn tỉnh táo, cảnh giác, đừng để bản thân rơi vào tròng của kẻ xấu mà không hề hay biết.

01 - Công ty đa cấp: Làm giàu chưa bao giờ là dễ!

Hiện nay, hình thức bán hàng đa cấp ngày càng hoành hành trong giới sinh viên. Những lời quảng cáo, mời mọc hết sức hấp dẫn ở khắp nơi, từ mạng, tờ rơi hay thậm chí chính những bạn bè người quen bạn biết. Nhiều bạn vô tình bị lôi kéo vào vòng xoáy bán hàng đa cấp cho các công ty "ma".

Ban đầu họ sẽ mồi chài các bạn rất ngọt, chuyên nghiệp, có thể làm giàu được một cách nhanh chóng chỉ cần bạn tham gia vào mạng lưới bán hàng của họ. Các bạn năm nhất nên cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, tìm hiểu tỉ mỉ với những lời mời mọc công việc đơn giản, lương cao, không yêu cầu trình độ, mở rộng mối quan hệ,… Đừng để một phút nhẹ dạ mà trở thành nhân viên của các công ty đa cấp để rồi rơi vào vòng luẩn quẩn vừa mất tiền vừa tiếp tay cho kẻ xấu.

Tân sinh viên cảnh giác trước ma trận chiêu trò lừa đảo - Ảnh 1.

02 - Tăm tình thương: Đừng để lòng tốt bị lợi dụng

Nhiều bạn đang đi đường tự nhiên thấy có kẻ lại gần gạ mua tăm tình thương chỉ với giá vài nghìn. Nhưng dụ mua rồi thì các đối tượng lại viện cớ vì mục đích từ thiện mà đẩy giá bán lên cao, khi khách không mua thì bị đe dọa, ép phải mua, đồng thời có đồng bọn lập tức bủa vây bắt mình phải trả.

Vậy nên, để không bị các đối tượng bán tăm làm từ thiện lợi dụng lòng tin để lừa đảo các bạn sinh viên cần đề cao cảnh giác, không đóng góp từ thiện cho các nhóm, tổ chức không rõ lai lịch và cần báo cho các cơ quan chức năng khi phát hiện có các dấu hiệu lừa đảo.

Tân sinh viên cảnh giác trước ma trận chiêu trò lừa đảo - Ảnh 2.

03 - Việc nhẹ lương cao: Không có miếng ngon nào từ trên trời xuống!

Môi giới việc làm uy tín 100%, chi phí siêu rẻ, việc nhẹ lương cao... những quảng cáo hấp dẫn dễ khiến sinh viên mờ mắt, đưa liều tiền đặt cọc để được đi làm sớm. Tốt nhất khi tìm việc, sinh viên hãy tìm các trung tâm uy tín, lên website chính thức và đặc biệt tránh xa những nơi yêu cầu bắt đặt cọc trước tiền để được đi làm.

Tân sinh viên cảnh giác trước ma trận chiêu trò lừa đảo - Ảnh 3.

04 - Nhà trọ treo đầu dê bán thịt chó: Cẩn thận không bao giờ thừa

Cuộc chiến tìm nhà trọ chưa bao giờ là dễ dàng với các bạn tân sinh viên mới "chân ướt chân ráo" lên thành phố. Đau đầu tìm nhà trọ chi phí hợp lý, nhiều bạn còn phải ôm mặt khóc với những chiêu trò tai quái của chủ trọ, đặt đủ điều khoản trên trời để lấy thêm tiền từ sinh viên "nhẹ dạ cả tin".

Tân sinh viên cảnh giác trước ma trận chiêu trò lừa đảo - Ảnh 4.

05 - Những giải thưởng bất ngờ: Đừng để tiền mất tật mang

Nếu bạn vô tình nhận được thông báo từ các nhân viên tiếp thị rằng bạn đã trúng thưởng số tiền trị giá hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng. Đừng vội mừng ngay bởi cuộc sống đâu có dễ dàng như vậy, mà bạn sẽ mất một khoản tiền để nhận quà của mình. Tuyệt đối không tin các tình huống đưa tiền như vậy, chúng chỉ chực đợi bạn đưa tiền mà chuồn đi thôi!

Tân sinh viên cảnh giác trước ma trận chiêu trò lừa đảo - Ảnh 5.

06. Các khóa học miễn phí: Luôn giữ một cái đầu lạnh

Các bạn sinh viên khi mới nhập học ai cũng mang trong mình ước mơ và nhiều hoài bão. Chính vì thế mà sinh viên đều bị các khóa học, lớp học "miễn phí" để nâng cao trình độ, cải thiện kỹ năng thu hút. Tâm lí chung đó là muốn học để nâng cao hiểu biết của bạn thân, để hoàn thiện kĩ năng... nhưng lại ngại vì tiền học phí. Do đó, những khóa học giảm giá, những lời mời chào free luôn hấp dẫn sinh viên.

Thủ tục đăng ký đơn giản, lại miễn phí hoàn toàn nên nhiều bạn trẻ đã hào hứng mà không biết đang dính bẫy lừa. Tuy thông báo là miễn học phí hoặc giảm giá kịch liệt, nhưng khi đăng ký ghi danh, bạn vẫn phải chi một khoản "kha khá" cho những thứ khác như thuê phòng, tiền điện, tiền bồi dưỡng giáo viên, tiền in tài liệu...

Tân sinh viên cảnh giác trước ma trận chiêu trò lừa đảo - Ảnh 6.

Tổng hợp