Tại sao tượng đài văn hoá đại chúng như Star Wars bị khán giả Việt "bỏ rơi"?

Minh Quân, Theo Trí Thức Trẻ 10:11 31/05/2018

Vì nhiều lý do trong quá khứ, có thể coi như Star Wars không có duyên với các khán giả Việt Nam nhưng rất có thể trong tương lai, các thế hệ khán giả mới của nước ta sẽ mở lòng hơn với dòng phim này.

Đã hơn 40 năm kể từ khi phần phim đầu tiên Episode IV: A New Hope (1977) được trình chiếu, loạt phim Star Wars đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa đại chúng Mỹ, được nhiều thế hệ fan hâm mộ nhắc đến như là một tượng đài của dòng phim khoa học viễn tưởng.

Tại sao tượng đài văn hoá đại chúng như Star Wars bị khán giả Việt bỏ rơi? - Ảnh 1.

Cho đến nay, Star Wars đã trở thành một thương hiệu trị giá 41,9 tỷ đô la, là một trong những loạt phim ăn khách nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, không giống như thị trường phương Tây, cứ mỗi lần Star Wars "đổ bộ" vào cụm rạp Việt Nam là lại một lần thương hiệu này chịu cảnh ế ẩm. Vậy lý do đằng sau sự khác biệt này là gì?

Thành công ở phương Tây: trí tưởng tượng và sự thèm khát một cuộc nổi loạn của người Mỹ

Về mặt thương mại, các phần của Star Wars luôn có mặt trong danh sách những phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Khi phần đầu tiên ra mắt, hãng 20th Century Fox đã thu về được 461 triệu đô quốc nội và 314 triệu đô tại thị trường quốc tế. Nếu quy đội tỷ giá lạm phát ra thời điểm hiện tại thì doanh thu của bộ phim tương đương khoảng 2,8 tỷ đô. Thành công này giúp cho giá cổ phiếu của 20th Century Fox tăng gấp đôi, đưa công ty này thoát khỏi bờ vực phá sản. Episode VI: Return of the Jedi, phần phim có doanh thu kém nhất cũng đạt lợi nhuận hơn 475 triệu USD. Không chỉ có tiền bán vé, lợi nhuận từ việc bán bản quyền cho những sản phẩm ăn theo cũng rất cao, thậm chí còn vượt xa doanh thu chiếu rạp.

Tại sao tượng đài văn hoá đại chúng như Star Wars bị khán giả Việt bỏ rơi? - Ảnh 2.

Thời điểm Episode IV ra mắt vào năm 1977, nó đã khiến các khán giả phải sững sờ với bối cảnh "một thời đã qua rất lâu ở một thiên hà xa thật xa" đầy huyền bí, thiết kế hình ảnh đẹp mắt cùng công nghệ kỹ xảo tân tiến chưa từng được thấy trước đó. Trong khi bộ phim Jaws của Steven Spielberg được ghi nhận là bom tấn hè đầu tiên trong lịch sử vào năm 1975 thì hai năm sau đó, Star Wars đã củng cố khái niệm này bằng một cốt truyện thỏa mãn phần đông đại chúng và khiến cho người người nhà nhà đến rạp mua vé xem phim.

Tại sao tượng đài văn hoá đại chúng như Star Wars bị khán giả Việt bỏ rơi? - Ảnh 3.

Ngoài ra, thành công này cũng đánh dấu một kỷ niệm khá thú vị giữa hai bậc thầy sản sinh bom tấn hè của Hollywood. Cùng năm đó bộ phim Close Encounter of the Third Kind của Spielberg cũng ra rạp. Chất lượng của bộ phim này khiến Lucas cảm thấy tự ti và tin rằng nó sẽ thành công hơn đứa con tinh thần của mình. Tuy nhiên, Spielberg không cho là vậy và cá với người bạn của mình rằng Star Wars sẽ có doanh thu cao hơn. Người đoán sai sẽ phải chuyển 2,5% lợi nhuận cho người kia. Cuối cùng thì Spielberg đã thắng và khoản cá cược 2,5% đó đã đem về cho ông rất nhiều tiền.

Tại sao tượng đài văn hoá đại chúng như Star Wars bị khán giả Việt bỏ rơi? - Ảnh 4.

Đôi bạn George Lucas và Steven Spielberg

Bên cạnh đó, Star Wars cũng đi đầu trong việc tập trung vào những chi tiết nhỏ mang tính gợi mở. Giả dụ khi một nhân vật hỏi "Anh đã từng chiến đấu trong cuộc chiến với người vô tính à?". Câu nói này có vẻ vu vơ nhưng có tác dụng kích thích trí tưởng tượng và sự tò mò của khán giả đối với thế giới trong phim. Đôi khi chính từ những chi tiết ấy mà nhà làm phim có ý tưởng để phát triển những phần sau.

Nếu chỉ xét riêng về nội dung thôi thì không đủ, Star Wars còn ghi dấu ấn bởi sự công phu trong kỹ thuật dựng phim. Thời điểm phần đầu tiên ra mắt, bộ phim đã xuất sắc thu về sáu giải Oscar bao gồm các lĩnh vực: chỉ đạo nghệ thuật, thiết kế phục trang, biên dựng, nhạc phim, âm thanh, kỹ xảo. Bên cạnh đó là bốn đề cử Oscar khác cho phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, kịch bản gốc xuất sắc nhất và diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Tại sao tượng đài văn hoá đại chúng như Star Wars bị khán giả Việt bỏ rơi? - Ảnh 5.

Trên tất cả, Star Wars có khả năng kết nối với khán giả theo cách đặc biệt. Loạt phim là sự kết hợp của mô típ người hùng cổ điển, sự hợp vai của các diễn viên, bức nền vũ trụ huyền bí, những công nghệ giả tưởng sáng tạo, chất fantasy của Thần Lực, hành động và hài hước. Tất cả hòa quyện lại thành một chất xúc tác có khả năng khuấy động sự phấn khích và hào hứng không chỉ trong mắt những đứa trẻ mà còn cả trong tâm thức của người lớn.

Tiếp cận thế hệ trẻ ở Mỹ những năm 80, Star Wars đã khuấy động dòng máu phiêu lưu và động chạm đến bản lĩnh nổi loạn vốn chỉ chờ được khơi ra trong một xã hội đầy biến động khi đó. Không khó để hình dung tác động của Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao đến văn hóa đại chúng lớn tới thế nào. Người ta tôn sùng một cuộc chiến mà anh hùng nằm trong nhóm yếu thế, tư tưởng chống đối và một khát vọng khám phá lớn lao. Các tác phẩm về sau dù có nhiều điểm đổi mới nhưng vẫn luôn cố gắng giữ vững phong cách kể truyện và trung thành với những yếu tố cốt lõi của trilogy đầu.

Không chỉ có khán giả Việt thờ ơ

Dù được coi là một tượng đài lớn ở phương Tây nhưng tầm ảnh hưởng của Star Wars tại Việt Nam lại không đáng kể. Không chỉ khán giả đại chúng mà nhiều khán giả có sở thích đặc biệt với điện ảnh cũng tỏ ra không quá mặn mà với Star Wars.

Tại sao tượng đài văn hoá đại chúng như Star Wars bị khán giả Việt bỏ rơi? - Ảnh 6.

Điều này có thể xuất phát từ sự khác biệt ở điểm nhìn văn hoá. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước châu Á khác cũng không tỏ ra hứng thú với dòng phim khoa học viễn tưởng. Ở Ấn Độ, thị trường điện ảnh từng có thời điểm đứng thứ nhất trên thế giới vào năm 2013, chỉ một vài bộ phim đứng top doanh thu của họ có đề tài khoa học viễn tưởng. Hầu hết các bộ phim thuộc thể loại này của Mỹ đều thất bại khi xâm nhập vào thị trường Ấn Độ. Hay như Trung Quốc, thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới thời điểm hiện tại (Ấn Độ tụt xuống xếp thứ 5), bất chấp hàng nghìn đô la đầu tư cho các chiến dịch quảng bá hoành tráng nhưng Disney vẫn thất bại nặng nề ở đất nước tỷ dân này khi The Force Awakens ra mắt.

