Ngày 16/1, Bác sĩ Phan Đức Minh Mẫn, Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện (BV) Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cho biết, nơi đây đang tiếp nhận điều trị cho trường hợp bé N.C.T (3 tuổi, ngụ huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) bị tai nạn sinh hoạt rất nặng.
Theo lời kể của người nhà, ít ngày trước, khi đang được ông nội cho ăn cơm, bé T. chạy đến chỗ máy xay bột làm nhang bán Tết chơi đùa. Khi bà nội nghe tiếng khóc và phát hiện bé cho tay vào máy thì đã muộn. Phần đĩa sên trên máy đã nghiến đứt lìa bàn tay trái đứa trẻ.
Bác sĩ Phan Đức Minh Mẫn thông tin các ca bệnh.
Khi được chuyển đến BV, phần khuỷu tay trái bệnh nhi đã biến dạng, vết thương bàn tay trái dập lộ xương, các ngón 2, 3, 4 trên bàn tay trái đứt lìa và chuyển màu.
Bé trai 3 tuổi bị tai nạn kinh hoàng vì cho tay vào máy xay bột làm nhang.
"Trường hợp này máy xay bột đã làm nát phần ngón tay, các ngón đứt lìa ngay vị trí khớp nên không còn khả năng nối lại. Sau khi làm phẫu thuật cấp cứu, các vết thương vẫn còn lộ phần mềm. Dự kiến sắp tới, bệnh nhi sẽ được tiến hành lấy da vùng bẹn để ghép cho vùng bàn tay. Để đánh giá được phần da ghép phục hồi tốt hay cần thời gian khoảng 5 ngày" – BS Huỳnh Trung Hiếu, khoa Chỉnh hình Nhi chia sẻ.
Ảnh chụp phim cho thấy 3 ngón tay trái bệnh nhi bị đứt lìa.
Dù rất cố gắng, các BS không thể cứu được các ngón tay của đứa trẻ.
Ngoài ca bệnh này, mới đây BV cũng đã tiếp nhận trường hợp bé trai 2 tuổi ở Bình Dương bị sên xe máy cuốn đứt lìa bàn tay. Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết thời điểm xảy ra vụ việc, cha của bé đang sửa xe, không chú ý con đùa nghịch dẫn đến tai nạn đau lòng.
Một ca bệnh khác mất ba ngón tay vì sên xe máy.
Tai nạn đau lòng xảy ra với trẻ trong một phút lơ là của cha mẹ.
"Phụ huynh nên chăm sóc con cẩn thận, đừng để trẻ trong môi trường lao động, sinh hoạt, làm việc nhà, vì trẻ nhỏ rất hay táy máy tay chân. Khi trẻ đụng tay vào những vật liệu lao động gây ra tai nạn, nguy cơ sẽ tổn thương rất nặng nề bàn tay. Việc xử lý vi phẫu mạch máu cho trẻ phức tạp hơn rất nhiều so với người lớn vì mạch máu của trẻ rất nhỏ, không phải lúc nào cũng xử lý thành công. Những trường hợp nặng có thể để lại di chứng mỏm cụt, phải phẫu thuật nhiều lần trong thời gian dài" - BS Phan Đức Minh Mẫn khuyến cáo.