Sự thật đằng sau các vụ "sạt lở đất": Thảm họa đứng thứ 7 lịch sử về khả năng gây chết người nhưng lại ít được con người để ý đến

J.D, Theo Trí Thức Trẻ 00:10 31/10/2020
Chia sẻ

Các vụ sạt lở có khả năng gây ra thảm họa rất lớn. Tuy nhiên, nó không được truyền thông chú ý bằng những thảm họa thiên nhiên khác như lũ lụt, động đất, núi lửa... cho đến thời gian gần đây.

Chỉ sau 1 tiếng nổ lớn, phân nửa quả núi cao hơn 120m, rộng 200m đã đổ sập xuống. Đó là những gì đã xảy ra tại thủy điện Rào Trăng 3 vào ngày 12/10 vừa qua, khiến khu nhà điều hành nơi chân núi bị vùi lấp dưới hàng tấn đất đá. 

Cũng trong cùng ngày, một vụ sạt lở tương tự đã xảy ra ở Tiểu khu 67, vùi lấp hoàn toàn ngôi nhà của trạm kiểm lâm và khiến 22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

Sự thật đằng sau các vụ sạt lở đất: Thảm họa đứng thứ 7 lịch sử về khả năng gây chết người nhưng lại ít được con người để ý đến - Ảnh 1.

Ngày 18/10, lại một thảm họa nữa liên quan đến sạt lở đất xảy ra ở tỉnh Quảng Trị. Dãy nhà của Sư đoàn 337 đã bị vùi lấp dưới đống bùn đất từ một quả núi cách đó tới 1,6km. 17 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh.

Miền Trung Việt Nam vốn là nơi phải hứng chịu nhiều thảm họa thiên nhiên nhất cả nước. Nhưng vào năm 1999, thiệt hại về người và tài sản chủ yếu là vì lũ lụt. 21 năm sau, thảm họa gây ảnh hưởng kinh khủng nhất lại là sạt lở đất.

Trên thực tế, sạt lở đất xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng thường không nhận được sự chú ý của truyền thông bằng những thảm họa khác - lũ lụt, động đất, núi lửa. Vấn đề nằm ở chỗ, sạt lở đất thực chất cũng là một thảm họa có sức phá hủy rất lớn, và gây ra nhiều sự kiện tang thương.

Sạt lở đất - một thảm họa có sức tàn phá kinh khủng

Năm 2014, các vụ sạt lở đất tại Hiroshima (Nhật Bản) đã khiến ít nhất 39 người tử vong, cùng 52 người mất tích. Trong tháng 3 năm ấy, nguyên một phần quả đồi đã đổ sụp xuống bang Washington (Mỹ), khiến 43 người tử vong.

Trong tháng 5/2014, một vụ sạt lở khủng khiếp tại Afghanistan thậm chí đã gây ra cái chết cho hàng ngàn người. Nepal cũng ghi nhận một vụ sạt lở đất vào tháng 8/2014, khiến 200 người mất tích hoặc tử vong. 

Sự thật đằng sau các vụ sạt lở đất: Thảm họa đứng thứ 7 lịch sử về khả năng gây chết người nhưng lại ít được con người để ý đến - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Các vụ sạt lở đất có quy mô rất đa dạng, phụ thuộc vào tốc độ sạt lở, kích cỡ sạt lở và lượng nước chứa trong đó. Sức phá hoại của một vụ sạt lở đất cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó kích cỡ và quy mô sạt lở không quyết định tất cả. Nhìn chung, chúng thường gây thiệt hại rất lớn về người và của, có thể phá sập các tòa nhà kiên cố, hoặc gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.

Trên thực tế, các số liệu về thương vong khi sạt lở thường khó thống kê. Sạt lở thường đi kèm với động đất hoặc lũ lụt, nên số liệu sẽ được gom chung, khó tách rời.

Sự thật đằng sau các vụ sạt lở đất: Thảm họa đứng thứ 7 lịch sử về khả năng gây chết người nhưng lại ít được con người để ý đến - Ảnh 3.

Chẳng hạn như đợt sạt lở đất ở Nhật Bản năm 2014, đó là một dòng chảy gồm nước hòa lẫn với đất đá, mảnh vụn được tích lũy từ sườn dốc phía thượng nguồn của một con sông. Mưa lớn đã khiến khu vực này sụp đổ, kết hợp cùng nước sông tạo thành một đợt sạt lở khủng khiếp, tràn qua các làng mạc trong thung lũng. Những ngôi làng được xây ở vùng cao hơn sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn.

