Chữa trị chứng bệnh "không thể giao tiếp" trước đám đông

Bác sĩ Mèo, Theo Mask Online 00:00 15/09/2014

"Sợ đám đông" gây ảnh hưởng rất lớn tới học tập và công việc của chúng ta.

Chào bác sĩ,

Em năm nay 19 tuổi. Từ nhỏ tới giờ em đã rất nhút nhát, ngại tiếp xúc với đám đông, nhất là lúc phải đứng nói trước nhiều người thì em run lắm ạ, mồ hôi đầm đìa mà tay chân run lẩy bẩy. Em thực sự không biết làm cách nào để hết run nữa. Mong bác sĩ tư vấn giúp em.

Em cảm ơn bác sĩ. (mot…@gmail.com)

Trả lời:

Chào em,

Có rất nhiều người gặp phải biểu hiện như run rẩy, tim đập nhanh, có cảm giác nghẹt thở, đỏ mặt, ấp úng khi nói, ra nhiều mồ hôi… khi giao tiếp hay đứng trước đông người. Đây là những biểu hiện của chứng "sợ đám đông". Điều này ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống hàng ngày của chúng ta, kể cả trong học tập hay công việc.

Nguyên nhân

- Do di truyền: Nghe rất lạ nhưng trên thực tế, chứng bệnh "sợ đám đông" này cũng có thể là do di truyền từ những người trong gia đình.

- Do sinh hóa học: Sự mất cân bằng serotonin trong não sẽ khiến chúng ta nhạy cảm hơn và hay bị sợ hãi khi giao tiếp với nhiều người. Ngoài ra, amygdala trong não bộ cũng là một “thủ phạm” gây nên phản ứng sợ hãi cho chúng ta khi đứng trước đám đông.

- Do môi trường sống: Khi phải tiếp xúc với một môi trường hay hoàn cảnh mới, nhiều người xa lạ mà khả năng thích nghi kém, chúng ta cũng có thể mắc phải chứng bệnh này.



Cách chữa trị

- Thay đổi trong sinh hoạt: Ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, tập luyện thể thao… sẽ giúp nâng cao sức khỏe, từ đó điều hòa các hoạt động ở não, giúp em lấy lại sự tự tin. Đặc biệt, hãy tăng cường các thực phẩm như chocolate đen, cá, các loại đậu, hạt lanh… Đây là những thực phẩm rất tốt trong việc cải thiện tâm trạng, giúp em giảm thiểu cảm giác lo âu, sợ hãi.

- Chữa trị tâm lý: Em có thể tự chữa trị cho mình bằng các cách như tập nói trước gương, tập nói chuyện với 1 – 2 người trước và tăng dần số người lên, hạn chế suy nghĩ tới sự sợ hãi khi giao tiếp, tập nhìn vào mắt đối phương khi giao tiếp… Thực hiện các phương pháp này một cách từ từ sẽ giúp em thích nghi dần với việc giao tiếp nơi đông người. Ngoài ra, em cũng có thể tới gặp bác sĩ tâm lý nếu không tự mình thực hiện được những cách trên.

- Sử dụng thuốc: Nếu các cách trên vẫn không “hiệu nghiệm”, em có thể sử dụng các loại thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm… để điều trị. Tuy nhiên, việc điều trị bằng thuốc cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.