Sự thật đau thương phía sau những con voi lộng lẫy tại lễ hội lớn nhất Sri Lanka: Cơ thể 70 tuổi gầy yếu, da bọc xương đến xót xa

HN, Theo Helino 21:47 14/08/2019

Sau những buổi diễu hành náo nhiệt nhằm ban phước lành cho người dân Sri Lanka, Tikiri trút bỏ lớp áo lộng lẫy, để lộ thân hình xương xẩu còm cõi khiến bất cứ ai nhìn thấy đều phải đau lòng.

Tikiri là một cụ voi 70 tuổi tại sống Kandy, Sri Lanka. Cụ cùng hơn 60 cá thể voi khác nơi đây cứ đến tháng 7 hoặc tháng 8 hằng năm đều thực hiện "nhiệm vụ thiêng liêng," là đi diễu hành trên đường phố trong Perahera - lễ hội Phật giáo lớn nhất và lâu đời nhất của đất nước này.

Trong suốt 10 ngày của lễ hội, Tikiri cũng bạn bè của mình được khoác lên người những tấm vải tựa như chiếc áo cà sa lộng lẫy tinh xảo, đeo một chiếc mặt nạ sắc sỡ, lấp lánh dưới ánh đèn, phủ hết cả tai và vòi.

Sự thật đau thương phía sau những con voi lộng lẫy tại lễ hội lớn nhất Sri Lanka: Cơ thể 70 tuổi gầy yếu, da bọc xương đến xót xa - Ảnh 1.

Hàng nghìn người đứng hai bên đường chờ các đoàn vũ công và đoàn voi hộ tống đi ngang qua để chiêm ngưỡng những điệu múa truyền thống bắt mắt, và để được ban phước lành.

Nhưng với bộ trang phục lộng lẫy và ánh đèn lung linh suốt đêm, chẳng ai nhận ra những giọt nước mắt rơm rớm đang xảy ra trên mắt chúng. Bởi nếu lột bỏ đi bộ trang phục lộng lẫy ấy, một cảnh tượng cực kỳ đau lòng sẽ lộ ra trước mắt, khiến tất cả chẳng thể cầm lòng được.

Sự thật đau thương phía sau những con voi lộng lẫy tại lễ hội lớn nhất Sri Lanka: Cơ thể 70 tuổi gầy yếu, da bọc xương đến xót xa - Ảnh 2.

Mới đây Lek Chailert, người sáng lập Tổ chức Giải cứu Voi đã đăng một bài viết trên trang cá nhân vào Ngày Voi Thế giới (12/8), với tựa đề "Không ai nhìn thấy giọt nước mắt của Tikiri".

Theo như chia sẻ của Chailert thì Tikiri và hơn 60 con voi khác phải làm việc trong suốt 10 đêm liên tiếp vào Lễ hội Perahera. Chân chúng bị xích lại để đi chậm hơn lúc diễu hành. Phía sau lớp áo và chiếc mặt nạ lộng lẫy là thân hình hốc hác, gầy đến trơ xương, khuôn mặt già nua hằn lên vẻ buồn rầu, mệt mỏi.

"Mỗi tối, Tikiri tham gia vào cuộc diễu hành từ sớm cho đến tận đêm khuya trong suốt mười ngày liên tiếp, giữa tiếng ồn ào, pháo hoa và khói. Cụ voi phải di chuyển nhiều cây số mỗi đêm để phục vụ người dân trong suốt nghi thức." - Chailert viết.

"Không ai nhìn thấy cơ thể xương xẩu hay sự yếu ớt của cụ bên trong bộ lễ phục. Không ai nhìn thấy những giọt nước rơm rớm trên đôi mắt bị tổn thương do ánh đèn chói lóa trang trí trên những chiếc mặt nạ. Và cũng không ai thấy những bước chân khó nhọc khi cụ bước đi với đôi chân bị người ta xích lại…"

"Sao chúng ta có thể cho đó là ban phước gì đó được nếu như đang làm tổn hại đến những sinh linh khác? Hôm nay là Ngày Voi Thế giới. Chúng ta sẽ không thể mang đến một thế giới hòa bình cho loài voi nếu vẫn nghĩ rằng những hình ảnh này là điều có thể chấp nhận được."

Sự thật đau thương phía sau những con voi lộng lẫy tại lễ hội lớn nhất Sri Lanka: Cơ thể 70 tuổi gầy yếu, da bọc xương đến xót xa - Ảnh 3.

Chia sẻ của Chailert nhanh chóng nhận được sự quan tâm của những người yêu động vật.

Đáp lại lời của Chailert, một đại diện phát ngôn của chùa Răng Phật, đơn vị tổ chức lễ hội lên tiếng khẳng định vào ngày 12/8 rằng họ "luôn quan tâm đến các loài vật" và xác nhận đã mời bác sĩ đến khám cho Tikiri.

Được biết, Tổ chức Giải cứu Voi là một tổ chức phi lợi nhuận, vốn tập trung vào việc chăm sóc và giải cứu những con voi đang bị bắt nhốt tại Thái Lan, với sự dẫn dắt của người sáng lập là Lek Chailert.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là giải cứu voi châu Á khỏi nạn tuyệt chủng, và giúp lũ voi được thuần hóa có một cuộc sống phù hợp nhất, tránh bị tra tấn bởi hành động của loài người," - trích phát ngôn của tổ chức.

Được biết, hiện tại có ít nhất 3000 cá thể voi bị lạm dụng cho mục đích giải trí trên toàn châu Á, trong đó 77% bị đối xử một cách thiếu nhân đạo (trích số liệu của Tổ chức bảo vệ động vật Thế giới).

Tham khảo: Metro, Independent