Sự thật về "viên ngọc" kỳ lạ trên đầu rắn hổ mang chúa có thể cứu mạng người: Có kỳ diệu như dân gian truyền miệng?

L.T, Theo Pháp Luật & Bạn Đọc 22:27 29/08/2020

Nếu bị rắn hổ mang cắn mà không được chữa trị kịp thời có thể dẫn tới mất mạng nhanh chóng, vì vậy dân gian đã truyền miệng về cách hút nọc độc của rắn bằng "viên ngọc" trên chính cơ thể nó. Liệu phương pháp này có thực sự đúng và cứu được mạng người?

Rắn hổ mang chúa, hay còn có tên gọi là rắn hổ mây, nổi tiếng là loài rắn độc nhất nhì thế giới. Chúng chủ yếu ở các rừng nhiệt đới trải dài từ Ấn Độ đến khu vực Đông Nam Á. Vậy nên, việc vô tình chạm chán hoặc bị rắn hổ mang cắn là điều không ai lường trước được.

Rắn hổ mang chúa được đánh giá là loài nguy hiểm và đáng sợ trong phạm vi sinh sống của chúng mặc dù loài rắn này không chủ động tấn công con người.

Sự thật về viên ngọc kỳ lạ trên đầu rắn hổ mang chúa có thể cứu mạng người: Có kỳ diệu như dân gian truyền miệng? - Ảnh 1.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nọc độc của rắn hổ mang chúa chủ yếu thuộc nhóm neurotoxin (độc tố thần kinh), như haditoxin và một vài hợp chất khác. Rắn hổ mang chúa có khả năng giáng một vết cắn "chí mạng" tương đương với trường hợp nạn nhân bị tiêm vào cơ thể một lượng lớn nọc độc với liều lượng khoảng 200 đến 500mg.

Nọc độc tấn công hệ thần kinh trung ương của nạn nhân, dẫn đến đau nhức, mờ mắt, chóng mặt, buồn ngủ, và cuối cùng tê liệt. Nếu tình trạng nghiêm trọng, chất độc tiến đến hệ tuần hoàn, nạn nhân rơi vào trạng thái hôn mê, tử vong do bị suy hô hấp. Vết cắn của rắn hổ mang chúa có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng chỉ sau 30 phút. Độc của rắn hổ mang chúa thậm chí được ghi nhận có khả năng giết chết một con voi trưởng thành trong vòng vài giờ.

Truyền thuyết về phương pháp chữa bệnh thần kỳ bằng "viên ngọc" rắn

Dù là loài có nọc độc chết người như vậy nhưng rắn hổ mang chúa là biểu tượng nổi bật trong thần thoại và truyền thống dân gian tại Ấn Độ, Sri Lanka và Myanmar; được tôn sùng trong các tín ngưỡng văn hóa Hindu giáo ở tiểu lục địa Ấn Độ.

Ở Ấn Độ, rắn hổ mang chúa có trên cổ thần Shiva và người dân còn lập hẳn 1 ngôi đền để thờ cúng loài này và nó được xem là Nagraj (vua rắn).

Còn đối với văn hóa Ai Cập, biểu tượng rắn hổ mang chúa xuất hiện trên vương miện của các pharaoh trong thời kỳ cổ đại để thể hiện quyền lực và sức mạnh của các vị vua. Người Ai Cập cổ đại cũng tôn thờ rắn hổ mang chúa như 1 vị thần đáng kính, đáng nể.

Ngày nay, các nhà khoa học đã chế được một số loại huyết thanh kháng độc được dùng điều trị rắn cắn. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của ngày nay, còn xa xưa, người ta đã lưu truyền một phương thuốc dân gian chữa rắn cắn. Đó là dùng chính viên Đá rắn (snake-stone) hay còn gọi là Ngọc rắn (snake's pearl), tiếng Ấn Độ gọi là Nagamani, để chữa bệnh.

Sự thật về viên ngọc kỳ lạ trên đầu rắn hổ mang chúa có thể cứu mạng người: Có kỳ diệu như dân gian truyền miệng? - Ảnh 2.

Đây là một "viên ngọc" nhỏ to bằng hạt đậu của rắn hổ mang chúa mà người ta thường dùng một lưỡi dao ấn nhẹ phía trên đỉnh đầu của con rắn để lấy nó ra.

Dân gian truyền tai nhau rằng đặt "viên ngọc" vào vị trí bị rắn độc cắn và buộc cố định vào đó rồi để một vài ngày. "Viên ngọc" được cho là sẽ giúp hút nọc độc từ vết cắn.

Sự thật về viên ngọc kỳ lạ trên đầu rắn hổ mang chúa có thể cứu mạng người: Có kỳ diệu như dân gian truyền miệng? - Ảnh 3.

Nhà vật lý, thiên văn và địa lý học nổi tiếng người Ba Tư Muhammad al-Qazwini từng viết rằng: "Thả "viên ngọc" rắn vào nước ấm hoặc sữa chua rồi ngâm vết thương bị rắn cắn vào đó để viên đá có thể hút nọc rắn ra bên ngoài".

Sự thật về tác dụng thần kỳ của "viên ngọc" rắn

Đã có rất nhiều những câu chuyện hư cấu và cả thần thoại được lan truyền để người ta tin vào sức mạnh và tác dụng thần kỳ của "viên ngọc" rắn. Thậm chí, ở Ấn Độ, năm 2015, 3 tên lừa đảo đã dùng thủ đoạn để lừa người dân và bán một "viên ngọc" rắn với giá 1.000 rupee (tương đương 316 ngàn đồng). Sau đó, bọn chúng đã bị bắt giữ vì tội lừa đảo.

Những viên đá rắn có kích thước khác nhau

Thực tế, "viên ngọc" rắn trên đầu của hổ mang chúa chỉ là một phần xương của con rắn và đôi khi có thể xuất hiện ở cả phần đuôi.

Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố rất rõ ràng rằng "viên ngọc" rắn không có tác dụng đối với vết rắn độc cắn. Họ nêu rõ rằng nên tránh dùng các loại thuốc truyền thống và các phương pháp điều trị khác như rạch hoặc cắt bỏ vết thương, hút hoặc đắp “viên đá” rắn vào vị trí vết thương.

Nhiều nhà khoa học cũng đưa ra nghiên cứu cho thấy việc sử dụng "ngọc rắn" để chữa vết rắn cắn thậm chí còn gây nguy hiểm. Một nghiên cứu của Ấn Độ năm 2006 có tên "Snakebite Envenomation in India: A Rural Medical Emergency" cho biết: "Phương pháp phản khoa học như chữa lành vết thương bằng 'ngọc rắn' đã làm chậm trễ thời gian tìm kiếm các phương thức chữa trị y tế thích hợp".

Nguồn: Timesofindia, Sciencedirect