Những năm gần đây, Nhật Bản trở thành một điểm đến "sốt" cho những người muốn tìm kiếm cơ hội việc làm với mức thu nhập hậu hĩnh. Quả thực, đã có nhiều bạn trẻ đã lựa chọn con đường đi xuất khẩu lao động sang xứ sở anh đào và gặt hái được thành công nhất định. "Bèo" lắm thì dành dụm được chút tiền về xây nhà xây cửa, có trong tay một số vốn làm ăn còn nhanh nhẹn tháo vát thì học được tiếng Nhật bài bản, về nước nghiễm nhiên tìm được công việc với mức lương đáng ngưỡng mộ.
Vậy là, các công ty môi giới việc làm có cớ để quảng cáo, hứa hẹn về một tương lai "không thể sáng hơn" cho các bạn trẻ muốn tìm kiếm cơ hội đổi đời ở nước Nhật. Nào là giấc mộng thần tiên, cuộc sống vương giả, nào là việc làm ổn định, thu nhập cao chót vót, vân vân và mây mây.
Đất nước Nhật Bản đẹp tươi có phải là "màu hồng" như người ta vẫn nghĩ?
Nghe đến thế thôi thì ai chẳng muốn giũ bỏ tất cả những nghèo khó, cực nhọc ở quê mà mà dấn thân lên đường.
Tuy nhiên, có đi rồi mới biết, cuộc sống nơi xứ người chẳng hề dễ dàng với bất kỳ ai, đặc biệt là khi người ta gánh gồng cả một đống nợ trên vai đi cùng. Ai cũng tự nhủ, chăm chỉ cố gắng sẽ có ngày thành công, nhưng khi mà vật chất thì thiếu thốn, giấc ngủ thì chập chờn, tâm can rối bời trong bao nhiêu nỗi lắng lo. Ai có thể đảm bảo rằng mình không bao giờ gục ngã?
Tôi liên hệ với bạn N.T.H (28 tuổi), quê ở Phúc Thọ (Hà Nội) vào một buổi sáng Chủ nhật vì nghĩ rằng đó là ngày nghỉ, bạn sẽ có thời gian rảnh để trò chuyện, tâm sự với mình. Nhưng khi vừa bắt máy, H. đã nhanh nhảu nói với tôi: "Chị đợi em lát, em đang trên đường đến chỗ làm. Đến nơi em sẽ gọi cho chị!". Tôi hỏi lại: "Hôm nay ngày nghỉ em vẫn đi làm sao?", H. trả lời: "Vâng, em làm gì có ngày nghỉ, tranh thủ được lúc nào hay lúc đấy".
Vậy là tôi đã biết, cuộc trò chuyện hôm nay của mình hẳn sẽ có nhiều cảm xúc...
3 tiếng sau, cô gái ấy liên lạc lại với tôi và bảo: "Em đang nghỉ giải lao nên gọi cho chị, chị thông cảm nhé". Xen lẫn tiếng nói của H. tôi nghe thấy những âm thanh loảng xoảng. Hóa ra, đó là tiếng người ta đang dọn dẹp ở quán ăn.
Khi tôi hỏi lý do vì sao lựa chọn đi Nhật Bản, H. nói luôn: "Thì vì em muốn kiếm tiền đổi đời thôi chị, ở nhà khó khăn quá chẳng biết làm gì".
Qua trò chuyện tôi được biết, H. xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo. Bố đi làm bảo vệ lương 3 cọc 3 đồng, mẹ bị bệnh nên chỉ ở nhà cơm nước, rau cỏ, vườn tược. Dưới H. còn 4 đứa em nữa, bé nhỏ nhất mới học lớp 7. Sau khi học hết cấp 3, H. không thi đậu đại học hay cao đẳng nên quyết định nộp đơn xin vào học làm cô giáo mầm non ở một trường trung cấp. Học xong rồi nhưng vẫn chẳng có việc làm vì nhà nghèo không có tiền "chạy xuất" như những người khác, H. đã nghĩ đến chuyện đi xuất khẩu lao động để đỡ đần bố mẹ nuôi các em.
Thời điểm đó, ở làng quê nghèo của H. "rộ" lên phong trào sang Nhật vừa học vừa làm. Thấy mấy anh chị cùng làng đã đi gửi tiền về cho bố mẹ xây nhà cửa khang trang, H. nghĩ mình cũng chẳng còn con đường nào khác nên bàn với bố mẹ cho đi học tiếng để đi Nhật theo diện du học sinh. Ngặt nỗi, khi ấy, trong nhà chỉ có đúng 12 triệu mà bố mẹ vừa bán lứa lợn và mấy tạ thóc.
Số tiền mà bên công ty môi giới sang Nhật yêu cầu là 200 triệu, họ hứa hẹn sẽ lo toàn bộ từ A-Z, bao gồm phí học tiếng, vé máy bay, học phí mấy tháng đầu ở trường bên đó... Con số quá lớn với một gia đình nông dân như nhà H.
Hình ảnh gia đình tiễn H. (ở giữa, mặc áo vest) sang Nhật Bản học tập và làm việc. Ảnh: NVCC
Cô gái kể: "Bố em cầm sổ đỏ ra quỹ tín dụng nhân dân xã để vay. Một số người ở đó 'bĩu môi' bảo 'có trả nổi không mà vay nhiều thế'. Vì nhà em vẫn còn nợ cũ chưa trả hết. Nhưng bác giám đốc ở đó đã nói một câu thế này: 'Người ta không có mới phải đi vay, giờ mình không cho khác nào triệt đường sống của họ'. Tuy nhiên, đất nhà em nhỏ lại ở sâu trong ngõ nên cuốn sổ đỏ chỉ giúp vay được 120 triệu. Bố mẹ em lại 'cắn răng' đi vay lãi cao cho đủ số tiền yêu cầu".
"Khi đang học tiếng để chuẩn bị đi, em đã có lúc nản lòng vì học khó quá, không sao vào đầu được. Em nói chuyện với bố thì bố bảo 'Tiền vay đóng rồi, con cố gắng lên, sang đấy không trụ được thì về với bố mẹ, coi như bố mất 200 triệu cho con đi... DU LỊCH'".
Không nhìn thấy mặt vì nói qua điện thoại, nhưng tôi biết H. đã khóc vì nghĩ đến chuyện ấy.
Khi mới sang Nhật với nhiều bỡ ngỡ, H. và một số bạn cùng đi phải cố gắng tự thích nghi nhanh nhất có thể. Chỉ vài ngày sau khi sang bên đó, H. đã được cô giáo người Trung Quốc giới thiệu cho việc làm thêm ban đêm. H. kể ngày đầu đi làm: "Ngày đầu đi làm, em bị lạc đường vì không biết cách bắt tàu điện ngầm thế nào. Cô giáo là người nước ngoài mà em thì chưa thạo tiếng. Sau một hồi loanh quanh lần mò, em phải vào Google dịch trên điện thoại để dịch tin nhắn nhờ cô giáo giúp đỡ".
Trong 2 năm đầu tiên ở Nhật, H. có thời điểm H. làm tới 3 việc cùng lúc, có những ngày chỉ nghỉ đúng 4 tiếng rồi lại lao vào làm việc kiếm tiền lo đóng học phí và trả nợ vay mượn lúc đi. Có những lúc mệt mỏi muốn buông xuôi tất cả nhưng nghĩ đến số nợ ở nhà H. lại cố gồng mình lên để "chiến đấu".
Khi tôi hỏi về chuyện lương thưởng và thu nhập từ lúc sang Nhật đến nay, H. trả lời: "Cho đến tận thời điểm này, khi đã làm việc ở Nhật 7 năm rồi, em muốn nhắn nhủ với các bạn rằng đừng tin những lời hứa hẹn trước lúc đi, nước Nhật không phải màu hồng đâu".
H. cho biết: "Quả thực là có những bạn làm việc cật lực kiếm 40-50 triệu/tháng nhưng nào ai biết họ đã đánh đổi rất nhiều, đặc biệt là sức khỏe. Bởi trong lúc người ta nghỉ ngơi, thì họ lao vào làm việc, mà toàn công việc chân tay vất vả. Rồi còn phải nộp thuế nữa (làm tự do ở Nhật Bản cũng phải nộp thuế đầy đủ), chi phí bên này thứ gì cũng đắt đỏ gấp nhiều lần ở Việt Nam, ăn tiêu tiết kiệm rè sẻn lắm mới cóp được khoảng 20 triệu gửi về cho gia đình. Như trường hợp của em, lúc đi em phải vay gần 200 triệu nên 2 năm đầu tiên, em làm việc chỉ để... trả nợ".
Khi đã trả xong nợ của mình, H. lại tiếp tục "cày cuốc" để lo cho 2 đứa em ruột (1 nam 1 nữ) sang Nhật cùng chị, vì ở nhà chúng cũng chẳng có việc làm.
"Giờ ở nhà, mọi người cứ nói rằng em đi Nhật 7 năm rồi chắc trong tài khoản tiết kiệm phải có mấy tỷ. Nhưng nào có ai biết thực sự em chẳng dư được mấy đồng khi mà vừa phải tự trả nợ cho mình, vừa lo cho 2 đứa em sang hết 400 triệu. 2 năm vừa qua, dịch bệnh khiến cuộc sống của ai cũng khó khăn. Em duy trì được cuộc sống ở bên này để không phải mắc nợ là tốt lắm rồi", H. nói trong nghẹn ngào.
28 tuổi, khi ở quê nhà, nhiều bạn bè đồng trang lứa đã có con bồng con bế, cuộc sống gia đình ổn định thì ở nơi xa, H. vẫn đang phấn đấu, nỗ lực từng ngày để dành dụm được chút tiền rồi mới tính chuyện về nước.
Hình ảnh nơi làm việc của H. hiện tại.
Quả thực, có đi thì mới biết, nhiều người ở quê nhà nhìn vào những người đi xuất khẩu lao động gửi tiền về xây nhà cao cửa rộng thì tưởng rằng tiền ở nước ngoài dễ kiếm lắm. Mà có ai biết, cái giá của đồng ngoại tệ là nước mắt, mồ hôi và cả máu!
Không giống như H. khi chọn con đường du học sinh, bạn N.T.V (sinh năm 1997, quê ở Nam Định) chọn con đường đi xuất khẩu lao động (tức không phải diện vừa học vừa làm). V. sang Nhật sau khi đi lính, hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở quê. Vì chẳng có việc làm, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên V. quyết định đi Nhật Bản lao động. Cụ thể, em được công ty giới thiệu sang làm công nhân xây dựng ở thành phố Tokyo.
Trước khi đi, V. cũng "mơ" về cuộc sống đủ đầy hơn khi sang Nhật để bố mẹ bớt khổ. Nhưng cậu thanh niên này đã khẳng định: "Nói thật, từ lúc sang Nhật đến giờ được gần 3 năm, thứ duy nhất em có được là sự trưởng thành. Vì ở nhà em chẳng biết quý trọng đồng tiền, sang đây rồi, 'thấm' cái khổ rồi em mới vỡ ra được nhiều điều".
Mang cái mác là công nhân xây dựng nhưng vì chẳng có chút tay nghề, kỹ thuật nào cả nên những thanh niên như V. thường bị giao làm những việc nặng nhọc nhất như khuân vác, kéo vật liệu xây dựng hay làm giàn giáo.
Ảnh: Internet.
V. kể: "Ở Việt Nam, trời lạnh xíu là em ở nhà, chẳng muốn chui ra khỏi cái chăn. Nhưng chị biết không, sang đây thời tiết lạnh xuống đến âm độ, có những ngày tuyết rơi dày đặc, em vẫn phải cầm vào những thanh sắt giá buốt thấu đến tận tim gan. Lúc đi lính, em đã được nếm trải nhiều vất vả lúc tập luyện nhưng thực sự chẳng thấm vào đâu so với cái khổ bên này. Có thể là do thời tiết và khí hậu mình chưa quen, khi mới sang, có hôm em bị kiệt sức đến lả đi vì nắng".
Bức tâm thư nghẹn đắng của một cô gái Việt đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản.
Vũ khẳng định chuyện công nhân nước ngoài kiệt sức ngay tại nơi làm việc, công trường là có thật vì thời tiết khắc nghiệt và do thể lực.
Ngoài ra, V. cũng kể chuyện mình mắt thấy, tai nghe tại nơi làm việc về trường hợp một bạn lao động nước ngoài như V. bị "ông chủ", người quản lý công trường đánh vì không hiểu tiếng (không làm đúng theo chỉ bảo) hoặc không biết làm vì chưa có kinh nghiệm.
Khi đăng ký sang Nhật lao động, V. được công ty môi giới hứa hẹn mức lương 40-50 triệu đồng. "Nhưng sang rồi em mới vỡ mộng!", V. nói. Có những lúc muốn bỏ trốn nhưng vì nghĩ đến số nợ vay lúc đi lại cố gắng.
Nhiều công nhân như V. phải làm việc trên giàn giáo cao, nguy hiểm.
Họ ký hợp đồng với em là mức lương 40 triệu đồng thật, nhưng rồi họ trừ đủ thứ, nào là tiền nhà, tiền bảo hiểm... không bao gồm ăn uống. Còn lại chỉ còn khoảng 20 triệu đồng, tiết kiệm lắm mới gửi về nhà được ít. Chi phí sinh hoạt ở Nhật đắt đỏ, em chẳng dám mua gì. Thậm chí, hồi đầu còn phải bảo mẹ em gửi người quen mang quần áo sang cho để đỡ phải mua ở bên này. Từ hồi sang đây, em không dám mua quần áo hay đi chơi đây đó vì thứ nhất là công việc không có thời gian nghỉ ngơi, thứ hai đi đâu cũng sợ tốn tiền".
2 năm gần đây, khi dịch bệnh hoành hành, công việc của V. cũng trở nên bấp bênh, có thời điểm đi làm được 1 ngày lại nghỉ cả tuần. Nên cho đến bây giờ, V. vẫn chưa trả được hết nợ vay lúc đi.
Thế mới biết, cuộc sống bươn trải nơi xứ người chẳng hề dễ dàng gì đối với bất kỳ ai. Có sức khỏe, sức trẻ, ai cũng muốn ra ngoài vùng vẫy để thay đổi cuộc sống. Nhưng đi rồi mới thấm, thực tế phũ phàng lắm!
Cảm ơn H. và V. về câu chuyện của các bạn! Mong các bạn thuận buồm xuôi gió, công việc thuận lợi, sớm đến ngày trở về quê hương!