Một nghiên cứu mới đây cho thấy tình trạng suy thoái đất trên toàn cầu đang lan rộng với tốc độ 1 triệu km² mỗi năm, gây cản trở nỗ lực ổn định khí hậu, bảo vệ thiên nhiên và đảm bảo nguồn lương thực bền vững.
Theo báo cáo, diện tích đất bị suy thoái đã lên tới 15 triệu km², lớn hơn cả Nam Cực. Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu không có sự thay đổi kịp thời, việc lạm dụng đất sẽ làm suy giảm nghiêm trọng khả năng hỗ trợ con người và môi trường của Trái đất.
Hệ lụy từ suy thoái đất và khí hậu
(Ảnh: AFP)
Nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (PIK) đã phân tích vấn đề sử dụng đất trong bối cảnh khung giới hạn hành tinh. Kết quả cho thấy, trước đây, hệ sinh thái đất hấp thụ gần 1/3 lượng khí CO₂ do con người thải ra. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, khả năng này đã giảm 20% do nạn phá rừng và biến đổi khí hậu.
Nguyên nhân chính, theo báo cáo, là các phương pháp canh tác không bền vững, chiếm 80% nguyên nhân mất rừng. Những kỹ thuật này bao gồm sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu và chuyển hướng nước, làm xói mòn đất, cạn kiệt nguồn nước và gây ô nhiễm hệ sinh thái....
Thách thức nhân đạo nghiêm trọng
Tình trạng suy thoái đất hiện tập trung ở các khu vực khô hạn như Nam Á, miền bắc Trung Quốc, vùng High Plains và California (Mỹ), cùng Địa Trung Hải... Hiện có khoảng 1/3 dân số thế giới sống tại các vùng đất khô hạn, trong đó châu Phi chiếm 3/4 diện tích này.
Điều này gây ra những hậu quả nhân đạo nghiêm trọng, đặc biệt với các quốc gia và nhóm dân cư thu nhập thấp. Trong đó, phụ nữ phải đối mặt với khối lượng công việc và rủi ro sức khỏe gia tăng, còn trẻ em dễ bị suy dinh dưỡng và gặp khó khăn trong học tập.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng biến đổi khí hậu làm gia tăng suy thoái đất thông qua các đợt hạn hán kéo dài và lũ lụt mạnh mẽ hơn.
Hướng tới giải pháp bền vững
(Ảnh: AFP)
Các tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận tích hợp trong giải quyết vấn đề này. Tiến sĩ Claudia Hunecke từ PIK cho biết: "Các nhà hoạch định chính sách cần tập trung mạnh mẽ hơn vào đất như một nền tảng cho sự bền vững toàn cầu. Việc bỏ qua suy thoái đất có thể đẩy nhân loại vượt ra khỏi giới hạn an toàn, làm trầm trọng thêm áp lực tài nguyên, nghèo đói, di cư và xung đột."
Bà cũng kêu gọi các chính sách không chỉ tập trung vào tác động môi trường mà còn giải quyết các hậu quả xã hội và kinh tế do sử dụng đất gây ra.