Đầu thế kỷ 20, một giáo sư đã nghỉ hưu từ Đại học Harvard tên là James đã tặng người bạn thân mình, nhà vật lý học tên Carlson, một chiếc lồng chim. Nhưng Carlson không hề thích nuôi chim, cho nên ông chỉ đặt chiếc lồng chim ấy trong phòng khách.
Từ đó về sau, mỗi khi có khách đến thăm, họ lại ngạc nhiên hỏi: "Tại sao trong lồng chim lại không có chim vậy? Chim đã chết sao?". Carlson phải giải thích nhiều lần rằng: "Tôi chưa từng nuôi chim, chiếc lồng là một món quà từ bạn bè...". Cuối cùng, để không phải giải thích nữa, Carlson quyết định mua chim và bắt đầu cuộc sống khó chịu cùng với những chú chim.
Đây chính là "hiệu ứng lồng chim" trong tâm lý học, nó phản ánh thói quen khi con người nhận được một vật dụng không cần thiết nào đó, thường sẽ tiếp tục thêm vào nhiều thứ liên quan khác mà bản thân họ cũng không cần đến.
Nếu chúng ta dành thời gian để suy ngẫm sâu sắc, bạn sẽ nhận ra rằng chỉ một chiếc lồng chim nhỏ bé không cần thiết đã có thể khiến chúng ta phải bỏ ra biết bao nhiêu tiền bạc và công sức. Nếu như trong nhà còn nhiều thứ đồ không cần đến mà chúng ta cứ phải dành thời gian chăm sóc, quản lý, cuối cùng tạo ra nhiều chi phí phát sinh và sự tiêu hao tinh thần, thì quả thực là một sự đánh đổi không xứng đáng.
Nghèo khó hay giàu sang chỉ cách nhau một đường ranh giới mỏng manh, đôi khi chính là do có những thói quen không lành mạnh trong cách xử lý vật chất và cuộc sống hàng ngày.
1. Tích trữ không hiệu quả, khoét rỗng túi tiền
Không biết bạn có quan niệm tiêu dùng này hay không? Có thể sẽ cần đến; không dùng cũng được, nhưng không thể không có.
Việc tích trữ lương thực và những đồ dùng khác không có gì sai, chúng ta cần phải chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ và cũng để thỏa mãn những mong muốn trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc tích trữ quá mức đã dẫn đến thói quen "mua sắm không ngừng" xấu.
Mua sắm mù quáng mà không xem xét đến tính hữu ích, số lượng mua cũng không có tiêu chuẩn. Máy chạy bộ giá hàng chục triệu, chỉ dùng một hai lần rồi bị bỏ xó; vợt chơi bóng rổ chỉ dùng thỉnh thoảng; bộ quần áo nhảy múa chỉ mặc cho một sự kiện nào đó... Tất cả đều tiêu tốn tiền bạc. Không thể mua sắm theo nhu cầu, tiền bạc sẽ cứ thế trôi đi như nước.
2. Không nỡ vứt bỏ, làm giảm chất lượng cuộc sống
Lối sống tốt nhất là "sử dụng mọi thứ đến cùng". Nếu một món đồ không được sử dụng trong vài tháng liên tiếp, thì điều đó chứng minh nó là lãng phí. Chủ nhân của nó không nhận ra điều này và vẫn nghĩ "sau này sẽ cần đến". Một miếng ván, một cái bàn cũ, đồ chơi mà con cái đã dùng... tất cả đều chiếm diện tích trong nhà và cần phải thường xuyên lau chùi bụi bẩn, mất thời gian và khiến cho không gian sống trở nên chật hẹp.
Cuốn sách "The Life-Changing Magic of Tidying Up" đã viết: "Một thứ dù đắt đỏ hay hiếm có đến đâu, chỉ có những người có khả năng phán đoán dựa trên nhu cầu của bản thân mới đủ mạnh mẽ. Người có thể buông bỏ chấp niệm, sẽ càng tự tin hơn".
Một gia đình, không nỡ vứt bỏ bất cứ thứ gì, thói quen này sẽ thấm nhuần vào tinh thần, giao tiếp xã hội, công việc và cảm xúc của mỗi người. Đó là điều chúng ta thường gọi là "không thể buông bỏ". Khi không thể buông bỏ một mối tình sai lầm, chúng ta sẽ mãi lún sâu vào mâu thuẫn nội tâm, khiến cho những mối duyên mới sẽ bị lỡ mất. Trong công việc, bị sếp phê bình vài câu, cảm thấy đau khổ liên tục trong nhiều ngày, công việc sẽ trở nên tệ hơn, thậm chí chỉ cảm thấy đau khổ mỗi khi đến công ty.
Khi anh chị em không thể nguôi giận, họ sẽ trở thành kẻ thù; khi cha mẹ và con cái không thể bỏ qua bất đồng, gia đình sẽ không thể hòa thuận. Con người chỉ có hai tay, nếu cả hai đều đang cầm nắm một thứ gì đó, thì không thể làm được gì cả.
Cuộc sống ngập tràn những vật dụng cũ kỹ khiến cuộc đời chúng ta như bước vào một chiếc lồng chim vô hình, biến ngôi nhà thành một chiếc lồng lớn giam giữ con người.
Có một người bán đồ gốm, gánh hàng nặng đi qua các làng mạc. Đột nhiên, một cái bình gốm rơi xuống và vỡ tan. Người bán hàng không ngoảnh lại mà tiếp tục bước đi. Người qua đường hỏi: "Bình gốm của ông vỡ kìa, ông không nhìn lại sao?". Người bán hàng đáp: "Nó đã vỡ rồi, nhìn làm gì nữa. Nếu mất thời gian, trước khi trời tối tôi không thể đến được thị trấn, điều đó còn rắc rối hơn".
Muốn gia đình giàu có, thực chất là một quá trình có sự từ bỏ để đạt được. Bỏ đi những thứ vô ích, bạn sẽ có nhiều thứ hữu ích hơn; từ bỏ phiền muộn, hạnh phúc sẽ nhiều hơn; mua sắm theo nhu cầu, những giao dịch không hiệu quả sẽ ít đi.
Tagore từng nói: "Có một đêm, tôi đã đốt cháy tất cả ký ức, từ đó giấc mơ chẳng còn rối ren; có một buổi sáng, tôi đã vứt bỏ tất cả những ngày hôm qua, từ đó bước chân trở nên nhẹ nhàng".
Cuộc sống chất lượng cao thường đi kèm với sự giản dị, thậm chí là cực kỳ tối giản. Đừng trở thành nô lệ của vật chất, mà hãy tận hưởng niềm vui mà vật chất mang lại, cuộc sống của bạn sẽ tự nhiên trở nên giàu có.