iPhone hiện nay đích thị là một trong những nhân tố đứng đầu thế giới smartphone về cả danh tiếng lẫn chất lượng, chưa từng có giây phút nào nghỉ ngơi trong cuộc chiến cạnh tranh với những kỳ phùng địch thủ cứng đầu khác. Thiết kế thanh thoát, giao diện tối ưu và tốc độ bền bỉ chính là những ưu điểm lớn khiến ai nấy cũng dễ bị hút hồn và thuyết phục. Thế nhưng, điều đó chưa hẳn đồng nghĩa với việc bất kỳ ai cũng thông thạo và hiểu rõ mọi ngóc ngành về iPhone dù đã trải qua bao nhiêu năm gắn bó - điển hình là hiểu lầm tai hại về một hành động rất hay diễn ra khi dùng iPhone: Liên tục tắt hẳn ứng dụng ở trình giao diện quản lý đa nhiệm.
Không nhất thiết phải tắt hẳn các ứng dụng hiện lên trong trình đa nhiệm của iOS.
Khác với Android có thể tắt ứng dụng nhờ nút "Back", hệ điều hành iOS của Apple tích hợp cử chỉ nhấn chạm 2 lần nút Home (iPhone 8 trở về trước) hoặc vuốt lên từ thanh tương tác (iPhone X trở về sau) mới làm được điều tương tự. Khi ấy, trình quản lý tác vụ đa nhiệm sẽ hiện lên, cho thấy tất cả những ứng dụng đang được mở và chạy ngầm để chủ nhân quyết định có "quẹt" tắt đi hoàn toàn hay không. Dần dần, nhiều người sẽ hình thành một thói quen cố định, mặc nhiên phải tắt hoàn toàn mọi ứng dụng ở trình tác vụ này mỗi khi kiểm tra trên iPhone của mình.
Nguyên nhân chính dẫn đến thói quen này là quan điểm thường thấy cho rằng nhiều ứng dụng chạy ngầm cùng lúc mà không được tắt đi hoàn toàn sẽ làm chậm và tốn tài nguyên. Do vậy, smartphone sẽ bị ảnh hưởng và dần trở nên trì trệ, không xử lý mượt mà so với bình thường. Điều này đã được chứng minh và không phải không có cơ sở.
Tuy nhiên, những điều kiện đó sẽ trở nên vô nghĩa hoàn toàn khi áp dụng với iPhone hay hệ điều hành iOS. Tất cả đã được chính Apple lên tiếng khẳng định và làm rõ với người dùng trong vài năm trở lại đây, đính chính hiểu lầm trước đó của nhiều người:
"Danh sách những ứng dụng khác hiện lên ở trình đa tác vụ mà chưa tắt hẳn không có nghĩa chúng đang chạy ngầm với 100% công suất khiến iPhone bị hao mòn và tiêu tốn sức mạnh. Thực chất, các app đó đã được hệ thống đặt vào chế độ chờ, tối ưu hóa cho mọi tác vụ cần thiết khác khi bạn chưa có nhu cầu sử dụng đến chúng."
Thậm chí, hành động cố tình tắt đi ứng dụng chờ còn có tác dụng ngược lại.
Như vậy, mối lo về việc ứng dụng chờ gây ngốn tài nguyên máy và khiến iPhone chậm lại đã được Apple phủ nhận và gạt phăng hoàn toàn. Theo lời họ, chúng đã gần như bị "đóng băng" và cô lập khỏi việc tiêu tốn sức mạnh của chip. RAM cũng như các phần cứng khác. Đây cũng là ưu thế độc tôn của iOS được nhiều chuyên gia uy tín đánh giá cao hơn hẳn so với Android.
Thậm chí, việc không hiểu rõ và vẫn cố tình tắt ứng dụng hoàn toàn đi khỏi chế độ chờ còn gây hại nhiều hơn cho iPhone. Tại sao lại như vậy? Lý do xuất phát từ việc nếu ứng dụng ở chế độ chờ sẵn, chúng sẽ được tái khởi động và trở lại guồng làm việc cũ rất nhanh. Trong khi đó, nếu bị tắt hoàn toàn rồi bật mới, hệ thống sẽ mất nhiều công đoạn xử lý nhỏ lẻ hơn, dần gây tốn pin và thêm nhiều tác dụng phụ khác về lâu về dài. Trường hợp duy nhất mà bạn nên tắt hoàn toàn ứng dụng đi là lúc thế hệ iPhone của bạn quá cũ, sức mạnh của nó không đủ để duy trì nhiều app ở chế độ chờ mượt mà như trước nữa.