Tấm huy chương Olympic sau 101 năm và câu chuyện truyền cảm hứng của VĐV mắc bệnh hiếm khiến đầu trọc lốc

Thành An, Theo Nhịp Sống Việt 23:23 31/07/2021
Chia sẻ

Nhiều lần thất bại nhưng Matti Mattsson không bỏ cuộc và cuối cùng, anh được hưởng thành quả ngọt ngào tại Olympic Tokyo 2020.

Ở nội dung 200m bơi ếch nam, Matti Mattsson không được đánh giá quá cao. Kình ngư người Phần Lan chỉ đạt thành tích 2 phút 08 giây 22 tại bán kết, xếp thứ 5 trong tổng số 8 gương mặt bước vào đường bơi chung kết.

Nhưng bằng quyết tâm sắt đá và khát khao cháy bỏng, Mattsson bất ngờ cán đích ở vị trí thứ 3 với thời gian 2 phút 07 giây 13, phá kỷ lục của chính mình và mang về cho đoàn Thể thao Phần Lan tấm huy chương đầu tiên tại Olympic Tokyo 2020.

Tấm huy chương Olympic sau 101 năm và câu chuyện truyền cảm hứng của VĐV mắc bệnh hiếm khiến đầu trọc lốc - Ảnh 1.

Mattsson và tấm huy chương đồng mang nhiều ý nghĩa ở Olympic 2020 (Ảnh: Getty)

Đã 101 năm trôi qua kể từ lần cuối cùng một kình ngư Phần Lan giành huy chương ở nội dung bơi ếch của một kỳ Thế vận hội. Xét rộng hơn trên đường đua xanh, thể thao Phần Lan cũng đã trải qua 1/4 thế kỷ "mất tích" trên bục podium, kể từ sau tấm HCB của Jani Sievinen ở Atlanta 1996.

Để có tấm HCĐ lịch sử ấy, Mattsson đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, những đau đớn giằng xé sau mỗi thất bại. Tiếp tục hay dừng lại? Kình ngư 27 tuổi đã nhiều lần tự vấn bản thân nhưng rồi vẫn quyết định bước tiếp.

Từ kẻ kiêu ngạo thất bại...

Đầu năm 2010, Mattsson được đánh giá là gương mặt đầy triển vọng của bơi lội Phần Lan. Chàng thanh niên 17 tuổi khi ấy tự vỗ ngực kiêu ngạo trước giới truyền thông nước nhà rằng "sẽ đoạt tấm HCV tại Olympic Rio 2016".

Như để chứng thực cho năng lực của bản thân, Mattsson giành HCĐ ở giải Vô địch bơi lội thế giới 2013 được tổ chức ở Barcelona, đồng thời lập kỷ lục quốc gia với thời gian 2 phút 08 giây 95. Nhưng chẳng ai ngờ, đó là điểm sáng hiếm hoi của chàng kình ngư trẻ. Bởi sau đó là những chuỗi ngày dài tăm tối.

Sau sự kiện ở Barcelona, Mattsson dần sa sút. Một tai nạn khi đạp xe leo núi cũng khiến chàng trai trẻ phải phẫu thuật cánh tay. Những thất bại dồn dập đến, kéo theo nỗi thất vọng cùng cực. Mattsson bắt đầu tăng cân và bỏ bê tập luyện.

Mattsson và tấm HCĐ tại giải Vô địch thế giới 2013 (Ảnh: Getty)

Các bác sĩ chẩn đoán Mattsson bị mắc chứng celiac, một căn bệnh hiếm gây rối loạn tự miễn khởi phát khi người mắc tiêu thụ sản phẩm có chứa gluten. Năm 2018, Matti tiếp tục phải chiến đấu với chứng rối loạn tự miễn khác khiến anh bị rụng hết tóc.

Đến Olympic Rio de Janeiro 2016 với những bước chân mỏi mệt, Mattsson chỉ xếp thứ 16, đứng cuối ở lượt bơi bán kết với thành tích đầy chán nản, 2 phút 12 giây. Nỗi thất vọng như chạm đáy, kình ngư Phần Lan thừa nhận "nếu có một cánh cửa sập ở đáy hồ bơi, tôi sẽ mở nó ra, bước vào và không bao giờ quay trở lại".

... đến tấm huy chương cả đất nước mong chờ

Trở về sau Olympic Rio, cuộc sống của Mattsson càng trở nên nặng nề và khó khăn hơn. Anh phải đối mặt với những lời gièm pha, những ánh mắt nghi ngờ và đáng sợ hơn cả, sự tự tin đã cạn kiệt. Nhưng sau cùng, anh quyết không bỏ cuộc. HLV Eetu Karvonen, cựu VĐV bơi ếch của đội tuyển Phần Lan, được Mattsson nhờ cậy và cả hai bắt đầu đề ra một kế hoạch dài hơi và nghiêm túc.

HLV Karvonen thay đổi giáo án tập luyện, giảm khối lượng các buổi tập và tập trung vào chất lượng. Bản thân Mattsson cũng thực hiện chế độ ăn không gluten, giúp anh giảm được tới 20kg trọng lượng cơ thể.

Nhưng những nỗ lực của kình ngư người Phần Lan một lần nữa bị thử thách. Đại dịch Covid-19 khiến Olympic 2020 bị hoãn lại. Mattsson nhiều lần cân nhắc bỏ cuộc. Nhưng rồi, khát vọng vượt qua khó khăn và những lời động viên từ HLV Karvonen giúp VĐV 27 tuổi bình tâm trở lại.

Không có điều kiện tập luyện thật sự tốt do các bể bơi phải đóng cửa vì dịch bệnh, hai thầy trò buộc phải khổ luyện trong một bể bơi dài 7m ở tầng hầm của một căn chung cư. Và thành quả bước đầu đã đến.

Ở giải đấu Helsinki Swim Meet 2021, Mattsson đạt thành tích 2 phút 08 giây 51, vượt qua kỷ lục quốc gia do chính mình lập nên. Đó là lần đầu tiên sau 8 năm đằng đẵng, kình ngư "đầu trọc" cải thiện được phong độ của bản thân. Tại giải Vô địch châu Âu sau đó, Mattsson cán đích thứ 4 và lại phá kỷ lục của chính mình với thời gian 2 phút 08 giây 26.

Mattsson trở về nhà trong vòng tay của những người thân trong gia đình (Ảnh: Iltalehti)

Sau 12 tháng chờ đợi, cuối cùng ngọn lửa Olympic Tokyo cũng được thắp sáng. Mattsson với hành trang tự tin hơn nhiều so với 5 năm trước đã mang đến một câu chuyện truyền cảm hứng tuyệt vời. Chẳng ai ngờ VĐV 27 tuổi có thể trở thành kình ngư nhanh thứ 8 mọi thời đại ở đường bơi 200m ếch.

"Tôi chắc chắn đã cống hiến hết những gì có thể. Ở 50m cuối, tôi như thấy sức ép đè nặng lên mình nhưng rồi nhanh chóng vượt qua và duy trì tốc độ cho đến khi về đích. Ít ai biết những khó khăn tôi từng trải qua để có được ngày hôm nay. Tôi thật sự không thể hạnh phúc hơn", Mattsson nghẹn ngào hạnh phúc chia sẻ với tờ Yle Sport.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày