Gỡ rối chứng tức ngực khó thở mỗi khi đi thang máy

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 14/01/2015

Khá nhiều bạn đều gặp phải rắc rối này mỗi khi đi thang máy, thậm chí có bạn đành từ bỏ phương tiện di chuyển tiện lợi này.

Chào bác sĩ,

Cháu là nữ, năm nay cháu đang học năm cuối Đại học. Lần đầu tiên cháu đi thang máy là năm lớp 6, lúc đó cháu đã bị rơi vào trạng thái tức ngực, khó thở và chóng mặt. Sau đó, cháu ít khi đi và mỗi lần đi phải có người đi cùng bởi vì cháu vẫn tiếp tục gặp tình trạng như trên. Cháu nghĩ mình bị chứng sợ không gian hẹp nên có thử chui vào tủ quần áo và đóng lại nhưng vẫn thấy bình thường. Xin hỏi bác sĩ, tại sao cháu lại bị như vậy và làm thế nào để hết ạ?

Cháu cảm ơn bác sĩ. (meom…@gmail.com)

Trả lời:

Chào cháu,

Theo những biểu hiện mà cháu miêu tả, có thể cháu đã mắc phải chứng “sợ hãi khi đi thang máy”. Đây không phải là trường hợp hiếm bởi cũng có khá nhiều người gặp tình trạng như trên.

Nguyên nhân của chứng “sợ hãi khi đi thang máy”

Lý do gây nên tình trạng tức ngực, khó thở hay chóng mặt, choáng váng khi đi thang máy là do cơ thể của chúng ta bị rối loạn giữ thăng bằng.

Theo nguyên lý thông thường, khi cơ thể di chuyển, tai trong sẽ ghi nhận các chuyển động, mắt là bộ phận phát hiện sự di chuyển đó còn lòng bàn chân ghi lại áp lực khi chúng ta tiếp xúc với mặt đất, cùng với đó, các cơ và khớp xương sẽ ghi nhận sự chuyển động… Đây là hoạt động bình thường của một cơ thể khỏe mạnh.

Tình trạng “sợ hãi khi đi thang máy” sẽ xảy ra khi thần kinh trung ương nhận tín hiệu không đồng bộ. Nó dẫn đến sự rối loạn trong hoạt động của các bộ phận và gây nên tình trạng như trên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tốc độ di chuyển của thang máy càng cao thì mức độ ảnh hưởng càng lớn. Đặc biệt, nếu cháu bị say tàu xe hoặc có sức đề kháng kém thì điều này càng dễ xảy ra.

Gỡ rối chứng tức ngực khó thở mỗi khi đi thang máy  1

Cách xử lý

Để hạn chế tình trạng “sợ hãi khi đi thang máy”, cháu nên chú ý hơn tới việc ăn uống và rèn luyện để nâng cao sức khỏe cho bản thân. Đây là cách hiệu quả nhất giúp cháu thoát khỏi tình trạng này. Nếu sức khỏe hiện tại chưa tốt và chưa thể thực hiện các môn thể thao đòi hỏi thể lực khỏe, cháu có thể áp dụng các bài thể dục nhẹ nhàng hay tập yoga…

Bên cạnh đó, khi đi thang máy, cháu có thể thực hiện theo một số mẹo nhỏ sau để tránh sự sợ hãi và khó chịu:

- Đứng vào vị trí trung tâm, chính giữa lòng cabin để hạn chế sự sợ hãi.

- Không nên đi các thang máy đã cũ, có tiếng kêu lớn… Chính những điều này cũng làm tăng thêm mức độ sợ hãi, hoảng loạn, dễ gây ra chứng “sợ hãi khi đi thang máy”.

- Hạn chế đi thang máy dạng lồng kính bởi không gian này thường dễ gây nên sự hoang mang, sợ hãi…

- Tự tạo tâm lý tốt và yên tâm hơn khi đi thang máy bằng cách đi cùng người khác, đọc kỹ bảng hướng dẫn sử dụng thang máy để biết cách xử lý khi gặp sự cố…

Chúc cháu luôn khỏe mạnh.

Gỡ rối chứng tức ngực khó thở mỗi khi đi thang máy  2