| Em là con gái, 15 tuổi. Ngay từ hồi còn nhỏ em đã có một tật xấu là nghiến răng trong lúc ngủ. Càng lớn thì hiện tượng này càng xuất hiện với tần suất nhiều hơn, không chỉ lúc ngủ mà cả những khi em chú tâm vào làm việc gì đó như xem tivi hay đọc sách là vô thức em lại nghiến răng, thậm chí có lần nghiến mạnh đến sái cả hàm, đau hết một bên má thì em mới giật mình nhận ra. Mong bác sĩ tư vấn cho em cách điều trị dứt điểm tật xấu này với ạ! Em xin cảm ơn! (minh.tr...@gmail.com).
|
| Chào em,
Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em chỉ bị tật nghiến răng đơn thuần mà thôi.
Đây là hiện tượng nghiến hoặc xiết chặt một cách quá mức của các răng ở hai hàm trên và dưới xảy ra ở mọi lứa tuổi, có thể phát ra tiếng ken két hoặc không. Nghiến răng hay diễn ra vào lúc ngủ, nhất là khi ngủ sâu. Đôi khi cũng thấy nghiến răng ban ngày, khi bị căng thẳng hay lo âu.
|
Nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến hiện tượng này cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. C
ó 2 nguyên nhân chính thường liên quan đến tật nghiến răng là:- Do các răng hàm trên và hàm dưới mọc lệch lạc, không thẳng hàng, không khít khi khép dẫn đến chỗ tiếp xúc không ăn khớp nên theo phản xạ, hai hàm răng sẽ có xu hướng cọ xát vào nhau, nghiến chặt lại.
- Stress: nguyên nhân tâm lý cũng có thể làm người bệnh cảm thấy lo âu, căng thẳng, kích động hay xúc cảm quá mức. Nghiến răng được xem là phản ứng đối với sự căng thẳng thần kinh và phần lớn là ở những người có hệ thần kinh dễ bị kích thích. Ban đêm, khi ngủ, stress có thể gây nên một áp lực đối với răng, làm hai hàm răng nghiến chặt vào nhau.
Hiện tượng này xảy ra thường xuyên cũng không làm ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nghiến răng mạnh đến mức gây ra tiếng ken két trong lúc ngủ và gặp phải các triệu chứng tiêu cực như:
- Mòn răng: tùy mức độ nghiến răng, thời gian nghiến răng và độ cứng mô răng mà mức độ mòn răng là nhiều hay ít. Mặt tiếp xúc của răng bị mòn thấp xuống trở nên phẳng dẹt. Có nhiều trường hợp nghiến răng mạnh đến nỗi làm vỡ men bờ cắn ở mặt ngoài răng trước dưới và mặt trong răng trước trên.
- Lộ phần lớp ngà bên trong men răng làm tăng nhạy cảm với thức ăn nóng và lạnh.
- Có thể bị nhức đầu âm ỉ mỗi sáng thức dậy.
- Đau tai do co thắt mạnh cơ hàm.
- Co, căng và đau cơ hàm.
- Rối loạn cơ và khớp thái dương hàm (cử động khó hoặc phát tiếng kêu).
Điều trị tật nghiến răng trước tiên nhằm ngăn ngừa tổn thương vùng răng miệng và giảm đau các cơ nhai, cơ vùng mặt.
Tùy theo nguyên nhân nghiến răng có phác đồ điều trị thích hợp như sau:- Nếu bị stress: Điều trị chủ yếu bằng tâm lý liệu pháp và thư giãn (thể dục, thiền tâm...). Có thể sử dụng thuốc gây giãn cơ để tạm thời giảm co thắt cơ hàm. Việc sử dụng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ.
- Do cắn khớp: cần đến khám bác sĩ răng hàm mặt, có thể sẽ phải làm chỉnh hình răng để có khớp cắn tốt hơn, hoặc bác sĩ sẽ có những dụng cụ giúp bảo vệ răng tránh tổn thương trong trường hợp nghiến răng quá nặng. Hiện nay, dụng cụ giúp hạn chế tật nghiến răng là mang máng nhai. Dụng cụ này có tác dụng ngăn chặn sự phá hại răng, làm giảm tình trạng đau cơ và khớp thái dương - hàm.
Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!