Bác sĩ ơi cho em hỏi, dạo này em rất hay bị nhức đầu. Nhất là những lúc ngủ trưa dậy hay trưa nắng, em nhức đầu và mệt mỏi như muốn xỉu ấy. Còn có lúc đang ngồi chơi thì đầu tự nhiên đau nhói 1 tí rồi hết, nhói nửa đầu nhưng không cố định bên nào cả. Bác sĩ có thể cho em lời khuyên làm sao để điều trị bệnh đau đầu thường xuyên này không ạ? Em cám ơn bác sĩ! (tuyen...@gmail.com) Trả lời: Chào em,
Đau nhức đầu có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, có nguyên nhân là lành tính tuy nhiên cũng có những nguyên nhân gây đau đầu là do mắc một số bệnh nguy hiểm như viêm màng não.
Đau đầu căng thẳng còn gọi là đau đầu co cơ hoặc đau đầu tâm lý, rất hay gặp trong cuộc sống, nữ gặp nhiều hơn nam, chủ yếu ở tuổi trung niên, ít gặp ở trẻ em và vị thành niên, được cho là loại phổ biến nhất của đau đầu chính. Đau khởi phát từ từ, thường cả hai bên đầu, bắt đầu từ vùng dưới chẩm hoặc ở hai bên thái dương rồi lan ra cả đầu.
Đau nửa đầu (còn gọi là đau đầu Migraina), là một loại
đau đầu do căn nguyên mạch máu, xuất hiện thành từng cơn và nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ. Các triệu chứng của chứng đau nửa đầu bao gồm nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn, buồn nôn, nôn mửa và đau nhói dữ dội mà thường là ở một bên đầu.
Để phòng ngừa và điều trị bệnh đau đầu, em cần chú ý những điều sau:
Hãy quan tâm tới giấc ngủ: Cố gắng ngủ ít nhất từ 6 đến 8 giờ mỗi đêm, ngủ đúng giờ sẽ giảm triệu chứng đau đầu. Ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều có thể gây đau đầu.
Loại bỏ những căng thẳng không cần thiết: bằng cách nghỉ giải lao, thư giãn (có thể thư giãn bằng việc ngồi thiền, yoga hay xoa bóp)
Tập thể dục hợp lý: ngoài việc tăng sức đề kháng cho cơ thể còn có tác dụng đặc biệt với người bị đau đầu. Một người bị đau đầu nhiều hơn so với những người khác là do các endorphins ít hơn người khác. Vậy để giảm bớt đau đầu cần tăng endorphin. Việc tập thể dục đều đặn, thường xuyên sẽ làm tăng lượng endorphin giúp giảm đau đầu. Ngoài ra khi ngủ cũng nên chọn một chiếc gối có độ cao phù hợp để không làm cổ bị mỏi, nếu gối quá cao dễ làm xương ở vùng cổ bị ảnh hưởng, nếu quá thấp có thể cảm thấy khó chịu khi ngủ.
Không hút thuốc lá: Chất nicotil trong thuốc lá không chỉ có hại cho cơ thể mà còn làm triệu chứng đau đầu tăng lên.
Uống ít rượu: chất cồn trong rượu sẽ làm cơ thể bị mất nước, tăng triệu chứng đau đầu. Nếu phải uống rượu thì sau khi uống rượu nên uống nhiều nước.
Uống nhiều nước: 8 ly nước mỗi ngày được bác sĩ khuyên dùng để giảm những cơn đau đầu.
Giữ tư thế tốt cho cổ: Khi phải ngồi lâu trước màn hình máy tính thỉnh thoảng nên tập thể dục cho cổ bằng cách dùng tay massage nhẹ nhàng hoặc quay cổ nhẹ nhàng về hai phía để cổ không bị đau mỏi, cũng có tác dụng giảm cơn đau đầu.
Có chế độ ăn lành mạnh: Ăn thực phẩm chứa nhiều canxi, magie, kali… Không nên bỏ bữa, tránh để cơ thể bị đói, đói cũng là nguyên nhân gây đau đầu, nếu không ăn được nhiều cũng một lúc có thể chia nhỏ thức ăn để ăn thành nhiều bữa.
Tránh dùng nhiều cà phê: Mặc dù chất cafein trong cà phê có tác dụng giảm bớt cơn đau nhưng nếu dùng nhiều với mức độ thường xuyên sẽ gây ra căng thẳng và có khiến nguy cơ đau đầu gia tăng.
Các chất phụ gia trong thực phẩm, đồ ăn nhanh, đồ uống đóng chai cũng có thể là thủ phạm gây ra các cơn đau đầu. Chính vì thế em cần hạn chế những đồ ăn, uống có chất bảo quản, chất phụ gia. Phomat không được khuyến khích dùng với người cao tuổi bởi trong một số loại phomat có chứa tyramine- 1 hợp chất tự nhiên có thể gây ra sự giãn nở và co thắt mạch máu, dẫn tới đau đầu.
Nếu em cảm thấy quá mệt mỏi và ảnh hưởng tới công việc hàng ngày thì có thể dùng thêm thuốc bổ nhưng phải tham khảo theo chỉ dẫn của bác sĩ có chuyên môn em nhé.
Chúc em luôn khỏe mạnh!