Sự cố vỡ đập thủy điện thảm khốc ở miền Đông Nam Lào đã diễn ra như thế nào?

Phương Anh, Theo VTCnews 09:45 25/07/2018

Các công nhân đã phát hiện ra đập thủy điện tại Attapeu gặp vấn đề từ ngày 22/7, trước khi con đập bị vỡ mang theo 5 tỷ mét khối nước nhấn chìm 8 ngôi làng và hàng nghìn ngôi nhà ở hạ lưu.

Ít nhất 20 người chết và hơn 100 người mất tích trong vụ tai nạn vỡ đập thủy điện đang xây dựng ở Đông Nam Lào, cùng với hơn 6.600 người mất nhà cửa.

Theo BBC, con đập bị vỡ đang được thi công là một phần của dự án thủy điện Xe-Pian Xe Namnoy với sự tham gia của các công ty Lào, Thái Lan và Hàn Quốc. Đập này được gọi là “đập yên D” – là một đập phụ nằm trong mạng lưới hai đập chính và năm đập phụ.

Vỡ đập thủy điện ở Lào: Toàn bộ diễn biến vụ việc - Ảnh 1.

Bản đồ thể hiện vị trí vỡ đập ở Lào: 1- Khu vực đập phụ vỡ; 2- Dòng hạ lưu; 3-Các làng bị ngập. (Ảnh: BBC)

Công ty SK Engineering & Construction, một công ty Hàn Quốc có cổ phần trong dự án, cho biết các vết nứt gãy lần đầu tiên được phát hiện trên đập ngày 22/7, trước khi nó bục vỡ:

- Từ 21h ngày 22/7, đập được phát hiện bị hư hỏng một phần. Các quan chức địa phương được cảnh báo và dân làng gần đập bắt đầu được sơ tán. Một đội được cử đến sửa chữa đập nhưng gặp cản trở do mưa lớn – khi đó cũng đã làm hỏng nhiều con đường.

- 3h sáng 23/7 – tháo nước từ một trong các đập chính (đập Xe-Namnoy) để giảm mực nước ở đập phụ.

- 12h ngày 23/7 – chính phủ yêu cầu người dân ở khu vực hạ lưu sơ tán sau khi biết được con đập có thể còn hư hỏng nặng hơn.

- 18h 23/7 – xác nhận thêm nhiều hư hỏng tại con đập.

- Đập vỡ vào khoảng 20h.

- Đến 1h30 ngày 24/7 – một làng gần đập phụ này đã bị ngập, và đến 9h30 có 8 làng bị ngập.

Công ty Ratchaburi Electricity Generating Holding – công ty Thái nắm cổ phần chính trong dự án, nói trong một tuyên bố rằng đập bị gãy nứt sau mưa lớn liên tiếp khiến một lượng nước lớn tràn vào hồ chứa của dự án. Nước vì vậy tràn xuống khu vực hạ lưu và sông Xe-Pian – cách đập khoảng 5 km, tuyên bố nói thêm.

“Đập yên D” rộng 8 m, dài 770 m và cao 16 m – được thiết kế để chuyển hướng nước quanh một hồ chứa địa phương, công ty này cho biết. Cả hai công ty Hàn Quốc và Thái Lan đều nói đang hỗ trợ công tác sơ tán và giải cứu.

Theo BBC, Attapeu là tỉnh cực Nam của Lào, có biên giới với Campuchia và Việt Nam. Nơi này nổi tiếng với nông nghiệp, cây cối trù phú và các ngành công nghiệp gỗ. Xuất khẩu thủy điện là một trong số những nguồn thu chính của tỉnh.

Video: Toàn cảnh hàng trăm người mất tích do vỡ đập ở Lào

 (Nguồn: BBC)