Drama giữa T1 – Gumayusi – Smash và những quyết định đầy tranh cãi của ban huấn luyện T1 cũng như kết quả trong những trận đấu tại LCK Cup 2025 hay Regular Seasons 2025 tính đến hiện tại không chỉ khiến cộng đồng dậy sóng, mà còn vô tình vạch rõ một sự thật: LMHT hay Esports nói chung không thể vận hành như thể thao truyền thống, dù hình thức có tương đồng đến đâu. T1 chính là ví dụ điển hình cho giới hạn này.
T1 đã chứng minh sự khác biệt rất lớn giữa LMHT với bất kỳ môn thể thao truyền thống nào
Tất nhiên, bất kỳ môn thể thao đồng đội nào cũng cần có sự phối hợp. Nhưng với Esports, đặt trường hợp ở đây là LMHT, sự phối hợp chỉ diễn ra trong phạm vi 5 người với nhau và tình huống có khi chỉ trong vài giây là đã có thể thay đổi cục diện trận đấu. Bất kỳ pha xử lý không hiểu ý nào cũng có thể dẫn đến thất bại thảm hại. Và chính điều này, khiến cho việc xoay tua tuyển thủ là hoàn toàn không cần thiết, nếu không muốn nói là "tự hủy".
Chưa kể, việc một tuyển thủ ở vị trí Hỗ Trợ phải thi đấu với 2 AD với 2 lối chơi khác nhau trong cùng 1 trận, thoạt nghe qua có thể đơn giản. Nhưng một trận đấu chuyên nghiệp không phải một trận rank. Nếu một tập thể không thi đấu như một khối thống nhất, đối phương thừa sức khoét vào các điểm thiếu liên kết và khiến đội tuyển đó "ôm hận".
Một đội tuyển mà các tuyển thủ không phối hợp được tức là một đội tuyển thất bại
Khác với các môn thể thao truyền thống, các tuyển thủ Esports mà trong trường hợp này là LMHT, phải tiếp xúc trực tiếp với những áp lực từ người hâm mộ. Họ không thể né tránh, cũng không có ai sẽ thay họ đưa ra các ý kiến phát biểu trong các hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí, với riêng T1, đội tuyển này còn góp phần đẩy các tiêu cực lên cao, thông qua việc để các tuyển thủ tiếp xúc với fan trong phần POPS hay có các membership. Và ai cũng biết, các membership của T1 thì tràn ngập hội anti-fan của Gumayusi.
Việc thay người vào đúng ván cuối của trận gặp FOX, không những không làm tình hình khá hơn, mà chỉ như một ván cược của BHL T1. Nếu đội thắng, mọi chuyện sẽ ổn. Nhưng thực tế là T1 đã thua. Và sau đó, Gumayusi và Smash trở thành "nạn nhân" tranh cãi như những ngày qua.
Các tuyển thủ của T1 và các đội Esports danh tiếng không có cách nào để tránh né áp lực dư luận diễn ra gần như mỗi ngày
Trong thể thao truyền thống, các vị HLV có những quyết sách hợp lý và mọi thứ được rõ ràng minh bạch, ít nhất là với các học trò trước khi trận đấu bắt đầu. Và những trường hợp ngược lại, chính các cầu thủ sẽ phản ứng công khai và vị HLV sẽ phải cùng sửa đổi hoặc tiếp tục "sa lầy" rồi sau đó là nhận trát sa thải. Nhưng ở LMHT, vị trí của HLV và tuyển thủ thường không được như vậy. Các tuyển thủ bắt buộc luôn phải làm theo lời HLV dù có thể ai cũng nhìn thấy những sai lầm.
Nhưng rồi sau đó, người bị chỉ trích là các tuyển thủ. Không ai dám nghi ngờ HLV KkOma - vị HLV đang có nhiều danh hiệu nhất LMHT chuyên nghiệp. Nhưng HLV KkOma không phải thần thánh. Ông đã từng sai lầm và hiện vẫn đang cho thấy sự sai lầm. Nhưng tất cả vẫn đang được khỏa lấp chỉ vì đơn giản: ông là người đã mua bộ máy tính và góp phần lớn tạo ra "Quỷ Vương" Faker.
Còn BHL T1 thì liên tục gây tranh cãi và không có một định hướng rõ ràng
T1 có thể sẽ tìm ra một phương án, dù là tích cực hay tiêu cực, cho tình hình hiện tại. Nhưng có thể nói, chính fan của đội này cũng không còn kỳ vọng nhiều vào suất đi MSI. Và có lẽ, mục tiêu 1 trong 4 đội dự CKTG sẽ là khả thi hơn, ít nhất là đối với T1 hiện tại.