Đủ loại bệnh tật tiềm ẩn khi bơi lội ở sông, hồ

, Theo Trí Thức Trẻ 12:00 15/05/2014
Chia sẻ

Không chỉ là các bệnh về da mà chúng ta còn có nguy cơ mắc các bệnh về mắt, đường hô hấp hay đường sinh dục nữa...

Bệnh ngoài da

Nguồn nước tại các sông, hồ hiện nay hầu hết đều rất bẩn và ô nhiễm. Các chất thải, vi trùng, vi khuẩn gây bệnh tiềm ẩn trong đó chính là nguyên nhân dẫn đến vô vàn các căn bệnh ngoài da. Bên cạnh khả năng mắc chứng dị ứng, bơi lội tại các sông, hồ còn gây nên các căn bệnh về da như viêm da do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm, viêm da tiếp xúc…

Các triệu chứng điển hình thường gặp là các vết đỏ, ngứa, các mụn nước nhỏ, nốt viêm, sưng nề, hóa mủ… Nghiêm trọng hơn, nếu điều trị không đúng cách hoặc gãi nhiều còn dẫn tới bội nhiễm vi khuẩn và gây viêm da nặng.

Các bệnh về mắt

Bơi lội, nhất là bơi ở các khu vực sông, hồ ô nhiễm được coi là con đường ngắn nhất làm lây nhiễm các bệnh về mắt như đau mắt đỏ, viêm hạt mắt, thậm chí là lậu mắt… Đặc biệt, trong thời gian nắng nóng cao điểm, cùng với việc các chất thải trong nước ở các khu vực trên ngày càng nhiều, khả năng lây nhiễm các bệnh về mắt cũng ngày càng cao.



Viêm tai

Do cấu tạo đặc biệt của tai, các nấm mốc, vi khuẩn trong nước sông, hồ sẽ dễ dàng đọng lại khi chúng ta bơi lội ở đó. Điều này tiềm ẩn một mối nguy hại khôn lường bởi nó có thể gây nên các bệnh lý ở tai, gây ngứa ngáy, đau nhức, viêm nhiễm… Nghiêm trọng hơn, nó còn dẫn tới bệnh viêm tai ngoài, nếu không được chữa trị kịp thời và chăm sóc tốt còn có thể gây thủng tai trong và xáo trộn thính giác kéo dài.

Bệnh đường hô hấp

Việc tiếp xúc, nhất là khi hít hay sặc phải nước bẩn ở ao, hồ, sông… có thể gây nên các bệnh lý về hô hấp như hen phế quản, viêm phổi thùy, viêm xoang… Điều này vô cùng nguy hiểm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng hô hấp của chúng ta.

Bệnh đường tiêu hóa

Các căn bệnh về đường tiêu hóa như lỵ trực khuẩn, tiêu chảy cấp, viêm dạ dày, viêm ruột cấp… hoàn toàn có thể lây nhiễm qua việc chúng ta bơi lội ở sông, hồ… Nguyên nhân là do các vi khuẩn gây bệnh này có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua nguồn nước ô nhiễm.

Bệnh đường sinh dục

Đây là những căn bệnh rất dễ xảy ra khi bơi ở nơi có nguồn nước không đảm bảo. Các bệnh lý viêm nhiễm, nấm phụ khoa, bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục có thể phát sinh do nước quá bẩn hoặc do lây từ người này qua người khác. Nó không chỉ gây ra sự khó chịu, khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày mà còn có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.



Tips giúp hạn chế bệnh tật khi đi bơi

- Chọn những bể bơi, hồ bơi được đảm bảo vệ sinh an toàn, tránh bơi ở sông, hồ, nơi có nguồn nước ô nhiễm…

- Nếu trên cơ thể đang có các vết thương hở hoặc đang mắc các căn bệnh về mắt, tai, viêm nhiễm phụ khoa…, chúng ta nên tạm dừng hoạt động bơi lội cho tới khi khỏi hẳn.

- Sau mỗi lần đi bơi, các bạn cần tắm rửa sạch sẽ để loại bỏ hết các chất bẩn đã bám dính vào cơ thể.

- Đeo kính bơi để bảo vệ mắt khi bơi, đồng thời sử dụng thuốc nhỏ mắt sau mỗi lần đi bơi để làm sạch và hạn chế các bệnh về mắt.

- Rửa sạch tai và làm khô bằng bông gòn sau khi đi bơi.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày