Một con bò lúc nào cũng hướng mặt về phía Bắc (hoặc Nam) khi đang ăn ngoài trời. Một con kiến bị lạc bầy sẽ chết cực kỳ sớm. Một con quạ thoát nạn sẽ luôn nhớ mặt kẻ đã giam cầm mình để tấn công phục hận khi có dịp...
Nhưng nếu hỏi tại sao chúng lại có những hành động ấy thì khoa học... bó tay.
1. Bò luôn hướng về phía Bắc hoặc Nam khi gặm cỏ
Loài bò có một đặc tính dị thường là luôn quay đầu về phía Bắc (hoặc Nam) trong lúc đang gặm cỏ. Nhiều nhà khoa học phỏng đoán do chúng có thể cảm nhận được từ trường của Trái đất.
Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ phương hướng thì liên quan gì đến việc ăn uống?
Hẳn như chim chóc cần biết từ trường để điều chỉnh lối bay thì đã đành. Bò là loài ăn cỏ, kiếm ăn trên mặt đất và không nhất thiết phải di cư. Mối nguy hiểm từ những kẻ săn mồi cũng đến từ mọi góc độ chứ không riêng gì Bắc và Nam, chúng mắc chi lại cứ nhất định phải quay đầu về hướng Nam hoặc Bắc? Đến giờ vẫn chưa ai biết chắc về điều này.
2. Tinh tinh "nội chiến" trong đàn
Tinh tinh là một động vật thông minh, chỉ cách con người có một bước tiến hóa. Nếu được chỉ dạy, chúng còn biết diễn xiếc, đạp xe...
Nhưng khác với dáng vẻ đáng yêu của tinh tinh đã qua huấn luyện, tinh tinh ngoài tự nhiên có thể cực kỳ hung hãn. Chúng đôi khi điên cuồng đuổi giết, có lúc còn ăn thịt cả đồng loại. Tinh tinh cũng không gây chiến một mình mà kết bè kết phái, phát động thành trận đánh lớn hệt như chiến tranh trong thế giới loài người.
Theo phỏng đoán của nhà linh trưởng học Richard Wrangham (Anh) thì hành động này của chúng là bắt chước con người. Lịch sử nhân loại đi liền với lịch sử chiến tranh. Tinh tinh là loài ưa mô phỏng, nên rất có khả năng cũng sao chép luôn thói bạo lực.
Có điều, 2 nhà nghiên cứu Robert Sussman (Mỹ) và Joshua Marshack (Mỹ) thì lại nghĩ khác. Họ cho rằng tinh tinh đánh giết lẫn nhau vì "miếng cơm manh áo". Khi lãnh thổ không hề nới rộng ra mà dân số lại tăng cao, nguy cơ bị chết đói sẽ hiển hiện. Để sinh tồn, chúng buộc phải đuổi giết bớt một số thành viên.
Cứ như "Hành tinh khỉ" vậy
Đáng tiếc là cả 2 suy đoán trên đều chưa được kiểm chứng. Vì tinh tinh hoang dã quá dữ tợn nên các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể tiếp cận và xác nhận.
3. Cá mập không bao giờ bơi lạc
Bất kể là ban đêm hay ban ngày, dưới đáy biển sâu hay trên mặt biển, cá mập (Selachimorpha) luôn bơi thẳng một lèo đến đích. Cho dù là khoảng cách ngắn vài trăm mét hay dài đến hàng chục ngàn cây số, chúng vẫn không chệch hướng.
Ban đầu, các nhà khoa học đoán rằng cá mập có thể xác định hướng bơi và đích đến đáng nể như vậy là vì có khứu giác cực nhạy. Để chứng minh điều đó, họ nhét bông gòn vào mũi một số cá mập thí nghiệm nhằm ngăn cản chúng đánh hơi.
Kết quả, những con cá mập không bị nhét bông gòn đã lập tức thẳng tiến về nơi ẩn nấp yêu thích, còn những con bị nhét bông gòn thì bơi loạn cả lên.
Tưởng chuyện chỉ có vậy, nhưng nhà sinh vật học Kim Holland (Mỹ) khi biết tin đã lập tức phản bác. Ông phân tích rằng những con cá mập bị nhét bông gòn vào mũi bơi tứ tung vì chúng hoảng loạn. Đang yên đang lành lại bị một vật thể quái lạ chui vào mũi, không cách nào tống khứ ra được, một con cá mập tất nhiên phải phát điên phát rồ.
Bởi suy luận của Holland rất có lý, thế nên chúng ta vẫn chưa biết kỳ thực thì cá mập định hướng bằng cách nào.
4. Quạ thù hận cực dai, luôn nhớ mặt kẻ bắt nhốt mình để trả đũa
Nếu từng bắt nhốt một con quạ (Corvus) nuôi chơi rồi thả ra, bạn hãy cẩn thận. Dù là cả năm sau mới vô tình đụng mặt, con quạ ấy có thể vẫn nhận ra bạn và lao xuống đuổi theo, mổ tới tấp.
Vốn dĩ, chim chóc là loài nhanh quên. Bộ não bé tẹo của chúng không có nhiều tế bào thần kinh cho lắm để nhớ được một chuyện lâu dài. Chúng cũng chưa tiến hóa đến mức biết cảm giác thù hận. Nhưng thật không hiểu tại sao loài quạ lại có được cả khả năng ghi nhớ lẫn quyết tâm trả thù cho bằng được thế này.
Vì tò mò thái độ của chúng có khác nếu được chăm sóc tốt trong thời gian bị nhốt không, người ta đã thử đối xử tử tế hết lòng. Song có vẻ như cái khái niệm "tốt" của con người không tương đồng với động vật hoang dã, đặc biệt là với một con quạ đang sống thoải mái thì đột nhiên bị cướp mất tự do.
5. Kiến chết sớm hơn khi lạc bầy
Kiến (Formicidae) là sinh vật sống theo bầy đàn. Theo lý thuyết thì dù chỉ có một mình, kiến vẫn có thể sống tốt. Trên thực tế, chúng cũng toàn một mình đi tìm thức ăn. Khi phát hiện mồi, chúng lắm lúc cũng xơi no bụng trước rồi mới tha phần còn thừa về tổ.
Thế nhưng khi các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ thử tách lẻ và cô lập một số kiến thợ mộc Camponotus fellah ra khỏi bầy đàn, họ phát hiện chúng chết nhanh ngoài tưởng tượng.
Bình thường, kiến Camponotus fellah có tuổi thọ từ 6-12 tuần. Nhưng nếu bị ngăn cách với đồng loại, chúng sẽ tử vong chỉ sau có 6 ngày.
Ban đầu, những con kiến bị tách đàn ăn điên cuồng. Sau khi no bụng, chúng chạy đôn chạy đáo khắp chốn như thể cố tìm đường về tổ. Nhưng chạy tới chạy lui chán chê mà vẫn không thoát, chúng dần có biểu hiện chán nản, ăn ít dần rồi bỏ ăn, cuối cùng chết vì đói.
Một số người lý luận những con kiến này đã nhận thức được chúng bị lạc đàn. Vì thế mà cô đơn, thất vọng đến nỗi… thà chết còn hơn.
Tham khảo: Grunge