Tại sao tượng đài văn hoá đại chúng như Star Wars bị khán giả Việt bỏ rơi? - Ảnh 7.

Star Wars được quảng cáo rầm rộ ở Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc nhưng người dân nước này vẫn chẳng hề động tâm

Có thể đặt một nhận định như thế này, dòng phim khoa học viễn tưởng sinh ra với mục đích thỏa mãn trí tưởng tượng của khán giả. Trong khi Mỹ và Canada (thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới) là hai quốc gia có tuổi đời chưa quá lâu nếu so với châu Âu thì ở các thị trường lớn của châu Á, khán giả được thừa hưởng một nền văn hóa có truyền thống lâu đời hơn.

Do đó, các câu chuyện thoát li hiện thực của người châu Á thường gắn liền với những huyền thoại, cổ tích, tiên hiệp vốn đã thịnh hành từ trước đó rất lâu. Đó cũng là lý do vì sao ở thị trường Ấn Độ và Trung Quốc người ta làm phim về thần thoại, gia đình, tình yêu trong khi ở Hollywood làm phim về siêu anh hùng và thế giới tương lai. Là một nước chịu ảnh hưởng lớn bởi văn hóa Á Đông, khán giả Việt Nam cũng cảm thấy Star Wars xa lạ với gu thưởng thức của mình là điều dễ hiểu.

Tại sao tượng đài văn hoá đại chúng như Star Wars bị khán giả Việt bỏ rơi? - Ảnh 8.

Ngoài ra, khoảng thời gian Star Wars làm mưa làm gió trong lòng người Mỹ và khán giả Tây phương nói chung vào những năm 80, 90 thế kỷ trước. Soi chiếu lại nền điện ảnh Việt Nam lúc đó còn rất non trẻ, người dân chưa coi việc đi xem phim như một thú vui đại chúng mà giống như loại hình giải trí cho thị dân thành phố. Khái niệm về một cuộc chiến vũ trụ, kiếm laser, di chuyển với tốc độc ánh sáng không thực sự ăn điểm với tư duy đương đại của người Việt.

Tại sao tượng đài văn hoá đại chúng như Star Wars bị khán giả Việt bỏ rơi? - Ảnh 9.

Tính ở thời điểm Star Wars mới du nhập về Việt Nam khi loạt phim prequel trilogy (bộ ba tiền truyện) ra mắt, các rạp tại Việt Nam lúc đó không chiếu series này hết từ các phần đầu bởi vì tập ba ra rạp nhưng không hút khách. Những khán giả quan tâm chỉ có thể tìm đến qua các cửa hàng băng đĩa lậu hoặc internet một cách manh mún, không tập trung, không có một cộng đồng fandom nào. Chưa kể với thời lượng trung bình dài khoảng hai tiếng rưỡi thì các phim Star Wars cũng khó mà đáp ứng được gu thưởng thức của người Việt nếu đem ra cạnh tranh với những phim hành động giải trí khác.

Tại sao tượng đài văn hoá đại chúng như Star Wars bị khán giả Việt bỏ rơi? - Ảnh 10.

Với các lý do đó, có thể coi như Star Wars không có duyên với các khán giả Việt Nam. Không chỉ có loạt Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao bị kém duyên như vậy, mà nhiều đại diện của văn hóa đại chúng (pop culture) của Mỹ cũng không tìm được đường đến với người xem Việt như Ready Player One, loạt phim của Quentin Tarantino, Alien... Nhưng với một thế hệ khán giả mới, trẻ hơn, có nhiều thời gian tiếp xúc với internet và nhạy cảm với văn hóa Mỹ, rất có thể thị trường Việt Nam sẽ mở lòng hơn với các bộ phim thuộc loạt series ăn khách nhất này. Hãy cùng chờ xem liệu các chiến binh Jedi và gần đây nhất là Han Solo trong Solo: A Star Wars Story (Han Solo: Star Wars Ngoại Truyện) có khiến khán giả Việt "động lòng" hay không.

Tại sao tượng đài văn hoá đại chúng như Star Wars bị khán giả Việt bỏ rơi? - Ảnh 11.

Solo: A Star Wars Story hiện đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.