Cú sụt giảm của GDP Malaysia trong quý 2 được xem là chưa từng có kể từ quý IV/1998, thời điểm châu Á chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Những số liệu mới nhất cho thấy cách Covid-19 tàn phá nền kinh tế vốn phụ thuộc vào thương mại của Malaysia.
Cụ thể, xuất khẩu nước này sụt giảm mạnh vì gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong khi đó, tình trạng đóng cửa kéo dài để ngăn virus lây lan khiến chi tiêu tiêu dùng sụt giảm. Ngân hàng Trung ương Malaysia dự kiến nền kinh tế sẽ thu hẹp 3,5-5,5% trong năm nay so với mức tăng trưởng trong khoảng từ 0,5 đến -2% trước đó.
Mohd Afzanizam Abdul Rashid, nhà kinh tế trưởng tại Bank Islam Malaysia Bhd, cho biết: "Sự sụt giảm là rất lớn. Nó cho thấy đại dịch đã khiến nền kinh tế Malaysia rơi vào bế tắc như thế nào".
Thực tế, những thành công tương đối của Malaysia trong việc ngăn chặn Covid-19 lây lan trên diện rộng đã không biến chuyển thành hiệu quả kinh tế. Thậm chí, Malaysia còn là một trong những nước sụt giảm mạnh mẽ nhất ở Đông Nam Á. Giá dầu giảm và bất ổn chính trị tiếp tục tạo thêm trở ngại cho đầu tư kinh doanh, tác động đến doanh thu xuất khẩu của quốc gia cũng như các cách ứng phó của Chính phủ.
Theo số liệu chính thức được công bố, xuất khẩu Singapore đã giảm 21,7% trong quý 2 so với 1 năm trước. Chi tiêu tiêu dùng giai đoạn này giảm 18,5%, GDP giảm 16,5% so với 3 tháng trước, tệ hơn rất nhiều so với dự báo của các nhà phân tích. Đây là quý thứ 2 GDP Singapore sụt giảm và đẩy quốc gia Đông Nam Á này vào suy thoái về mặt kỹ thuật.
Trong các ngành dịch vụ, sự sụt giảm là 16,2% trong khi sản xuất giảm 18,3% và xây dựng giảm 44,5%. Chỉ số FTSE Bursa Malaysia KLCI Index duy trì mức giảm 0,8% sau dữ liệu được công bố, thiết lập mức giảm mạnh nhất trong 2 tuần. Đồng Ringgit mất 0,1% giá trị trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 2,48%, mức thấp nhất trong 1 tuần.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy kinh tế Malaysia bắt đầu phục hồi vào cuối quý. Tăng trưởng sản xuất và bán hàng trở nên tích cực trong tháng 6 trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,9%.
Nhà kinh tế học Sian Fenner của Oxford Economics viết trong báo cáo về kinh tế Malaysia: "Hoạt động đã gia tăng sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng từ tháng 5 trở đi và chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ phục hồi sau khi gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phong tỏa. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi có thể giảm trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao và đầu tư yếu".
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Malaysia Nor Shamsiah Mohd Yunus tỏ ra lạc quan một cách thận trọng rằng "những điều tồi tệ nhất đã ở phía sau chúng ta". Tuy nhiên, dự báo cho cả năm cũng bị cắt giảm vì đại dịch có tác động to lớn tới toàn thế giới và thời gian Malaysia đóng cửa dài hơn so với dự tính.
Chính phủ Malaysia đang tìm cách nâng hạn trần nợ lần đầu tiên kể từ năm 2009 để có tiền kích thích kinh tế. Ngân hàng Trung ương Malaysia cũng đã cắt giảm lãi suất vài lần trong năm nay để hỗ trợ tăng trưởng.