Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Sương (Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng ) cho biết, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình phải chịu trách nhiệm về những công việc được giao theo quy định của hợp đồng.
"Đây là vụ việc có hậu quả rất nghiêm trọng, do đó qua xác minh, điều tra của cơ quan có thẩm quyền, nếu xác định nguyên dân dẫn đến tai nạn là do cá nhân vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hoặc lĩnh vực khác thì cá nhân đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017" - luật sư Nguyễn Sương cho hay.
2 công nhân bị vùi lấp dưới bê tông non, lực lượng cứu nạn phải dùng nước phun áp lực cao để cứu người
Theo luật sư, Tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" với khung hình phạt cao nhất là từ 7 năm - 15 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm - 5 năm.
"Trong trường hợp có dấu hiệu cấu thành Tội 'Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng' thì cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra theo quy định của pháp luật", luật sư Sương cho biết thêm.
Về trách nhiệm bồi thường, Luật sư Nguyễn Sương cho biết, nhà thầu - người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn theo quy định tại Điều 38, Điều 39 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 và Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH.
Ngoài việc thanh toán chi phí y tế đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn, người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.
Nếu nguyên nhân tai nạn do lỗi cá nhân, cần truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào 1 giờ sáng 25-5, tại Công trình tòa nhà tập đoàn Polyco (số 34-36 đường 2 tháng 9, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) xảy ra vụ sập giàn bê tông khiến 2 nạn nhân bị vùi lấp tử vong và 3 người khác bị thương.
Theo tìm hiểu, các nạn nhân hầu hết đều có quan hệ họ hàng, vợ chồng, từ Đại Lộc ra Đà Nẵng làm việc.
Sáng 28-5, trao đổi với PV, ông Tâm (anh ruột nạn nhân Nguyễn Thị X.), cho biết gia đình vẫn đang cố gắng chu toàn tang lễ cho bà X., đồng thời lo cho các nạn nhân khác đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.
"Thời gian đến, gia đình sẽ làm việc với phía chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan chức năng…để làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ các bên trong vụ tai nạn thảm khốc này" - ông Tâm chia sẻ.
UBND quận Hải Châu thông tin, công trình nơi xảy ra tai nạn là công trình nhà ở kết hợp với dịch vụ kinh doanh dịch vụ ẩm thực. Vị trí sập là sàn bê tông tầng 2, ở mặt tiền công trình.
Đơn vị thi công là Công ty CP xây dựng đô thị và Khu công nghiệp (địa chỉ trụ sở tại tỉnh Quảng Ngãi). Đơn vị tư vấn giám sát là Công ty CP tư vấn thiết kế xây dựng và kiểm định Bách Khoa Việt (địa chỉ trụ sở tại TP Hồ Chí Minh). Nhà thầu phụ thực hiện việc thi công đổ sàn là Công ty TNHH MTV Tư vấn và thiết kế xây dựng Minh Phát Phú (địa chỉ trụ sở tại TP Đà Nẵng).