Nói không nên lời chỉ vì nấc cụt liên tục

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:00 08/03/2013

Bệnh xuất hiện ngày càng dày đặc và không thể kiểm soát nổi luôn đấy!

Nói không nên lời chỉ vì nấc cụt liên tục 1

Vài tuần trở lại đây, em đột nhiêm rất hay bị nấc cụt không rõ nguyên do. Tần số xuất hiện cơn nấc ngày càng dày đặc, ban đầu mỗi ngày em chỉ bị vài lần, nhưng mấy hôm nay, cứ vài tiếng em lại bị và mỗi lần là nấc liên tục đến cả tiếng đồng hồ. Em đã cố gắng uống nhiều nước nhưng tình trạng trên vẫn không thuyên giảm. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có mắc phải bệnh gì nghiêm trọng không và cách xử lý ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (cheeky...@yahoo.com).
Nói không nên lời chỉ vì nấc cụt liên tục 2

Chào em,

Nấc cụt là tình trạng phổ biến và thường thoáng qua, hầu như ai trong chúng ta cũng đều bị, nhưng đôi khi dấu hiệu này trở nên khó chữa và có thể dẫn đến kết cục xấu.

Hiện tượng nấc cụt xảy ra do sự co thắt không tự chủ, ngắt quãng của cơ hoành và cơ liên sườn, tiếp đến là sự đóng đột ngột của thanh môn, do đó tạo ra âm thanh đặc trưng là “hic”.

Nấc cụt thường xảy ra với tần số từ 4 - 60 lần/phút.

Nấc cụt được chia thành ba loại dựa trên thời gian của nó:

- “Cơn nấc cụt” là một đợt nấc cụt có thể kéo dài đến 48 giờ.

- “Nấc cụt liên tục” khi cơn tiếp tục dài hơn 48 giờ và lên tới một tháng.

- “Cơn nấc cụt khó chữa” khi tiếp tục dài hơn một tháng.

Một số nguyên nhân dưới đây gây nấc cụt, bên cạnh đó vẫn có nhiều trường hợp không rõ nguyên do:

- Rối loạn hệ thần kinh trung ương: gồm các bệnh lý gây tổn thương mạch máu (thường là dị dạng động tĩnh mạch), nguyên nhân nhiễm trùng (viêm não và viêm màng não) là phổ biến nhất, tiếp theo là các tổn thương cấu trúc, trong đó bao gồm hàng loạt tổn thương nội sọ và thân não, đa xơ cứng, não úng thủy và syringomyelia.

- Kích thích thần kinh phế vị và cơ hoành: bao gồm viêm họng, viêm thanh quản, các khối u vùng cổ kích thích dây thần kinh thanh quản quặt ngược; bướu cổ, khối u hoặc các nang ở cổ, bệnh lý vùng trung thất và bất thường của cơ hoành gây kích ứng thần kinh cơ hoành; dị vật tiếp xúc với màng nhĩ gây kích ứng nhánh tai của thần kinh phế vị.

- Bệnh lý vùng ngực: bao gồm các hạch bạch huyết to thứ phát do nhiễm trùng hoặc khối u, viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn, viêm màng phổi, phình động mạch chủ, viêm trung thất và chấn thương ngực.

- Bệnh lý tim mạch liên quan đến chứng nấc cụt là nhồi máu cơ tim và viêm màng ngoài tim.

- Rối loạn chuyển hóa hoặc do độc chất trong chứng tăng urê huyết, hạ natri máu, hạ kali máu, hạ canxi máu, tăng đường huyết, giảm thán khí.

- Thuốc gây ra nấc cụt liên quan đến diazepam, barbiturates, dexamethasone và alpha methyldopa.

- Yếu tố tâm lý gây nấc cụt bao gồm lo lắng, căng thẳng, kích thích.

Thông thường, nấc cụt sẽ tự hết sau vài phút. Dưới đây là một số mẹo để khắc phục nó:

- Làm gián đoạn chức năng hô hấp bình thường, ví dụ như nín thở, nghiệm pháp Valsalva (hít hơi thật sâu ngậm miệng, dùng ngón cái và trỏ bịt mũi lại, rồi ép hơi thở ra thật mạnh, nhưng không cho hơi ra).

- Kích thích vòm họng, lưỡi gà, ví dụ: nhấm nháp nước lạnh, nuốt một thìa cà phê đường cát khô, uống nhiều ngụm nước (dân gian hay có câu nói nam 7 hớp, nữ 9 hớp).

- Tăng kích thích phế vị, ví dụ: dùng tay nhấn nhẹ vào nhãn cầu.

- Kích thích cơ hoành, ví dụ: kéo đầu gối vào ngực, nghiêng về phía trước để nén ngực.

Tuy nhiên, nếu đã làm đủ mọi phương pháp mà bệnh không khỏi hoặc bị nấc cụt kéo dài hơn 48 giờ thì bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để tìm nguyên nhân chính xác, từ đó nhận được chỉ định điều trị kịp thời, thích hợp.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Nói không nên lời chỉ vì nấc cụt liên tục 3