18 tuổi rồi mà vẫn chẳng dậy thì

Lê Giang - Theo PLXH, Theo 00:00 12/11/2011
Chia sẻ

Người ta gọi đó là hiện tượng dậy thì muộn đấy các ấy ạ!

Tuổi dậy thì ở XX thường trong khoảng 9 - 14 còn ở XY là 11 - 15 tuổi. Tuy nhiên, nhiều bạn lại gặp phải trường hợp “mãi chẳng thấy mình lớn” gây cảm giác hoang mang, lo lắng. Như vậy là sao nhỉ?

Thế nào được coi là dậy thì muộn?

Dậy thì là khoảng thời gian mà chúng mình chuyển từ một đứa trẻ thành người lớn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do các hormone giới tính (testosterone ở nam và estrogen ở nữ) trong cơ thể sẽ bắt đầu sản xuất nhiều hơn so với trước đó.

Nếu là girl, núi đôi của các ấy sẽ bắt đầu phát triển, xuất hiện “tóc” ở vùng kín và đặc biệt là “cô nàng nguyệt san” sẽ ghé thăm chúng mình hàng tháng. Bên cạnh đó, hình dáng cơ thể cũng thay đổi, hông sẽ to hơn và các đường cong “chết người” sẽ xuất hiện.

Nếu là boy, chiếc cằm sẽ đón anh bạn râu, “tóc” cũng kết bạn với đèn dầu, kích thước đèn dầu và tinh hoàn sẽ to hơn. Cơ thể các ấy cũng có những thay đổi như vai mở rộng và các chàng sẽ bắt đầu có bắp thịt.

Dậy thì muộn là khi teen đã ngoài độ tuổi dậy thì mà vẫn có sự xuất hiện của ít nhất một biểu hiện như trên. Thậm chí, nhiều trường hợp ngoài 20 tuổi rồi mà cơ thể vẫn không có dấu hiệu dậy thì nữa cơ.

Vì sao tớ lại bị dậy thì muộn?

Nguyên nhân đầu tiên có thể là do di truyền đấy các ấy ạ! Nếu những người thân trong gia đình có truyền thống dậy thì muộn thì khả năng các ấy sẽ phải “tiếp nối” là rất cao. Trong trường hợp này thì teen có thể hoàn toàn yên tâm, việc “phổng phao” như các teen khác chắc chắn sẽ đến với ấy, chỉ có điều là nó sẽ muộn hơn một chút thôi.

Những bạn nào bị suy dinh dưỡng, ăn không đủ bữa hay không đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể cũng có nguy cơ dậy thì muộn. Bên cạnh đó, ấy nào mắc chứng biếng ăn, rối loạn ăn uống hay thường xuyên áp dụng chế độ giảm cân sẽ khiến cơ thể chúng mình không thể phát triển tốt được đâu nha!

Một số loại thuốc bạn uống (thuốc kháng sinh, cảm cúm liều cao…) cũng có thể kìm hãm sự phát triển của các hormone sinh dục, khiến chúng mình lớn chậm hơn. Cũng không loại trừ khả năng các ấy mắc bệnh về thận, hen suyễn nặng hay tiểu đường khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc phát triển.

Ngoài ra, dậy thì muộn cũng liên quan đến các vấn đề trong tuyến yên hoặc tuyến giáp bởi những “anh bạn này” có nhiệm vụ sản xuất hormone cho sự tăng trưởng của cơ thể đấy mà!

Tip nhỏ cho teen bị hiện tượng này ghé thăm

Trước tiên, ấy cần tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến mình “chậm lớn” để tìm cách khắc phục nhanh nhất. Nếu như là do di truyền thì teen hãy kiên nhẫn chờ đợi, tránh việc căng thẳng, xấu hổ trước trêu chọc của bạn bè. Đừng để stress khiến chúng mình thêm rối loạn, mệt mỏi, khiến tuổi dậy thì càng đến muộn hơn.

Với các XX, nếu đã 14 tuổi mà ấy vẫn chưa xuất hiện một dấu hiệu sinh dục phụ nào hoặc trên 16 tuổi mà chưa xuất hiện kinh nguyệt thì các nàng nên đi khám để các bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe, tìm nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp nhé! Tất cả những rối loạn hoạt động ở vùng dưới đồi, tuyến yên hoặc những dị tật bẩm sinh ở buồng trứng đều cần được điều trị sớm mới không ảnh hưởng đến quá trình dậy thì của chúng mình.

Còn đối với những XY đang có cường độ vận động quá nhiều thì cần giảm bớt khối lượng một cách thích hợp hoặc điều chỉnh phương pháp tập luyện thì mới có được sự dậy thì tự nhiên. Và đối với những bạn dậy thì muộn mà không rõ nguyên nhân thì các ấy hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn đầy đủ nghen!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày