|
Năm nay em 16 tuổi và là nữ. Hồi học lớp 8, khi tham gia cuộc thi cắm hoa, một bạn sơ ý cắt vào tay em, gần sát da, nhưng chưa chảy máu. Từ đó, da tay em thường xuyên bị khô và bong tróc, khó chịu vô cùng. Sau một thời gian thì bệnh tự lành, tuy nhiên lại tái phát rất nhanh và biểu hiện tiêu cực hơn lúc trước. Bây giờ, da ở đầu ngón tay em luôn trong tình trạng khô, chảy máu, tróc vảy đến nỗi mất hết dấu vân tay. Mong bác sĩ giải đáp liệu em đã mắc phải bệnh gì và có cách nào chữa trị dứt điểm không ạ? Em xin cảm ơn! (thoaip...@gmail.com) |
|
Chào em,
Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã bị bệnh chàm khô ở đầu chi.
Nguyên nhân của chàm hiện nay chưa rõ. Tuy nhiên, yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của bệnh. Những người trong cùng một gia đình có thể có nhiều loại bệnh dị ứng khác nhau như suyễn, viêm mũi dị ứng, chàm… |
Chàm được phân ra làm nhiều loại như:
- Viêm da dị ứng: thường xảy ra ở người có cơ địa dị ứng.
- Chàm ở tay: gây ra bởi sự kích thích của hóa chất như bột giặt, chất tẩy rửa, găng tay cao su… hoặc không rõ nguyên nhân. Triệu chứng thường thấy là ngứa, da đóng vảy và bong tróc.
- Chàm đồng tiền: vết chàm có dạng tròn như đồng tiền, thường gặp ở người lớn. Chỗ bị chàm ngứa, da bị bong vảy từng mảng.
- Chàm thể tạng: hay gặp ở những người có cơ địa dãn tĩnh mạch. Da dễ bị kích thích, viêm và chân bị phù.
Bệnh chàm khô rất khó chữa trị, thường kéo dài dai dẳng nhưng lại không phải là bệnh nan y. Vì vậy, để điều trị đạt kết quả tốt, người bệnh thường phải tuân theo phác đồ sau:
- Chống ngứa bằng các thuốc kháng dị ứng như Chlorpheniramine, Cetirizine…
- Uống các loại vitamin nhóm B, C.
- Nếu có bội nhiễm dùng thêm kháng sinh histamin.
- Sử dụng corticoid bôi tại chỗ chứ không nên dùng K-cort vì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: teo cơ, xơ hóa cơ, teo da, áp-xe ngay chỗ chích…
Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa da liễu khám trực tiếp để nhận được chẩn đoán cũng như chỉ định điều trị kịp thời, thích hợp cho tình trạng của mình.
Ngoài ra, em cũng nên lưu ý những điều sau:
- Nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra trong quá trình dùng thuốc, hãy liên hệ trực tiếp với bác sĩ điều trị.
- Tái khám sau mỗi đợt điều trị để bảo đảm dứt điểm bệnh.
- Khi làm việc nhà nên mang bao tay, không tiếp xúc trực tiếp với xà bông, chất tẩy rửa.
- Tránh các loại thức ăn gây ngứa như cá biển, thịt bò, trứng vịt lộn, cua ghẹ.
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước.