| Khoảng vài tháng nay, em bỗng nhiên rất hay có những cơn đau ở phần hông và háng, đau đặc biệt tăng khi ngồi thẳng lưng hoặc đi bộ nhiều. Ban đầu các cơn đau chỉ âm ỉ nhẹ nhàng như ở bị thương ở ngoài da thôi, nhưng sau đó nó dần nặng lên và có cảm giác như nhức nhối tận sâu trong xương. Ngoài ra, thỉnh thoảng em còn phát hiện thấy cơ hông của mình hơi giật giật như khi bị tê chân vậy. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có mắc phải bệnh gì nguy hiểm không và cách xử lý ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (karra...@yahoo.com).
|
| Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải chứng nhuyễn xương.
Đây là một bệnh xương bị mất chất khoáng có tính chất lan tỏa, được đặc trưng bởi sự khiếm khuyết quá trình vô cơ hóa khung protein của xương. Mất khoáng xảy ra đặc biệt ở cột sống, khung chậu, chi dưới. Do xương mềm, trọng lượng cơ thể có uốn cong các xương dài, lún xẹp các đốt sống, dẹt hóa xương chậu, làm hẹp tiểu khung.
|
Nhuyễn xương có thể xảy ra khi cung cấp không đủ, chuyển hóa rối loạn và do mô không còn mẫn cảm với vitamin D. Bệnh thường gặp ở người ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hay khẩu phần ăn thiếu hụt vitamin D.
Một số thuốc dùng liều cao, uống kéo dài cũng có thể gây nhuyễn xương như thuốc chống động kinh (phenobarbital, phenyltoin), fluo, biphosphonat (etidronat), thuốc giảm toan chứa nhôm (hydroxyd nhôm).
Ngoài ra, rối loạn chuyển hóa phospho cũng có thể gây nhuyễn xương (đái tháo phospho). Ví dụ như hội chứng Fanconi, là bệnh lý ống thận, gây đào thải quá nhiều phospho qua thận, làm giảm phospho máu.
Về mặt lâm sàng bệnh nhuyễn xương cần phải được nghĩ tới khi gặp các triệu chứng sau:
- Đau xương lan tỏa và đau xương khi ấn. Đau háng làm ảnh hưởng đến dáng đi. Đau khung chậu, lồng ngực, vùng xương bả vai, cột sống..., bắt đầu âm ỉ, dần trở nên dai dẳng và thường xuyên.
- Suy giảm chức năng vận động do đau và giảm cơ lực gốc chi, rối loạn bước đi, dạng đi lạch bạch hay thậm chí phải nằm liệt giường.
- Biến dạng xương và gãy xương, ở giai đoạn muộn. Nhuyễn xương có thể gợi ý khi xuất hiện gãy xương sau một chấn thương tối thiểu.
- Cơn co giật tetani do còi xương gây ra bởi hạ calci máu.
Bệnh nhân nhuyễn xương cần được bổ sung vitamin D. Điều trị thành đợt, tùy theo nguyên nhân và mức độ nặng của bệnh. Cụ thể:
- Trong nhuyễn xương do thiếu hụt vitamin D, vitamin D2 (ergocalciferol) hay vitamin D3 (cholecalciferol) uống 800 - 4.000ĐV hằng ngày trong 6 - 12 tuần, sau đó dùng liều duy trì 200 - 600đv.
- Nhuyễn xương do kém hấp thu đòi hỏi liều cao hơn vitamin D, thậm chí cần đến 100.000đv/ngày, phối hợp với calci (calci carbonat 4g/ngày).
- Ở bệnh nhân dùng thuốc chống động kinh, cần dùng thêm vitamin D. Calcitriol (0,25- 1mcg uống 4 lần/ngày) có hiệu quả để điều trị giảm calci máu hay loạn dưỡng xương do suy thận mãn tính. Ngoài ra cũng cần phải dừng các loại thuốc có thể gây nhuyễn xương cũng như bổ sung thêm phospho nếu có rối loạn chuyển hóa phospho.
Vì vậy bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để được làm các xét nghiệm cần thiết. Từ đó nhận được chẩn đoán chính xác và chỉ định điều trị thích hợp, kịp thời đối với tình trạng của mình.
Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!