Khi nhắc đến bộ truyện Doraemon, hầu hết chúng ta sẽ ngay lập tức nhớ đến những cái tên như Nobita hậu đậu, Shizuka xinh xắn, Jaian dữ dằn, Suneko khoe khoang hay chú mèo máy Doraemon với chiếc túi thần kỳ. Thế nhưng, có một điều thú vị mà ít ai để ý rằng: người lớn trong Doraemon gần như luôn "mờ nhạt". Họ đôi khi xuất hiện, nhưng lại chỉ như "phông nền" cho thế giới của lũ trẻ. Họ có mặt, nhưng chẳng mấy khi đóng vai trò then chốt trong câu chuyện. Vậy điều này là vô tình hay có dụng ý?
Doraemon không hề là một bộ truyện đơn giản như bề ngoài. Những câu chuyện được gửi gắm luôn mang nhiều lớp ý nghĩa. Việc người lớn như bố mẹ Nobita, thầy giáo, cảnh sát,… chỉ hiện diện thoáng qua, thường mang tính tượng trưng là một quyết định có chủ ý của tác giả Fujiko F. Fujio. Trong thế giới của Doraemon, trẻ em mới là trung tâm, là người tạo ra vấn đề và cũng là người tìm cách giải quyết.
Dù Doraemon là một chú mèo máy đến từ tương lai, nhưng cốt lõi mỗi tập truyện lại xoay quanh những rắc rối nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày: đi học muộn, bị bắt nạt, không thuộc bài, trốn trách nhiệm, tỏ tình, ganh đua,… Tất cả đều là những vấn đề rất "trẻ con". Khi người lớn xuất hiện, họ thường đóng vai người ra lệnh, mắng mỏ hoặc giới hạn tự do - đúng với cảm nhận của rất nhiều đứa trẻ ngoài đời thực.
Người lớn xuất hiện trong Doraemon được xây dựng đúng với cảm nhận của rất nhiều đứa trẻ ngoài đời thực.
Cách xây dựng này khiến thế giới Doraemon trở thành "vũ trụ độc lập" của trẻ con, nơi những cảm xúc, suy nghĩ, nỗi sợ và ước mơ được thể hiện một cách chân thật nhất, không bị người lớn "xâm nhập" hoặc điều khiển. Với trẻ em, người lớn giống như những thế lực ngoài lề: cha mẹ, thầy cô hay hàng xóm, đôi khi khó hiểu, đôi khi xa cách. Trẻ chỉ nhớ tới họ khi bị mắng, cần giúp đỡ hoặc bị ngăn cản.
Nobita có bố mẹ, nhưng họ không thể hiểu cậu bé bằng Doraemon. Thầy giáo xuất hiện, nhưng chỉ như nỗi ám ảnh mỗi khi cậu học trò nghịch ngợm hoặc trốn học. Trong khi đó, chú mèo máy đến từ tương lai Doraemon lại thấu hiểu, cảm thông và hỗ trợ Nobita vô điều kiện. Điều này lý giải vì sao trẻ em thường dễ chia sẻ với bạn bè hoặc thậm chí là "vật thể kỳ diệu" hơn là với người lớn trong đời thực.
Thế nhưng, điều đáng suy ngẫm là: dù người lớn trong Doraemon bị "làm mờ", nhưng ở ngoài đời, trẻ em lại cần họ hơn bao giờ hết. Không phải để bị kiểm soát, mà là để được đồng hành, thấu hiểu và sẻ chia.
Trẻ em luôn cần người lớn đồng hành, thấu hiểu và sẻ chia.
Khoảng cách thế hệ không tự nhiên mà có. Nó được hình thành từ sự bận rộn, thiếu kiên nhẫn hay việc người lớn áp đặt lối suy nghĩ của mình lên con trẻ. Lâu dần, trẻ em thu mình lại, sống trong "vùng an toàn" với bạn bè hoặc mạng xã hội, ngại bộc lộ cảm xúc thật với người thân. Trẻ em cần một ai đó giống Doraemon, không chỉ giúp đỡ, mà còn là người bạn thực sự, không phán xét. Và thật ra, cha mẹ, thầy cô, hay bất kỳ người lớn nào cũng có thể trở thành "Doraemon" nếu sẵn sàng lùi lại một bước để nhìn thế giới qua lăng kính của trẻ thơ.
Người lớn trong Doraemon mờ nhạt vì đó là thế giới của trẻ em, của những rắc rối "bé xíu" nhưng rất "to lớn" trong mắt một đứa trẻ. Nhưng sâu xa hơn, có lẽ tác giả cũng muốn nhắn nhủ điều gì đó: hãy hiện diện nhiều hơn, chân thành hơn trong cuộc sống của con trẻ.
Trẻ em không cần người lớn hoàn hảo. Chúng chỉ cần những người biết lắng nghe bằng trái tim, đồng hành bằng sự cảm thông và quan trọng nhất, không áp đặt, không coi thường thế giới nhỏ bé nhưng đầy cảm xúc của các em. Để rồi một ngày, khi lớn lên, các em sẽ nhớ về cha mẹ, thầy cô, không phải như những "vai phụ mờ nhạt", mà là những người từng bước cùng các em qua tuổi thơ đầy mộng mơ và thử thách.