Ông nội của Hoa khôi áo dài
Lan Khuê là Phó Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Trần Thanh Đạm - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh đã qua đời vào lúc 8h15 ngày 2/11/2015.
Trước sự ra đi của người ông đáng kính của mình, Lan Khuê đã chia sẻ một dòng trạng thái đầy xúc động: "Ông nội tôi vì mắc bệnh lãng tai nặng từ khi còn khá trẻ, căn bệnh đó ảnh hưởng khá nhiều đến công tác của ông tôi tại Bộ Ngoại Thương và ông buộc lòng phải nghỉ hưu non. Dừng bước ngay trong giai đoạn thăng hoa của sự nghiệp với những hoài bão đổi thay đất nước sau năm 75, ông trở về với những thở dài và day dứt. Có lẽ vì thế sự gần gũi giữa ông và mọi người có một khoảng cách nhất định. Ông thường xuyên đi xa, rong ruổi đây đó, rồi sau này là những năm dài. Ông sống ở từ đường dòng họ Trần Thanh của chúng tôi tại Huế. Chính vì thế, mỗi khi gia đình nhỏ của tôi có 1 việc gì cần hỏi ý kiến của người lớn nhưng ông ở xa lại khó khăn trong việc nghe, nói thì Ông Đạm là người mà nhà tôi hay tìm đến để được lắng nghe ông".
Dòng trạng thái dầy cảm động của Lan Khuê như tâm thư tiễn biệt người ông đáng kính của mình
Theo chia sẻ của Lan Khuê thì Phó Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Trần Thanh Đạm là em trai của ông nội cô. Nhưng ông lại gắn bó với cô và gia đình cô từ thuở nhỏ. Cô đã xem ông là ông nội thứ hai và thay vì danh xưng ông chú, cô đã gọi thân mật hơn là ông nội: "Ông Đạm tuy chỉ là em trai của ông nội tôi, là ông chú của tôi nhưng tình cảm tôi dành cho ông như thể ông là ông nội thứ 2 của mình. Tôi thích mái tóc và chòm râu bạc của ông, tôi thích cái cách đôi kính lão xập xệ trên mũi ông, tôi thích nụ cười hiền từ và giọng nói chậm rãi, từ tốn, nhỏ nhẹ của ông. Tôi luôn nhớ những gì ông nói với tôi về con đường học tập, về những lựa chọn, về cái gọi là tuổi trẻ.
Lan Khuê rất tự hào về người ông tài hoa của mình vì không chỉ có đời sống chuẩn mực mà còn là những cống hiến với nền giáo dục Việt Nam: "Tôi chắc cũng như những thành viên khác trong gia đình luôn vô cùng tự hào khi là một thành viên của họ Trần Thanh khi bao nhiêu thế hệ các giáo viên mà tôi may mắn được học đều là lớp học trò của ông. Cả những chính khách, nguyên thủ quốc gia đều kính cẩn, thương mến khi nhắc đến ông với xưng hô trìu mến: Thầy Đạm.
Thầy Đạm thay cho những mĩ từ Phó Giáo Sư, Nhà Giáo Nhân Dân.
Vâng, người thầy, người cha, người ông đã viết lên 4 câu thơ dành tặng cho đời, cho người, cho vợ, cho con, cho cháu trước những giây phút cuối cuộc đời.
Một cuộc đời Thanh Đạm như chính tên ông
Một cuộc bình sinh đã vẹn tròn
Sáng trên ngọn lửa một tâm hồn
Yêu thương gửi lại nơi trần thế
Về với vợ hiền, nhớ cháu con......
Những ngày cuối trên giường bệnh ông hỏi thăm ba tôi là khi nào tôi đi thi Hoa Hậu Thế Giới, ông nói sẽ theo dõi tôi xuất hiện trên sân khấu Thế Giới rồi ông mới đi. Thế mà.......
Sinh, lão, bệnh, tử ai rồi cũng sẽ ra đi. Ra đi để lại cái tên cho trần thế. Âu cũng là thỏa cái chí anh hùng......"
Ngoài ra, cô còn bày tỏ sự tiếc thương người ông luôn ủng hộ tinh thần và động viên cô ở những bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Lan Khuê ngậm ngùi khi lời hứa dõi theo cô ở đấu trường nhan sắc quốc tế giữa hai ông cháu đã bị vòng tròn sinh tử xóa mờ.
Chân dung người ông tài ba và đáng kính của hoa khôi Lan Khuê
Được biết, PGS.NGND Trần Thanh Đạm là người có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu văn học của đất nước hơn nửa thế kỷ qua. Ông cũng là người thầy của nhiều thế hệ học trò trưởng thành từ Bắc chí Nam. Ông được tặng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Hiện lễ tang của PGS.NGND Trần Thanh Đạm được diễn ra tại Nhà tang lễ Thành phố (25 Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM). Lễ viếng bắt đầu lúc 16g ngày 3/11 (22 tháng 9 Ất Mùi). Lễ động quan lúc 6g ngày 5/11 (24 tháng 9 Ất Mùi). Sau đó thi hài ông được đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hoà.