Tạm quên những cuộc vui ồn ào ngoài kia, người trẻ thấy lòng bình yên bên mâm cỗ trông trăng cùng gia đình

AD, Theo Trí Thức Trẻ 19:30 12/09/2019
Chia sẻ

Thuở nhỏ, thế giới hiện lên trong mắt chúng ta như một sân chơi. Và ta tận hưởng điều đó một cách hồn nhiên nhất. Càng lớn lên, cuộc sống với đủ thứ lo toan dường như càng khiến người ta quên đi điều cơ bản ấy…

Bóng trăng trắng ngà

Có cây đa to

Có thằng Cuội già

Ôm một mối mơ

Tạm quên những cuộc vui ồn ào ngoài kia, người trẻ thấy lòng bình yên bên mâm cỗ trông trăng cùng gia đình - Ảnh 1.

Bài hát thơ bé như tiếng chuông reo vui, báo hiệu mùa trung thu đang về trên khắp phố phường. Những sạp bánh được dựng lên khắp nơi. Phố Hàng Mã nhộn nhịp hơn bao giờ hết với những đèn lồng xanh đỏ, những mặt nạ đủ màu. Đâu đó trên quảng trường hay ở những góc công viên, vài đội múa sư tử, múa lân đang tập luyện chuẩn bị cho mùa biểu diễn. Giữa những ngày đẹp nhất của mùa Thu, lễ hội trông trăng không chỉ đẹp trong con mắt trẻ nhỏ mà còn là dịp để người lớn ôn lại những kỉ niệm ấm áp về thời thơ ấu bên gia đình.


Càng lớn lên, tôi càng nhận ra niềm vui trung thu của mình đã không còn vẹn nguyên như thuở trước. Cuộc sống với nhịp đời hối hả như thúc ta đi nhanh quá. Để đến khi ngoảnh lại, thơ ấu đã chỉ còn là miền ký ức dịu dàng. Những người trẻ như tôi vốn được gắn liền với hình ảnh một thế hệ năng động, dịch chuyển, khao khát và sẵn sàng tiếp nhận những cái mới. Chúng tôi ném mình vào những chuyến đi xa để con mắt được mở rộng, cho tâm trí được đầy ắp trải nghiệm. Chúng tôi sẵn sàng OT cả đêm ở công ty để có thể hoàn thiện kịp dự án cho kịp tiến độ. Mỗi cuối tuần, chúng tôi tụ lại với nhau, kể những câu chuyện trên trời dưới biển, nhâm nhi vài chai bia. Để rồi lại sẵn sàng nạp lại năng lượng cho một tuần mới đầy háo hức.

Tạm quên những cuộc vui ồn ào ngoài kia, người trẻ thấy lòng bình yên bên mâm cỗ trông trăng cùng gia đình - Ảnh 2.

Cũng có thể vì thế, mà chính người trẻ lại thấu hiểu hơn ai hết những giá trị của gia đình. Đó là một bến đỗ bình an để bạn trở về sau những chuyến đi, những ngày làm việc mệt mỏi. Đó là bữa tối muộn mẹ để phần cơm sau một buổi làm thêm giờ, hay cốc nước chanh pha sẵn khi bạn trở về và say ngất ngưởng. Đôi khi, đó cũng chỉ giản dị là một góc nhỏ để bạn biết rằng, dù ngoài kia là dông gió tới đâu, thì khi về nhà, bạn vẫn được thương yêu vô điều kiện.

Tạm quên những cuộc vui ồn ào ngoài kia, người trẻ thấy lòng bình yên bên mâm cỗ trông trăng cùng gia đình - Ảnh 3.

Mà Trung thu chính là một dịp như thế, để đoàn tụ gia đình, để bên ấm trà miếng bánh ôn lại chuyện xưa, để người thân gặp gỡ. Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà trong 1 năm, người Việt có 2 dịp lớn được coi là buổi đoàn viên, đó là Tết Nguyên đán và Tết Trung thu. Bởi rằm tháng Tám là thời tiết lý tưởng để lòng người dịu lại, bên nhau an yên thưởng thức ánh trăng trong cái dịu mát của khí trời và sự yên vui của lòng người.

Tôi gọi Trung thu là Tết bình yên.



