Những ngày vừa qua, mạng xã hội Trung Quốc được phen xôn xao trước bức ảnh "bé gái Nhật Bản nhường ghế trên tàu điện ngầm".
Trong bức ảnh, cô bé đáng yêu đội chiếc mũ màu nâu, mặc áo trắng váy xanh và xách túi giống như người lớn, đương nhiên phải kèm theo phụ kiện không thể thiếu trong mùa dịch bệnh Covid-19 chính là chiếc khẩu trang. Mặc dù chiếc khẩu trang hình thù ngộ nghĩnh đã che mất quá nửa gương mặt bé, nhưng người ta vẫn có thể dễ dàng nhìn ra sự xinh xắn và dễ thương của cô bé với đôi mắt to tròn long lanh.
Theo một số nguồn tin của dân mạng Trung Quốc, bé gái trong bức ảnh đến từ thành phố Kobe, Nhật Bản. Tuy trên tàu điện ngầm còn rất nhiều ghế trống, nhưng cô bé không ngồi mà để dành vị trí đó cho những người lớn phải đi làm vất vả, đây được cho là luật bất thành văn ở đất nước mặt trời mọc. Thông tin này nhanh chóng được dân mạng ở đất nước tỷ dân truyền tai nhau, một số blogger và các phương tiện truyền thông cũng vào cuộc, hết lời ca ngợi bé gái "vừa xinh đẹp lại hiểu chuyện".
Một số người khác lại phao tin cô bé trong ảnh đang tự đi học một mình. Thậm chí, có người còn cảm nhận được "sự tự tin và dũng cảm ngập tràn" trong đôi mắt lộ ra bên ngoài lớp khẩu trang của bé gái.
Thế nhưng, vào ngày 8/7 vừa qua, mẹ của cô bé xinh xắn này đã chính thức lên tiếng về những thông tin sai lệch đang được lan truyền trên mạng xã hội. Người phụ nữ với nickname Ốc Sên Của Dải Ngân Hà đã đăng tin đính chính cả hai mẹ con họ đều là người Trung Quốc. Bên cạnh đó, chị cũng khẳng định đã có người cố ý thêu dệt những thông tin sai lệch để bịa chuyện thu hút sự chú ý của dư luận.
Người mẹ cho biết, con gái bé bỏng của chị không hề "nhường ghế" cho ai cả, cô bé chỉ đơn giản là muốn đứng mà thôi. Chị cũng tiết lộ đang làm việc với luật sư để nhờ pháp luật can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho mẹ con mình.
Theo chia sẻ của người mẹ, bé gái xinh xắn trong bức ảnh nổi tiếng năm nay 2 tuổi. Cô bé đã bắt đầu làm người mẫu từ khi còn rất nhỏ. Mẹ bé cũng vui vẻ khoe thêm với cộng đồng mạng một số hình ảnh đẹp của con gái mình trên tàu điện ngầm.
Rất nhiều tài khoản đăng tải thông tin sai sự thật về bức ảnh kể trên đã lập tức xoá bài viết liên quan ngay sau đó. Sự việc này đã khiến "cõi mạng" Trung Quốc dậy sóng không nhỏ. Đa phần mọi người đều tỏ ra bất bình trước câu chuyện bịa đặt vô căn cứ nhằm thần thánh hoá một số chi tiết liên quan đến Nhật Bản: "Chẳng hiểu tại sao phải bịa chuyện như thế luôn ấy?", "Ủa, bịa vậy để làm gì? Ngoài mấy cái like share vô nghĩa ra thì còn được cái gì khác nữa à?", "Thật sự không hiểu sao cứ phải nói là người Nhật mới chịu?", "Biết là Nhật Bản có nhiều nét văn hoá hay ho, nhưng 'chém gió' như thế này thì hơi quá đà rồi đấy.", "Từ một bức ảnh bình thường mà có thể bịa nguyên cả câu chuyện, rồi còn lôi cái gì mà luật bất thành văn nhường ghế cho người đi làm nữa chứ, thật nực cười!", "Nhiều người ngộ ghê, cứ phải là người Nhật mới tốt, mới đáng được ca ngợi hay sao?", "Chưa kiểm chứng thông tin mà đã đăng tải rộng rãi, kiểu người này nên bị kiện lắm.", "Rồi bịa chuyện xong có gì vui không? Đến lúc ra hầu toà thì lại ngồi đó mà khóc.", "Chỉ một bức ảnh thôi mà đổi luôn cả quốc tịch của người ta thế à?", "Kể cả người Nhật có nhiều đức tính tốt, nhưng cũng không đến nỗi phải đổi quốc tịch của người ta như vậy chứ?", "Hãy kiện hết mấy kẻ đưa tin sai lệch đi. Cũng mong toà án sẽ xử phạt bọn họ thật thích đáng!"...
Năm ngoái, dân mạng Trung Quốc cũng từng phẫn nộ tột độ khi bức ảnh người dân xếp hàng ngay ngắn ở một ga tàu điện ngầm tại Bắc Kinh bỗng nhiên bị chia sẻ rộng rãi với lời chú thích... sự việc diễn ra tại Nhật Bản.
Nguồn: 163