Chúng mình vẫn thường nghĩ "một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ" nhưng các ấy có biết, việc khóc cũng đem lại tác dụng chẳng hề thua kém gì tiếng cười đâu đấy!
Chúng mình “khóc” không chỉ khi buồn
Nước mắt của chúng mình được chia làm 3 loại:
- Loại thứ nhất: nước mắt thông thường, luôn hiện diện trong mắt. Những giọt lệ này có công dụng làm ướt nhãn cầu và rửa sạch bụi bẩn bên trong. Trong đó, mi mắt sẽ làm nhiêm vụ ngăn sự “thất thoát” của loại nước mắt này và nhờ vậy, đôi mắt của chúng mình sẽ luôn hoạt động được trơn chu, hoạt động thì linh hoạt hơn đó!
- Loại thứ hai được gọi là nước mắt phản xạ. Nó chỉ xuất hiện khi bụi hoặc vật thể nhỏ... rơi vào mắt chúng mình. Anh bạn này còn đột ngột có mặt khi các ấy cắt các loại rau có chứa mùi hương kích thích sự tiết nước mắt như hành tím, hành tây, hành lá... Lúc này, nước mắt đóng vai trò vệ sĩ, giúp mắt "đánh đuổi" những thành phần có khả năng gây hại cho mắt.
- Loại thứ ba là nước mắt cảm xúc. Nó sẽ dâng trào khi chúng mình có những bất ổn về tâm lí đó các ấy ạ!
Để bảo vệ sức khỏe, teen đừng ngại khóc nhé!
Các ấy biết không, một điều cực kì thú vị nữa là tuy giọt nước mắt có hình dáng giống nhau lúc tuôn rơi nhưng nếu chúng mình có tâm trạng khác nhau thì thành phần hóa học trong nước mắt cũng trở nên khác biệt.
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng: lượng protein trong nước mắt do cảm xúc sẽ nhiều hơn nước mắt phản xạ là 24%. Trong khi đó, lượng protein này là sản phẩm đáp trả của cơ thể với stress. Nó chứa chất giảm đau và có khả năng cải thiện chức năng tư duy. Vậy nên, nước mắt rơi khi lòng các ấy đang cảm thấy buồn bã hay lo lắng sẽ có tác dụng xoa dịu nỗi đau, là công cụ quan trọng để giải phóng áp lực tâm lí và loại bỏ độc tố trong cơ thể chúng mình. Tuy nhiên, nếu ấy khóc kiểu gào thét, khóc liên tục quá nhiều thì sẽ mất đi tác dụng trị liệu này. Thậm chí, nó chỉ làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp và khiến chúng mình mặt đỏ tía xấu xí thôi nha!
Mạnh mẽ không hẳn đã là tốt đâu nghen!
Nhiều ấy, đặc biệt là các bạn trai thường xem việc khóc là một điều xấu hổ. Nhưng thực tế, những giọt lệ bị kìm nén sẽ "trở mặt" khiến teen dễ bị trầm uất, suy giảm hệ miễn dịch và có nguy cơ mắc các bệnh như loét dạ dày, nhức đầu, mệt mỏi, tim mạch... Do vậy, người phương Tây cho rằng, khóc là một liệu pháp còn nếu ấy không khóc được thì đó lại là... thất bại do ấy đã chẳng bảo vệ được sức khỏe của mình.
Bên cạnh đó, teen cũng lưu ý nè, muốn tiếng khóc trở thành thuốc giảm stress, chữa lành tổn thương tâm lí... thì nó chỉ nên đủ liều lượng mà thôi và chỉ có những giọt nước mắt xuất phát từ tuyến yên (do bị cảm xúc đánh thức) mới có thể khiến nội tiết tố xuất hiện làm nhiệm vụ của vị bác sĩ điều trị tận tình mà thôi.
Kể cả đối với các teen boy, việc đè nén cảm xúc quá lâu, không dám khóc cũng sẽ gây ra tổn thương nặng nề, dần dần trở nên khó tính và dễ mất kiểm soát khi gặp chuyện bực mình. Thế nên hãy khóc khi cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mình tốt hơn teen nhé!