"Giật mình giữa đêm" cảnh báo bệnh tâm lý đáng lo

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:01 17/07/2013
Chia sẻ

Hiện tượng này báo hiệu sức khỏe tâm lý chúng ta đang có vấn đề đấy!

"Giật mình giữa đêm" cảnh báo bệnh tâm lý đáng lo 1

Năm nay em 17 tuổi và là nữ. Khoảng 1 năm gần đây, em thường xuyên bị giật mình. Ban đầu nó chỉ xảy ra trong lúc ngủ, khi tỉnh dậy thì em không nhớ gì nhưng tinh thần trở nên hoảng loạn, tim đập nhanh và khó ngủ trở lại. Nhưng càng ngày triệu chứng này càng xuất hiện với tần suất nhiều lên, cho đến nay chỉ cần có người đi từ đằng sau vỗ vai nhẹ 1 cái hay nghe thấy âm thanh gì đó phát ra đột ngột là em liền giật thót mình, run cầm cập luôn. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có mắc phải bệnh gì nguy hiểm không và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (gee_gi...@yahoo.com).
"Giật mình giữa đêm" cảnh báo bệnh tâm lý đáng lo 2

Chào em,

Hiện tượng thường xuyên giật mình như em mô tả trong thư xảy ra ở rất nhiều người nhưng lại bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau, có thể do sinh lý hoặc do bệnh lý. Cụ thể:
1. Do sinh lý:

Tình trạng này xảy ra khi cơ thể suy nhược, mệt mỏi, căng thẳng thần kinh, phải lo lắng nhiều việc, lịch học quá nặng dẫn đến stress.

Thường gặp nhiều ở những người phải sống trong không gian chật chội lâu ngày hoặc chưa thích nghi với môi trường làm việc, học tập hay cuộc sống tại nơi ở mới... nên gây ảnh hưởng ức chế đến tâm lý.

Để khắc phục tình trạng trên, người bệnh đơn giản chỉ phải thay đổi lối sống và phân bố lại lịch làm việc cũng như sinh hoạt một cách hợp lý, đồng thời dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, luyện tập thể dục, hạn chế thức khuya, tránh stress...

2. Do bệnh lý:

- Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chứng giật mình có liên quan mật thiết đến một số hội chứng như nghiến răng, ngủ ngáy, tâm thần phân liệt, bệnh lý tim mạch...

- Ngoài ra, có 1 chứng rối loạn hiếm gặp có tên khoa học chính thức là Hyperekplexia cũng gây nên tình trạng giật mình.

Những người mắc chứng này có một phản xạ cực nhạy với sự va chạm và âm thanh, dẫn đến hiện tượng co cứng cơ bắp, gây ra các vấn đề về hô hấp, trường hợp nặng sẽ dẫn đến Hội chứng tử vong đột ngột (Sudden Infant Death Syndrome - SIDS).

Căn bệnh bắt đầu với nhiều tế bào gene đột biến, gây ra hậu quả là các tế bào thần kinh thất bại trong việc truyền thông tin đúng cách. Cụ thể là sự đột biến làm ảnh hưởng đến việc di chuyển giữa các tế bào của một phân tử được gọi là glycine.

Thông thường thì glycine gửi những tín hiệu làm giảm phản ứng của cơ thể khi bắt gặp sự đụng chạm hoặc âm thanh bất ngờ. Với những người bị chứng Hyperekplexia, não bộ không nhận được tín hiệu từ glycine và tác động từ âm thanh sẽ bị khuếch đại, gây ra những phản ứng nguy hiểm cho người bệnh.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em đừng nên chủ quan với những dấu hiệu tưởng chừng rất nhỏ này mà hãy nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa gần nhất khám trực tiếp. Từ đó, em sẽ nhận được chẩn đoán chính xác và chỉ định điều trị kịp thời, thích hợp cho tình trạng của mình.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

"Giật mình giữa đêm" cảnh báo bệnh tâm lý đáng lo 3
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày