Văn hóa đường phố tượng trưng cho sự tự do, dám đi ngược quy chuẩn xã hội, khẳng định cá tính. Chính vì chất "điên" trong loại hình nghệ thuật này mà không phải ai cũng dễ dàng đón nhận. Điều này khiến street dance nói riêng hay văn hóa đường phố nói chung bị chối bỏ và chịu ít nhiều chỉ trích, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Xuất hiện từ những năm 1970 trong khu vực sinh sống của cộng đồng người Mỹ gốc Phi và Latin tại New York, street dance nhanh chóng trở thành làn sóng văn hóa lan tỏa khắp thế giới. Đặc điểm nổi bật của loại hình nghệ thuật này là tính ngẫu hứng, có sự tương tác và tiếp xúc với nhau giữa người nhảy với khán giả và các vũ công khác. Mọi người sẽ quây quần và nhảy ở bất cứ nơi nào có không gian thoáng đãng như công viên, đường phố, sân trường hay tại các bữa tiệc.
Một vài thể loại street dance nổi tiếng như Breaking/Bboying, Popping, Locking hay House Dance. Phần lớn các động tác nhảy có tính chất ứng tác và mang tính tự nhiên, khuyến khích tính cá nhân và tính bản năng. Sự ứng biến là con tim của hầu hết các thể loại street dance và được các vũ công thể hiện một cách tự do, tạo ra động tác mới theo phong cách riêng của họ.
Nhảy đường phố hay văn hóa Hip Hop có mặt tại Việt Nam vào những năm đầu thập niên 90, tuy nhiên mãi đến những năm 2000 mới thực sự phát triển, với cái tên nổi bật lúc bấy giờ là nhóm nhảy Big Toe. Đi cùng trào lưu Hip Hop hay street dance là hình ảnh các bạn trẻ mạnh dạn thể hiện chất riêng của mình như tóc nhuộm nhiều màu, nón đội lệch, áo quần rộng thùng thình kèm phụ kiện to bản nổi bật, thậm chí là xăm mình.
Hình ảnh các bạn trẻ ăn mặc "khác người", tụ tập nhảy nhót vô hình trung nhận về những ánh mắt không mấy thiện cảm từ xã hội và cái nhìn e ngại từ gia đình vì cho rằng đây là bộ môn ngoại nhập, không phải là công việc để sống. "Cách thể hiện bản thân của lũ trẻ nổi loạn", "những kẻ vô công rồi nghề", "băng đảng, bạo lực và chất kích thích"… là những định kiến xã hội từng gắn với cộng đồng nhảy đường phố 1 thời.
Tuy nhiên, với lòng kiên trì theo đuổi đam mê, trả lời "sự phán xét" thông qua các vũ điệu, giới trẻ Việt dần mang những bước nhảy ra khỏi đường phố, đến với các sân khấu thi đấu quốc tế, đem về những thành tích ấn tượng. Thông qua các cuộc thi hay các buổi biểu diễn đường phố vào các dịp lễ, Tết, tinh thần tự do và năng lượng tích cực từ các điệu nhảy được lan truyền và nhận về cái nhìn cởi mở hơn từ khán giả.
Nhóm nhảy Lyricist Việt Nam đăng quang tại cuộc thi nhảy Đông Nam Á - Ảnh: AMBERSTONE
Nhảy đường phố kết nối những người có chung đam mê, khuyến khích các bạn trẻ học hỏi, kết bạn và lan tỏa nguồn năng lượng đến với mọi người. Thông qua các bước nhảy, nó mang lại cơ hội sáng tạo, cảm giác tự do và thể hiện "tiếng nói" của cộng đồng. Niềm đam mê street dance dần được lan tỏa mạnh mẽ, trải dài từ Bắc xuống Nam, len lỏi trong từng con phố. Các hội nhóm nỗ lực trong việc chứng tỏ giá trị và khẳng định dấu ấn bản thân bằng những hành động cụ thể, dần thay đổi cái nhìn của xã hội, nhận được sự thấu hiểu của các thế hệ đi trước.
Không đơn thuần chỉ là giải trí, nhảy còn là lao động nghiêm túc, nhảy để quyên góp từ thiện, giúp đỡ người vô gia cư, nhảy để rèn luyện thể lực và tạo nên nguồn thu nhập chân chính, hướng đến lối sống lành mạnh. Những giá trị từ nhảy đường phố tạo sức ảnh hưởng, góp phần xóa mờ ranh giới giữa nghệ thuật hiện đại và những văn hóa, quy chuẩn truyền thống.
Là đội trưởng Street Dance Việt Nam 2022, từng đoạt các giải thưởng về dance tại Đức và Châu Âu, đối với Trọng Hiếu, nhảy không chỉ giúp Hiếu có được khả năng kiểm soát cơ thể mà còn mang lại niềm vui, sự tích cực và dũng cảm tới cho Hiếu. Không có nhảy, Hiếu vẫn sẽ mãi là một chú bé rụt rè, sống nội tâm. Theo Hiếu, con đường theo đuổi đam mê phải duy trì "Đầu Lạnh Tim Nóng".
"Hiếu nghĩ rằng bản thân Hiếu sinh ra với trái tim nóng, luôn có đam mê rực rỡ. Nhưng càng lớn, càng làm việc trong showbiz thì Hiếu càng nhận ra sự quan trọng của một "cái đầu lạnh". Hiếu đang trong hành trình tập luyện và phát triển "cái đầu lạnh" của mình. Vì Hiếu hiểu rằng nếu chỉ có mục tiêu mà không tỉnh táo nhắm đúng mục tiêu ấy thì chúng mình không bao giờ có thể đến đích".
Còn với Hoàng Đại, một trong những thí sinh nổi bật của Street Dance Việt Nam, theo đuổi đam mê nhảy múa là việc rất khó, cần lòng quyết tâm và tính tự kỷ luật cao. "Từ bé mình đã biết mình thích gì, khi tiếp cận với âm nhạc và nhảy mình đã mê ngay, cái đó chỉ cần "trái tim mách bảo" thôi. Còn việc theo đuổi đam mê thì cần rèn luyện, cần tỉnh táo và sự góp phần của lí trí vững vàng, đôi khi còn phải "lì" để không bỏ cuộc, tóm lại là phải rèn cho bằng được một chiếc "đầu lạnh" thì mới theo đuổi được đam mê nhảy múa".
"Đầu lạnh tim nóng" là tinh thần chung của thế hệ trẻ trên hành trình chinh phục đam mê và khẳng định dấu ấn của bản thân. Đầu lạnh trong việc kiên định với giấc mơ, không để những định kiến, khuôn mẫu làm thui chột cá tính của bạn. Tim nóng để "cháy" hết mình, khéo léo dung hòa đam mê bản thân và các mối quan hệ cuộc sống. Cùng với nhãn hàng Clear và Street Dance Việt Nam, với thông điệp "Đầu Lạnh Tim Nóng", hy vọng các bạn trẻ thêm vững tin với lựa chọn của bản thân và luôn là vai chính trong cuộc đời mình.