Thảm họa chết chóc thứ 7 trong lịch sử - điều gì khiến nó xảy ra?

Sạt lở đất xảy ra thường xuyên và có độ phá hủy kinh khủng nhất ở các vùng núi dốc. Bởi lẽ, đây thực chất là một quá trình tự nhiên để giảm độ dốc của một địa hình. Các dữ liệu trong nhiều năm qua cho thấy, sạt lở đứng thứ 7 trong số các thảm họa tự nhiên chết chóc nhất lịch sử loài người, đứng sau hạn hán, lũ lụt, bão, dịch bệnh, động đất và núi lửa phun trào. 

Sạt lở đất thường là hệ quả sau khi mưa quá dài và nặng hạt, hoặc nước ngầm quá đầy chảy vào các kẽ nứt trong lòng đất. Nó tạo ra một áp lực cực lớn cho nền đất, vượt lên trên điểm giới hạn, cộng thêm tác động của trọng lực sẽ đẩy đất trượt dần xuống theo độ dốc của địa hình. Vậy nên, những khu vực có độ dốc địa hình lớn, thường xuyên chịu đựng mưa lũ hoặc động đất sẽ mang rủi ro gánh chịu thảm họa này cao hơn.

Sự thật đằng sau các vụ sạt lở đất: Thảm họa đứng thứ 7 lịch sử về khả năng gây chết người nhưng lại ít được con người để ý đến - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến sạt lở đất dễ xảy ra hơn là tác động của con người, mà cụ thể là việc chặt phá rừng đầu nguồn hủy hoại các kênh đào dẫn nước tự nhiên. Theo nghiên cứu do các chuyên gia từ GSI (Khảo sát Địa chất Ấn Độ), những việc làm này sẽ tác động rất mạnh lên nền đất trên cùng, tạo ra những tổn hại không thể đảo ngược và khiến sạt lở dễ xảy ra hơn rất nhiều. 

Để giải thích kỹ hơn, đất trong rừng thường màu mỡ và nhiều dinh dưỡng, nhưng đồng thời còn có khả năng kháng xói mòn trước sự tác động của thiên nhiên và những sự kiện thời tiết cực đoan. Nguyên do nằm ở cây cối trong rừng: rễ cây giúp cố định đất, trong khi ánh Mặt trời bị lá che phủ, giúp đất không bị khô hạn và mất dưỡng chất. Hơn nữa, sự xuất hiện của cây cối tại các địa hình dốc cũng góp phần hạn chế được hậu quả từ thiên tai, khi tạo ra một rào chắn tự nhiên trước những cơn bão và có thể làm chậm dòng lũ trôi xuống.

Sự thật đằng sau các vụ sạt lở đất: Thảm họa đứng thứ 7 lịch sử về khả năng gây chết người nhưng lại ít được con người để ý đến - Ảnh 5.

Chặt phá rừng sẽ tạo điều kiện để lũ lụt chảy mạnh hơn, dễ gây xói mòn và sạt lở đất

Nêu vậy để hiểu rằng, việc chặt phá rừng cây sẽ khiến đất dễ tổn thương hơn, nền đất trở nên yếu trước tác động của thảm họa tự nhiên, để rồi gây ra thảm họa kinh khủng hơn nữa là sạt lở. Như tại Ấn Độ năm 2014, vụ sạt lở giết chết 30 người được các nhà môi trường học xác định nguyên nhân đến từ việc chặt phá rừng cây quá mức.

Sự thật đằng sau các vụ sạt lở đất: Thảm họa đứng thứ 7 lịch sử về khả năng gây chết người nhưng lại ít được con người để ý đến - Ảnh 6.

Ảnh minh họa

Kịch bản kinh hoàng nhất mà một vụ sạt lở có thể gây ra, đó là tạo ra sóng thần khi rơi xuống biển. Tuy nhiên, sự kiện này thường hiếm khi xảy ra, và phải kết hợp cùng một thảm họa khác như núi lửa phun trào. Chẳng hạn như vào năm 1958, vụ sạt lở tại Vịnh Lituya (Alaska, Mỹ) đã tạo ra đợt sóng thần cao tới 500m - hơn bất kỳ tòa nhà chọc trời nào ở thời điểm ấy. 

Nguồn: The Conversation, YouMatter
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày