Thực ra, chuyện các sao Việt bị "soi" ngoại ngữ một cách khắt khe là điều dễ hiểu. Nhà báo Lại Văn Sâm là người dẫn chương trình của một Liên hoan phim quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, có sự hiện diện của nhiều ngôi sao điện ảnh như Ngô Ngạn Tổ, Trương Gia Huy... Hồ Ngọc Hà đang giữ vai trò là HLV của chương trình The Voice Việt, nhận nhiệm vụ phỏng vấn "hiện tượng The Voice Mỹ" Jesse Campbell. Hoa hậu Diễm Hương là đại diện cho nhan sắc Việt tại cuộc thi Hoa hậu Trái đất. Xuân Lan được xem là siêu mẫu hàng đầu của làng thời trang trong nước, dẫn dắt các học trò của mình tiến đến sàn cat-walk New York nhưng lại bập bẹ tiếng Anh khi trả lời phỏng vấn trước truyền thông Mỹ...
Và dĩ nhiên còn nhiều trường hợp khác, khi các sao Việt mang cả niềm tự hào của hàng triệu khán giả nước mình đi giao lưu với bạn bè quốc tế, nhưng lại gặp phải hàng loạt sự cố thể hiện những hạn chế về ngoại ngữ mà đáng lý ra họ phải trang bị sẵn sàng từ trước. Như vậy, trước việc cư dân mạng lên tiếng chỉ trích sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu trang bị những kĩ năng cơ bản khi hội nhập quốc tế của phần đông sao Việt - mà cụ thể ở đây là ngoại ngữ - thì họ sẽ lấy gì để biện minh lại?
Nhà báo Lại Văn Sâm sau 1 năm im lặng trước "đá tảng" từ dư luận về sự cố dịch sai phát biểu của Ngô Ngạn Tổ cuối cùng đã lên tiếng chia sẻ rằng, thực chất anh đã không nghe được lời ngôi sao điện ảnh châu Á nói, nhưng vì muốn lấp đầy khoảng trống thời gian trên sân khấu mà đành phải "phán bừa". Khi ấy, thấy Ngô Ngạn Tổ đứng trên sân khấu, ngơ ngác không hiểu lý do vì sao khán giả lẫn MC đều "vô cảm" trước phát biểu của mình, nhà báo Lại Văn Sâm đành dịch theo ý riêng. Có thể gọi đó là một sự hi sinh hay là "liều mình" để lấp đầy chương trình cũng được, dù đứng ở một góc độ nào đó, cách xử lý tình huống của vị MC kỳ cựu này có vẻ chưa thuyết phục được công chúng.
Tuy nhiên, thực chất khó có ai có thể trải nghiệm những khó khăn của công việc dẫn chương trình nếu không thử một lần đứng trên sân khấu, đối diện với hàng ngàn khán giả bên dưới cùng hàng triệu người xem truyền hình cả nước. Bạn vừa phải cố gắng nói lưu loát phần lời dẫn, vừa phải chuẩn bị sẵn tâm lý phản ứng trước 1001 tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Hồ Ngọc Hà bỗng nhiên được BTC The Voice Việt mời vào vị trí phỏng vấn Jesse Campbell. Cô dịch sai đoạn trả lời của "hiện tượng The Voice Mỹ" trên một chương trình truyền hình trực tiếp chắc chắn đã có kịch bản sẵn. Cư dân mạng cho rằng với một người luôn được công chúng "mặc định" là giỏi tiếng Anh như cô thì sự cố này không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, nếu theo dõi toàn bộ đêm Chung kết The Voice, mới hiểu phần nào nguyên nhân Hồ Ngọc Hà có phần lơ đãng khi trò chuyện với Jesse Campbell. Top 4 của The Voice dự thi, 4 thí sinh đại diện cho team của 4 HLV, phần trình diễn của họ là bộ mặt của cả đội và danh dự của những người thầy nổi tiếng. Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh, Trần Lập và dĩ nhiên cả Hồ Ngọc Hà đã phải xuống tận sân khấu, chăm chút cho từng tiết mục của đội mình. Chưa kể, Hồ Ngọc Hà còn có 1 phần trình diễn khá hoành tráng, "thiêu rụi" cả sân khấu khi kết hợp với Đinh Hương ngay sau đó.
Vốn dĩ để chê bai một cá nhân không khó, nhưng nếu thử trải nghiệm những gì người nổi tiếng gặp phải khi mang áp lực là đại diện quốc gia giao lưu với sao thế giới, mới có thể phần nào cảm thông với những nỗ lực của họ.
Đối với trường hợp dịch sai khi dẫn chương trình như nhà báo Lại Văn Sâm và Hồ Ngọc Hà - ai là người thường xuyên phải sử dụng ngoại ngữ làm công cụ giao tiếp có lẽ cũng phần nào thông cảm với họ. Các nhà phiên dịch phần lớn đều có sự chuẩn bị kĩ càng trước khi bắt đầu công việc dịch thuật cho một sự kiện. Chuyện thường xuyên phải đoán ý khi giao tiếp bất đồng ngôn ngữ không phải là điều hiếm gặp.
Chưa kể, ngoại ngữ mà nhà báo Lại Văn Sâm thông thạo không phải là tiếng Anh, mà bất ngờ phải dịch lại một đoạn dài những lời phát biểu của Ngô Ngạn Tổ - trong khi từ đầu chưa tập trung lắng nghe hết nội dung - thì quả thật là điều không tưởng. Trường hợp của Hồ Ngọc Hà, cô vốn dĩ không phải là một MC chuyên nghiệp, lại đang gặp nhiều lo lắng trong đêm Chung kết, khi giao lưu gặp phải sự cố là điều hoàn toàn có thể thông cảm được.
Tạm kết
Trong các cuộc thi Hoa hậu mang tính chất quốc tế, ở các phần thi ứng xử, nhiều thí sinh vẫn sử dụng tiếng mẹ đẻ để trả lời câu hỏi. Không phải vì không biết tiếng Anh, nhưng họ không đủ tự tin rằng có thể dùng ngoại ngữ để diễn đạt hết những điều mà bản thân muốn truyền tải. Cũng như thế, không ít sao Hàn khi đến Việt Nam vẫn sử dụng bản ngữ để trò chuyện với truyền thông và các fan mà không dùng đến tiếng Anh. Nói vậy để thấy rằng ngoại ngữ dĩ nhiên là một công cụ giao tiếp hiệu quả khi hội nhập quốc tế, nhưng đó không phải là thang điểm duy nhất đánh giá trình độ hay sự thành công của việc giao lưu văn hóa.
Khi đã là người nổi tiếng, được sự quan tâm của công chúng thì chẳng khác nào "làm dâu trăm họ". Áp lực từ phía công việc, đặc thù nghề nghiệp đôi khi không nặng bằng áp lực từ những phê bình của dư luận. Dù là ai, khi đã vinh dự đại diện quốc gia giao lưu với bạn bè quốc tế thì cũng phải mang trong mình nhiệm vụ giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam. Chính vì vậy, để những sự cố xảy ra do thiếu sự trang bị chu đáo, các sao phải đối diện với những chỉ trích từ dư luận là điều đương nhiên.
Dẫu vậy, đứng ở một góc độ nào đó, khán giả cũng đừng vội quá khắt khe. Bởi đơn giản các sao cũng là người, và cuộc sống thì có vô vàn những tình huống bất ngờ không thể lường trước được. Việc gặp phải sự cố đôi khi là điều khó tránh khỏi, và một lần mắc lỗi không đáng là thang điểm để đánh giá sự nghiệp, trình độ cũng như khả năng của một con người.