|
Đã 2 tháng rồi kể từ khi em lấy cao răng, nhưng không hiểu sao răng em vẫn luôn bị ê buốt khi ăn. Lúc đầu, tình trạng này chỉ xảy ra khi em ăn đồ quá nóng hoặc uống nước đá, nhưng dần dần nó càng xuất hiện nhiều hơn, thậm chí khi nhai em kẹo cao su hay súc miệng nước muối cũng bị. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có mắc phải bệnh gì nguy hiểm không và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (dinh_do...@yahoo.com). |
Chào em, Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải hội chứng răng nhạy cảm (hay còn gọi là ê buốt răng). Đây là hiện tượng răng bị ê buốt khi ăn, uống các loại thực phẩm có vị chua, ngọt, hoặc đồ ăn ở trạng thái quá nóng, quá lạnh. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến hội chứng này chính là việc ngà răng bị lộ. |
Trên thực tế, có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây lộ ngà răng như:
- Vỡ và rạn nứt răng do chấn thương.
- Mòn răng do nghiến răng, ăn thực phẩm cứng, chứa axit trong thời gian dài hoặc bị sâu răng, mất răng từng phần mà không làm phục hình...
- Sử dụng nước súc miệng hằng ngày nhiều lần trong thời gian dài vì trong nước súc miệng có chứa axit.
- Chải răng không đúng cách dẫn đến tụt lợi và xuất hiện tổn thương mất men tại cổ răng. Trong trường hợp này, bệnh nhân thường bị tổn thương trên nhiều răng với các mức độ nặng nhẹ khác nhau ở cả hai hàm.
Khi điều trị, việc đầu tiên là phải hạn chế các yếu tố nguy cơ, sau đó tùy vào tình trạng răng miệng và độ nhạy cảm ngà răng để đưa ra phương pháp cụ thể cho từng trường hợp.
Quan trọng nhất là bệnh nhân cần được hướng dẫn chải răng đúng cách. Cụ thể:
- Không chải răng quá mạnh và đưa ngang bàn chải mà phải chải nhẹ nhàng lên xuống.
- Nên dùng bàn chải lông mềm, thay bàn chải định kỳ 3 tháng/lần.
- Răng nhạy cảm cần được tăng cường chất lượng yếu tố bảo vệ (men răng, ngà răng) thông qua sử dụng kem đánh răng chuyên dụng, thuốc bôi hoặc nước súc miệng tại chỗ có chứa các thành phần hóa học như hydroxyapatite, fluoride, potassium nitrate...
Đồng thời, người bệnh phải hạn chế sử dụng các thực phẩm có khả năng gây kích thích tủy răng, dùng máng ngậm trong trường hợp nghiến răng, hàn các răng sâu...
Đối với những người bị mòn răng, tùy vào vị trí và mức độ sẽ được tiến hành phục hồi mô men răng đã mất bằng các vật liệu thay thế. Tuy nhiên, trong trường hợp tổn thương đã quá nặng, dẫn đến tụt lợi, răng bị mất tổ chức quá nhiều thì cần ghép tổ chức bù lại phần lợi bị tụt để che phủ chân răng và cổ răng.
Đôi khi, nếu không còn cách nào tốt hơn để ngăn chặn sự nhạy cảm tủy thì việc tiến hành điều trị tủy là cần thiết. Lúc đó, tủy răng sẽ được lấy bỏ và thay thế bởi các vật liệu nha khoa, bệnh nhân sẽ hoàn toàn mất cảm giác ê buốt.
Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho tình trạng của mình.
Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!