Đó là những ngày trung thu của miền thơ ấu đẹp như cổ tích. Lũ trẻ trong xóm chuẩn bị cho trung thu từ 1,2 tháng trước. Chúng tôi xin những vỏ hộp bột giặt cũ, rửa thật sạch sẽ, làm tay cầm bằng que tre, cắm thêm 1 chiếc nến xinh xinh là đã có chiếc đèn lồng để cùng nhau đi khắp phố. Chiếc đầu sư tử cũ mèm của cả khu từ năm ngoái, sẽ được mang ra độ lại, gắn thêm miếng vải nhung đỏ để đội múa sư tử nhí luyện tập hòng tranh giải khu phố. Hồi đó, không gì vui bằng niềm vui… mất điện. Chúng tôi sẽ chạy ào ra sân, bỏ lại sau hết các thể loại bài vở, để cùng râm ran bàn tán về trung thu. Năm nay đứa nào sẽ được bố mẹ đưa đi mua đồ chơi đầu tiên? Đèn lồng kiểu nào đang hot? Ai béo nhất để bị dí vào vai ông địa? Thậm chí, tụi nhóc xóm tôi còn đọ nhau xem bánh trung thu nhà đứa nào xịn hơn. Tôi cứ nhớ mãi cảnh thằng Tôm, cái thằng nhà giàu nhất xóm, mang hộp bánh Kinh Đô ra khoe trong ánh mắt thèm thuồng của cả bọn. Hồi đó, nhà nào có bánh Kinh Đô là oách ghê lắm. Cứ thế, niềm vui trung thu với lũ trẻ con xóm tôi là một niềm vui bất tận.

Tạm quên những cuộc vui ồn ào ngoài kia, người trẻ thấy lòng bình yên bên mâm cỗ trông trăng cùng gia đình - Ảnh 4.

Hội chứng “trung thu” còn len lỏi vào cả các gia đình. Chắc bạn cũng nhớ, hồi đó bố mẹ, ông bà đặc biệt dễ tính với đám con nít. Không kiểm tra bài vở, không giao thêm việc nhà, nới lỏng giờ giới nghiêm về đi ngủ, dường như ai cũng dễ tính hơn. Vì họ biết, trung thu là một dịp thiêng liêng, nơi mà không chỉ con trẻ, mà cả người lớn đều có quyền được nghỉ ngơi và tận hưởng.

Và cũng có thể vì người lớn còn bận… phá cỗ cùng nhau. Hồi đó, Hà Nội chưa nhiều nhà cao tầng như bây giờ. Có thể vì thế mà bầu trời cao rộng hơn, và cả ánh trăng rằm cũng trở nên đẹp đẽ hơn nhiều. Giữ thói quen của một khu tập thể, các gia đình ở xóm tôi còn có lệ vài nhà thân thiết gộp lại ăn trung thu cùng nhau. Trẻ con chơi kiểu trẻ con, người lớn có niềm vui của người lớn. Niềm vui của ông nội tôi là mang túi trà cất kĩ, dành riêng cho những lần tiếp khách quan trọng để chiêu đãi ông hàng xóm. Niềm vui của bố tôi là mang bàn cờ ra, vừa làm vài ván với ông bạn nối khố, vừa nhâm nhi miếng bánh trung thu vừa cười ra mặt khi dồn bạn mình vào thế chiếu bí. Còn các bà mẹ, niềm vui của họ giản dị hơn. Luôn tay bày biện mọi thứ, họ vẫn không quên dõi theo lũ trẻ của mình với nụ cười vô ưu không giấu giếm.

Tạm quên những cuộc vui ồn ào ngoài kia, người trẻ thấy lòng bình yên bên mâm cỗ trông trăng cùng gia đình - Ảnh 5.

Nếu cuộc sống cứ ngày qua ngày, nối nhau như một bản nhạc bất tận, thì trung thu tựa như quãng nghỉ hiếm hoi trong bản nhạc ấy. Quãng nghỉ ấy mang tới niềm vui. Đường phố như khoác lên một tấm áo mới. Tiếng trống lân sư vang khắp phố phường. Bài hát Rước đèn ông sao bận rộn vang trong từng ngôi nhà. Tụi trẻ cười nói không dứt, hí hửng khoe nhau những món đồ chơi mới. Và mỗi ngôi nhà lại lần nữa được thắp lên một ngọn lửa ấm, ngọn lửa của thương yêu và gắn bó.

Tôi lớn dần, niềm vui trung thu cũng khác. Tôi thích đi cùng hội bạn đi chơi Hàng Mã chứ không còn muốn đi cùng bố mẹ như ngày xưa nữa. Hộp bánh Kinh Đô rất sang xịn trong ký ức ngày xưa, giờ đã có thêm đủ vị mới, nào là bào ngư, hạt sen trà xanh, nào là hạt sen hạt chia, cốm dừa hạt dẻ… Trung thu của người trẻ ồn ào hơn, nhưng không vì thế mà mất đi những giá trị xưa cũ. Tôi vẫn thích tản bộ ra sân chung cư mới, ngắm nhìn lũ nhỏ nô đùa, huyên náo. Trong khói nhang trầm, tôi nhìn bức ảnh ông nội mình, nhớ như in nụ cười hiền từ của ông những lần phá cỗ năm nào. Tôi vẫn hay đèo mẹ mình về nhà ngoại. Ở đó, lũ em tôi sẽ tận hưởng trung thu theo cái cách của những đứa trẻ không bao giờ biết rằng mai mình phải lớn. Nhà ngoại tôi đông anh em, mỗi người làm ăn sinh sống một nơi. Trung thu cũng là cơ hội hiếm hoi để mọi người cùng gặp gỡ. Để nhận ra dù năm tháng có đổi thay, những người thân của mình dù đang già đi hay khôn lớn lên, thì tình yêu thương vẫn là mẫu số vĩnh cửu không bao giờ thay đổi.

Tạm quên những cuộc vui ồn ào ngoài kia, người trẻ thấy lòng bình yên bên mâm cỗ trông trăng cùng gia đình - Ảnh 6.

Và tôi nhận ra, trung thu không chỉ là cơ hội để gia đình đoàn tụ, mà còn là dịp để người ta gửi trao những tâm tình. Thành phố càng chật chội và hiện đại, lại càng là môi trường để tình người được thử lửa và gắn chặt hơn những mối quan hệ thân thiết. Cô bạn đồng nghiệp cùng công ty, mỗi năm sẽ chỉ làm đúng 20 chiếc bánh trung thu và không bán. Bởi cô muốn dành tặng cho những người mình yêu quý nhất. Mỗi năm, cô bảo danh sách có thay đổi, thêm người này bớt người kia. Nhưng niềm vui về sự sẻ chia là có thật. 

Hay cô em tôi chơi cùng, năm nào cũng xung phong nhận nhiệm vụ tổ chức trung thu cho các bé ở công ty. Bởi cô từng tâm sự, trong niềm vui của lũ trẻ, cô nhìn thấy mình của ấu thơ, được 1 vé trở lại quãng đời không vết cắt. Những điều thầm kín ấy, càng lớn lên, người ta lại càng trân trọng.

Tạm quên những cuộc vui ồn ào ngoài kia, người trẻ thấy lòng bình yên bên mâm cỗ trông trăng cùng gia đình - Ảnh 7.

Nên tôi hiểu rằng bên cạnh niềm vui đoàn tụ, trung thu còn là dịp để trao đi. Mà những hộp bánh trung thu đẹp đẽ chính là lời tâm tình gửi trao đầy ý nghĩa. Như câu nói tôi vẫn ấn tượng lúc nhỏ: “Tết trung thu, tết của tình thân”

Còn bạn? Trung thu năm nay bạn sẽ làm gì? Lên máy bay tới một thành phố khác để cảm nhận phong vị của ngày hội trăng rằm? Trở về nhà thật sớm, cùng mẹ bày biện mâm cỗ để hẹn tụi nhóc cùng khu sang đập phá? Mua 1 hộp bánh thật ngon mang về biếu ông bà, để lại được nghe “người già” kể những câu chuyện mà nếu không được nhắc, chỉ sợ sẽ ngày càng phai phôi trong tâm trí bạn? Cùng hội bạn phá cỗ trông trăng, sau khi đã ăn một bữa ngon cùng gia đình? Dù bạn chọn cách nào, cũng hi vọng bạn tìm thấy niềm vui cùng những người thân yêu của mình.

Còn tôi, tôi cứ nghĩ mãi về ẩn ý tuyệt vời được gửi gắm trong sự sắp xếp của các mùa lễ hội nơi đất nước mình. Sau mùa Vu Lan là đến mùa trung thu, sau dịp báo hiếu là lễ đoàn viên. Dù có lớn khôn đến chừng nào, người Việt mình vẫn nhắc nhau nhớ về một giá trị bất biến, đó là hai chữ GIA ĐÌNH được viết hoa trong tim mỗi người.

Tạm quên những cuộc vui ồn ào ngoài kia, người trẻ thấy lòng bình yên bên mâm cỗ trông trăng cùng gia đình - Ảnh 8.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày