Tại sao mình hát cũng hay mà nghe thu âm thì "vừa chua vừa thé" thế nhỉ?

J.D, Theo Helino 18:18 27/05/2018

Chẳng ai trên đời này thích giọng của mình khi nghe qua thu âm, dù là ca sĩ nổi tiếng hay người thường.

Có lẽ trên đời này, những người cảm thấy thích giọng nói của chính mình sau khi thu âm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Lý do là vì giọng của chúng ta khi tự nghe thì không sao, mà không hiểu thế nào lúc qua ghi âm thì khác quá. 

Đó cũng là nguyên nhân vì sao Chaien (Giant) trong Doraemon chẳng bao giờ hiểu được rằng người ta thấy giọng hát của cậu kinh khủng ra sao.

Nhưng kể cả khi giọng của bạn hay thật, ngọt như mía lùi thật, thì bản thân bạn cũng không thích giọng nói của chính mình qua các bản thu âm.  

Tại sao vậy?

Chúng ta cảm nhận được âm thanh do màng nhĩ tiếp nhận các rung động. Chúng được truyền qua 3 mẩu xương ở tai giữa, đi vào ốc tai.

Khi tiếp nhận một âm thanh ở bên ngoài, các sóng âm sẽ di chuyển qua ống tai, vào tai trong, đến ốc tai, rồi biến thành các tín hiệu thần kinh cho não bộ xử lý.

Tại sao mình hát cũng hay mà nghe thu âm thì vừa chua vừa thé thế nhỉ? - Ảnh 2.

Đó là quy trình thông thường, còn khi nghe âm thanh từ chính thanh quản của bạn phát ra thì khác. Dù cơ chế giống nhau, nhưng màng nhĩ còn tiếp nhận rung động từ xương hàm và xương sọ nữa. Quá trình này được gọi là "dẫn truyền quán tính qua xương", và nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng âm thanh bạn nghe được. 

Cụ thể thì nó sẽ làm nổi bật lên các âm thanh ở tần số thấp, khiến âm giọng của bạn trầm hơn, kém "chua" so với thực tế qua thu âm. 

Lý do chính khiến bạn không thích giọng thực của mình là vì bạn ít khi nghe thấy nó thôi. Và dù thích hay không thích thì hãy nhớ lấy một sự thật, rằng giọng thu âm của bạn mới là giọng thực, và là tông giọng mà 7,6 tỷ người trên thế giới này cảm nhận được.

Tham khảo: IFL Science