Tầm này chỉ muốn giảm giờ làm và giữ nguyên lương, đắp chăn nằm ngủ: Ai mà rảnh yêu đương!

M.L, Theo Thanhnienviet.vn 15:47 15/08/2024
Chia sẻ

"Mình muốn buông xuôi tất cả, mình muốn tắt hết thông báo, chỉ cần một ngày trong đầu mình không nghe tiếng tin nhắn thì mình rất là vui rồi", một bạn trẻ nói.

Những ngày qua, thông tin mới đang thu hút sự chú ý của các nhân sự trẻ là đề xuất giảm giờ làm xuống 40 giờ/tuần từ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Giảm giờ làm để làm gì? Câu trả lời là: Cải thiện chất lượng cuộc sống, có nhiều thời gian để dành cho việc hẹn hò, tìm kiếm người yêu. 

Mới đây, một phóng sự của  VTV đã đưa đề xuất này lên bàn tròn thảo luận, với đa phần người tham gia thuộc thế hệ Millennials và thế hệ Z. Song, ý kiến thu về gây bất ngờ.

Giảm giờ làm để có người yêu và giảm giờ làm vẫn giữ nguyên lương: Xin chọn vế thứ 2!

Tham gia thảo luận vấn đề này, Anh Dũng (Quản lý trong lĩnh vực truyền thông) trải lòng về những cái khó của nghề:

"Sáng thứ 7 đi quay thì sáng thứ 2 phải có clip luôn, để khách hàng còn kiểm tra, phản hồi. Mình đang đi xem phim với người yêu, có phản hồi từ khách hàng phải chạy về để sửa clip, chạy về để trao đổi, nghe chửi… Ngày xưa, mình yêu một bạn mình có thống nhất với bạn ấy là không được đi chơi Thứ 7 luôn."

Tầm này chỉ muốn giảm giờ làm và giữ nguyên lương, đắp chăn nằm ngủ: Ai mà rảnh yêu đương!- Ảnh 1.

Anh Dũng.

Ai cũng mệt mỏi vì áp lực công việc nhưng không thể nói nghỉ là nghỉ vì: "Mình cần những cái công việc đấy. Nếu mình cứ phản ứng dữ dội, mạnh mẽ thì lấy đâu ra việc để làm, lấy đâu ra tiền để tiêu và lấy tiền để trang trải cuộc sống? Cho nên mình phải dìm cái tính mình xuống rất là nhiều." - Anh Dũng bày tỏ.

Đồng quan điểm, một bạn nữ hiện là nhân viên văn phòng tại Hà Nội cũng có trải nghiệm tương tự: "Có nhiều lúc đi chơi với bạn trai, mình không thể bỏ điện thoại xuống, ngồi nói chuyện với bạn ý nhưng cứ bấm bấm (để xem tin nhắn, thông báo công việc). Mọi người hay đặt câu hỏi "Khiếp, bận gì mà bận thế?" nhưng mọi người không ở trong hoàn cảnh sẽ không hiểu được là tại sao mình cứ liên tục phải xem tin nhắn hay nghe điện thoại. Và tin nhắn đến lúc nửa đêm cũng là chuyện rất bình thường."

Cùng trong một khảo sát liên quan đến vấn đề "Nếu doanh nghiệp đồng ý giảm giờ làm xuống còn 40 giờ/tuần, thì bạn ưu tiên dành thời gian rảnh rỗi để làm gì?", dành thời gian cho người yêu, hay tìm hiểu đối phương lại là thứ kém được quan tâm nhất, sau việc dành thời gian cho gia đình, cho giấc ngủ hay thậm chí là… thà nhận công việc khác chứ nhất định không yêu đương.

Một nữ nhân viên văn phòng khác kể về một ngày chỉ dành trọn cho công việc của mình: Bạn làm việc tại văn phòng từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, 8 giờ tối lại bắt đầu gọi điện để làm việc, đến buổi tối sếp có thời gian để kiểm tra lại các đầu việc đã hoàn thành thì bị sếp mắng rất nhiều, phải sửa lại, thậm chí là qua 12 giờ đêm.

"Có những lúc mình cảm thấy ăn một bữa cơm cũng không yên vì liên tục phải kiểm tra mail, trả lời tin nhắn của khách. Áp lực này bố mẹ, người thân bạn bè cũng không thể hiểu. Khách hàng gửi email tùy hứng, mình vẫn phải đáp ứng, trả lời họ" - Tiếng lòng của người trẻ khi lúc nào cũng phải trong tâm thế nhận việc, nhà ở cũng trở thành văn phòng, 12 giờ đêm cũng là giờ hành chính.

Với sự mệt mỏi, kiệt sức ấy, có thời gian rảnh, họ chỉ muốn nghĩ đến những giờ phút nghỉ ngơi trọn vẹn: "Mình muốn buông xuôi tất cả, mình muốn tắt hết thông báo, chỉ cần một ngày trong đầu mình không nghe tiếng tin nhắn thì mình rất là vui rồi." Cứ như vậy, "Ngủ" để nạp lại năng lượng trở thành lựa chọn chiếm ưu thế hơn hẹn hò, bởi nghe thông báo công việc đã mệt, họ làm gì còn hơi sức để nhắn tin qua lại, đầu tư thời gian tìm hiểu một ai đó.

Một bộ phận người trẻ khác cũng cho biết, mức lương không đủ đáp ứng mức sống dư dả, nên nếu có nhiều thời gian hơn, họ sẽ muốn tìm kiếm thêm công việc nhằm tăng thu nhập.

Ngọc Giang (sinh sống và làm việc tại Hưng Yên, thuộc lĩnh vực sản xuất) cho biết ở hiện tại và tương lai, bạn vẫn cố gắng đặt mục tiêu tăng thu nhập mỗi khi có thời gian: "Trong giờ làm thì mình sẽ cố đẩy sản xuất của mình nhanh hơn, thời gian còn lại mình sẽ làm việc khác, nếu tăng ca sẽ tăng thu nhập."

Tầm này chỉ muốn giảm giờ làm và giữ nguyên lương, đắp chăn nằm ngủ: Ai mà rảnh yêu đương!- Ảnh 2.

Ngọc Giang.

Kim Oanh (Hà Nội) nêu quan điểm tương tự: "Tiền bạc thì vẫn hơn hẹn hò. Giảm thời gian làm mà lương thì vẫn như cũ, không giảm mức lương thì như thế khá là ổn định."

Việc giảm giờ làm hành chính để nhân sự có thời gian cho bản thân nhiều hơn không phải là mấu chốt nếu văn hóa làm việc vẫn yêu cầu hồi đáp, hoàn thành công việc 24/7 như hiện tại. Song, nếu có, thì một bộ phận thà tìm kiếm cơ hội tăng thu nhập. Chuyện hẹn hò vốn chỉ là thứ yếu khi đạt cạnh ưu tiên hàng đầu của họ: Sự nghiệp.

Tầm này chỉ muốn giảm giờ làm và giữ nguyên lương, đắp chăn nằm ngủ: Ai mà rảnh yêu đương!- Ảnh 3.

Kim Oanh.

"Yêu đương giờ thấy ghê, có thời gian nằm nhà đắp chăn ngủ cho an toàn"

Cùng trong chương trình, cạnh góc nhìn của chính những nhân sự trẻ, PGS.TS Trần Thành Nam công tác trong lĩnh vực tâm lý học cũng chia sẻ góc nhìn về việc vì sao giảm giờ làm để hẹn hò chưa phải là giải pháp thuyết phục nhất.

Công việc quá tải khiến người ta chỉ muốn ngủ, công việc áp lực khiến người ta chỉ muốn bình yên trong tâm hồn thay vì tìm kiếm người yêu đã là một yếu tố khiến người trẻ "nhác" yêu đương, nhưng chính việc nghe ngóng, quan sát những câu chuyện hẹn hò "bất ổn" trên MXH và những người xung quanh cũng đang dần khiến họ mất hứng thú và trở nên e ngại.

Tầm này chỉ muốn giảm giờ làm và giữ nguyên lương, đắp chăn nằm ngủ: Ai mà rảnh yêu đương!- Ảnh 4.

PGS.TS Trần Thành Nam.

"Dường như bây giờ các bạn đang cảm giác mình thiếu kỹ năng để yêu, nghi ngờ về tình yêu vì có rất nhiều yếu tố xảy ra xung quanh làm cho họ cảm giác rất khó tin tưởng vào một mối quan hệ bền lâu. Để hình thành được tình cảm kết nối với nhau là cả một quá trình tìm hiểu dài nhưng các bạn không đủ kiên nhẫn." - Vị PGS.TS phân tích - "Có rất nhiều người lên trên mạng rằng họ hẹn hò một cách kiệt sức, liên tục… nhưng ngày càng cảm giác không thỏa mãn, thất vọng và có cảm giác nghi ngờ về những đối tượng mà mình đang tìm hiểu, liệu rằng cái đấy có thực sự là chân thành không."

Cũng từ trên MXH, có người yêu, có chuyện tình êm ấm không phải là "thành tích" tốt để "flex" so với những câu chuyện lương nghìn đô.

"Các bạn trẻ được truyền bá tư tưởng khởi nghiệp sớm, phải có sự nghiệp sớm, có độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm…Khiến các bạn tin sự nghiệp là số một. Cả những mẫu người không cần thiết có gia đình, độc thân cũng được nhưng có địa vị xã hội, có tầm ảnh hưởng và quyền lực thì được xem là hình mẫu nên hướng tới".

Còn lạ gì trước những cụm từ peer pressure (áp lực đồng trang lứa), những câu chuyện "Mình kiếm 20-30 triệu/tháng ở tuổi 19 như thế nào?", khiến các bạn trẻ cảm nhận được họ buộc phải thành công về tài lực cho bằng bạn bằng bè. Vô hình trung, vị trí sự nghiệp trong bảng xếp hạng đầu tư thời gian, công sức lại càng được củng cố.

Sau khi những bàn luận được chia sẻ trên MXH, netizen đã đóng góp thêm những lý do khác khiến họ không muốn có người yêu như mức lương thấp khiến họ e ngại bắt đầu mối quan hệ.

- "Mình chọn ngủ với cả mình chọn dành thời gian cho gia đình, tại lương mình có 5 triệu thôi, 5 triệu mà đi hẹn hò thì ai chịu"

- "Sống bằng đồng lương khi lương lên 1 vật giá lên 1.5 cả đời chưa có miếng đất cắm dùi, chỉ có 2 lựa chọn cày thêm việc để có tiền uống thuốc hoặc ngủ để bảo toàn sức khỏe."

- "Đối với tớ hẹn hò hên xui lắm, nói chuyện phải hợp thì mới tính tới việc có hẹn tiếp hay không, chứ nói chuyện không hợp thì lại phải bắt đầu với người mới. Riêng tớ thấy không ổn lắm nên tớ không phí vào thời gian đi hẹn hò".

- "Không hẹn hò không phải vì không có thời gian mà là hẹn hò thực sự rất tốn tiền. Phải gội đầu, phải make up, phải dùng nước hoa, phải không mặc trùng đồ, mấy cái đó đều đắt."

- "Hẹn hò giờ thấy ghê, có thời gian nằm nhà đắp chăn ngủ cho an toàn."

Còn bạn, bạn cảm thấy việc cắt bớt quỹ thời gian làm việc để thúc đẩy hẹn hò có phải là một giải pháp phù hợp?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày