“Ngày 31/7 sở tư pháp liên lạc với luật sư của tôi và tôi đến tòa nhận lời khởi tố của họ chứ tôi chưa bị bắt hay bị một vấn đề gì”, vị doanh nhân Việt kiều khẳng định.
Doanh nhân Thành Nguyễn (Ảnh trái)
Bên cạnh việc đính chính thông tin sai lệch về chuyện bị bắt giam, ông Thanh Nguyễn cũng giành ít nhiều thời gian để nói về quá trình khởi nghiệp của mình trên đất Hoa Kỳ. Xuất thân từ một kỹ sư hàng không, tuy nhiên ông lại thành công trên lĩnh vực xây dựng và được biết tới như chủ của hai công ty lớn: V-tech Services Inc. (T-Tech) và Utility Line Clearance Inc. (ULC). Ông cũng chia sẻ một cách rất tự hào: "Tên của công ty đầu tiên - V-tech Services Inc - được viết tắt từ chữ Việt Nam, đã được ông lựa chọn ngay từ khi khởi nghiệp. Tới thời điểm này, ông rất tự hào khi cả hai công ty của mình đều rất phát triển và quan trọng hơn, là một công ty của người Á Châu - bộ phận được xem là "thiểu số" tại Mỹ - có nhiều hợp đồng lớn với chính phủ, điều mà không nhiều người làm được.
Khi được hỏi về số tiền 3,6 triệu đô (hơn 75 tỷ đồng) mà PennDot tố cáo công ty của ông đánh cắp bằng cách làm giả hồ sơ và tăng chi phí công việc, trong khi không hoàn tất công trình theo đúng hợp đồng. Doanh nhân Thanh Nguyễn cho biết, tính cho tới thời điểm này, luật sư của ông vẫn chưa nhận được bất cứ bằng chứng buộc tội rõ ràng nào.
“Đó mới chỉ là lời nói. Tôi khẳng định, chúng tôi đã làm xong mới nhận tiền của chính phủ”, ông Thanh cho hay.
Cách đây 4 năm, khi ông thống đốc hiện tại nhận chức đã mời tôi làm một trong những thành viên căn bản tiếp nhận chính quyền. Xã hội Mỹ kinh tế và chính trị lúc nào cũng phải đi đôi với nhau. Tôi là người làm kinh tế trong xã hội này thì chắc chắn tôi không vượt qua phạm vi chính trị trong khía cạnh đó.
Ông Thanh Nguyễn cũng nói thêm về một số khía cạnh đặc biệt của vấn đề. Ông cho rằng do công ty của mình - một người Á Châu làm chủ, phải đối diện với sự cạnh tranh từ rất nhiều công ty lớn tại Hoa Kỳ có lịch sử cả trăm năm, nên cuộc đấu tranh giữa họ không chỉ đơn thuần là đấu tranh về kinh tế. Ông cũng tin rằng những công ty khác đã có những tác động nhất định về mặt chính quyền để giành được những hợp đồng lớn mà ông và hai công ty của mình đang sở hữu.
Nói về thời gian ra tòa dự kiến sẽ là ngày 13/8, ông Thanh Nguyễn giải thích: "Xứ Mỹ là một xứ sở tự do, ai cũng có quyền thưa kiện. Ngay tổng thống Mỹ còn phải đối diện với rất nhiều đơn kiện, nhưng quan trọng là tòa có chấp nhận hay không. Ngày 13/8 dự kiến sẽ là ngày tòa quyết định có chấp nhận đơn khởi kiện tôi của sở tư pháp hay không, nhưng nó đã được dời sang một tới hai tuần sau."
Ông cũng tin tưởng rằng với những gì mình và cộng sự đã làm, luật sư của ông sẽ chứng minh được sự vô tội trước những cáo buộc từ phía sở tư pháp tiểu bang.
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi những tin đồn
Nói về những thông tin dồn dập từ cả Mỹ và Việt Nam sau sự việc ông bị bắt, doanh nhân Thanh Nguyễn chia sẻ: "Những thông tin đó khiến tôi bị ảnh hưởng rất nặng nề. Những từ ngữ khá nặng nề được sử dụng tại truyền thông Hoa Kỳ cũng như trong nước đã khiến cuộc sống của tôi và gia đình gặp nhiều ảnh hưởng. Điều đó cũng là điều khiến tôi cảm thấy rất buồn, nhưng tôi tin tưởng vào những điều mình đã làm. Sẽ có một ngày tôi chứng minh được cho toàn thể mọi người mình không làm gì sai trái cả."
Nói về nghi án "người yêu tin đồn", "người tình đại gia" của Vy Oanh được truyền thông, báo chí xới tung sau vụ việc này, ông Thanh Nguyễn bình tĩnh chia sẻ: "Tôi cũng rất tôn trọng các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài nước. Tôi cũng hiểu được rằng khi đưa một vấn đề gì lên truyền thông, họ cũng cần có cái gì đó "nóng bỏng" và những danh từ như "đại gia" hay được sử dụng, nhưng riêng bản thân tôi thì chữ "đại gia" chưa bao giờ hiện hữu. Tôi sống cuộc sống đơn giản và thích được trân trọng như mọi người bình thường khác.
Tôi cũng muốn khẳng định lại thêm, những đồn đại xung quanh cuộc sống của tôi là những điều không đúng đắn. Mình có nhận định, cuộc sống của mình, nên những gì người ta đồn đại về cuộc sống "đại gia" của tôi hoàn toàn không đúng. Thật sự, tôi thích những điều đơn giản và bình dị hơn, dù là doanh nhân hay không doanh nhân cũng vậy."
Theo tờ The Inquirer ông Thanh Nguyễn, 62 tuổi, gốc Việt, cư dân Montgomery County, một người Việt Nam được nhiều người biết tới như một đại gia ở Philadelphia, Pennsylvania. Ông Thanh làm chủ hai công ty V-tech Services Inc. (T-Tech) và Utility Line Clearance Inc. (ULC), có hợp đồng thầu với PennDot. Với bản cáo trạng tố cáo thì ông Thanh phạm tội cùng với một người khác, ông Robert Slamon, 54 tuổi, cư dân Berks County, cả hai cùng bị bắt sáng ngày 31/7 vừa qua (theo giờ địa phương). Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại ông Thanh Nguyễn vẫn được tại ngoại và không bị bắt như báo chí đưa. Theo một nguồn tin, số tiền "thế chân" mà ông Thanh Nguyễn phải nộp để được tại ngoại chỉ vỏn vẹn 5.000 đô la Mỹ. Với những ai am hiểu về luật pháp Hoa Kỳ, số tiền thế chân này khá thấp và thường thì chỉ áp dụng đối với những tội danh không nghiêm trọng. Theo chính ông Thanh Nguyễn, việc số tiền thế chân chỉ vỏn vẹn 5.000 đô la Mỹ cũng phần nào nói lên mức độ ít nghiêm trọng của sự việc, bởi với những tội danh như trộm cắp vặt tại siêu thị, số tiền phải bỏ ra để bảo lãnh cũng có thể lên tới hàng chục ngàn đô la Mỹ. |