Đội tuyển U23 Việt Nam của ông Miura bây giờ có nhiều sự khác biệt so với đội tuyển thi đấu ở SEA Games 28 cũng như ở vòng loại U23 châu Á trước đó. Khác biệt lớn nhất có lẽ về mặt con người, và điều đó có thể dẫn đến nhiều sự thay đổi của đội tuyển sắp tới.
Ông Miura xây dựng lối chơi của đội tuyển dựa trên những cầu thủ mà mình có trong tay
Ở lần tập trung thi đấu vòng loại U23 châu Á, ông Miura đã tập trung lên tuyển rất đông cầu thủ HAGL, và đương nhiên số lượng đông đảo như thế, người ta tin rằng ĐT U23 Việt Nam sẽ mang dáng dấp của HAGL.
Thế nhưng, sau đó một loạt cầu thủ của HAGL bị chấn thương và phải trả về, trong khi các cầu thủ còn lại ở U23 Việt Nam đều đa phần vô danh và chưa có cơ hội chơi nhiều ở V.League. Ông Miura buộc phải xây dựng một lối chơi mới dựa trên những người ông đang có trong tay. Những cầu thủ vô danh trước đó như Huỳnh Tấn Tài, Hữu Dũng, Thanh Bình... bắt đầu được phát hiện từ cách xây dựng mới mẻ này.
Đến SEA Games 28, với sự xuất hiện của một loạt cầu thủ lứa 1992 đã cùng ông thi đấu ở Asiad 17, ông Miura lại dựa vào nòng cốt các cầu thủ này để xây dựng lối chơi. Đó là lý do, chỉ có mỗi Công Phượng ở HAGL là có được chỗ đứng trong đội tuyển, và đương nhiên không thể yêu cầu ông thầy người Nhật xây dựng lối chơi giống lối chơi của U19 từng làm mê mẩn người hâm mộ được, vì lực lượng là khác nhau.
Thế nhưng, mọi chuyện đã rất khác ở lần tập trung này khi mà những cầu thủ ưu tú của lứa trước thi đấu thành công ở Asiad như Quế Ngọc Hải, Ngọc Thắng, Huy Toàn... đã không thể lên tuyển, ông Miura phải dùng những cầu thủ mới, và đó là lúc lứa cầu thủ U19 bắt đầu có nhiều cơ hội để chứng tỏ mình.
U23 Việt Nam bây giờ là một tập thể rất khác so với U23 ở SEA Games 28
Hiện nay, có tới hơn một nửa số cầu thủ trong đội là những người từng thi đấu cho U19 Việt Nam năm ngoái, trong đó ở các tuyến họ đều trở thành những trụ cột và được ông Miura tin tưởng như: Tiến Dũng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Duy Mạnh, Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Tài... Có thể nói, ông Miura hoàn toàn có thể tung ra sân đội hình gồm toàn những cựu cầu thủ U19 thi đấu cùng nhau.
Với lực lượng đông đảo những cầu thủ U19 là nòng cốt, thì đương nhiên ông Miura buộc phải xây dựng một lối chơi mới cho đội tuyển. Có thể thấy rõ nhất trong trận giao hữu với đội bóng J.League 2 - Osaka vừa qua, lần đầu tiên U23 Việt Nam dưới thời Miura đá với sơ đồ 1 tiền đạo.
Khả năng kiểm soát bóng được tăng cường hơn với sự xuất hiện của những tiền vệ trung tâm như Xuân Trường, Tuấn Anh, Duy Mạnh và Hữu Dũng... đều là những cầu thủ có lối đá thiên về kỹ thuật. Trong khi đó, ở 2 biên khi không còn những cầu thủ tốc độ như Ngọc Thắng, Huy Toàn thì ông thầy người Nhật buộc phải sử dụng lối chơi thiên về trung lộ, lúc ấy vai trò của những pha chuyền ban ngắn là rất lớn.
Công Phượng được coi là nhạc trưởng mới trong lối chơi của U23 Việt Nam
Không phải ngẫu nhiên Công Phượng được chọn làm đội trưởng của U23 Việt Nam, bởi trong cách đá này, Phượng đóng vai trò rất quan trọng. Anh không phải là một tiền đạo, mà là tiền vệ công, đá lùi phía sau tiền đạo cắm.
Nói cách khác, Công Phượng sẽ chơi như một số 10 đúng nghĩa, và đương nhiên cầu thủ đòi hỏi phải di chuyển nhiều hơn, chuyền bóng nhiều hơn. Trận giao hữu vừa qua, phần nào cho thấy ý định biến Công Phượng thành nhạc trưởng của ông Miura.
Những áp lực của dư luận và truyền thông có thể phần nào ảnh hưởng đến sự thay đổi của ông Miura, nhưng điều quan trọng hơn cả là con người mới có thể quyết định lối chơi. Những cầu thủ ông Miura đang có trong tay buộc ông phải xây dựng U23 Việt Nam giống như phiên bản của U19 năm ngoái nhưng được nâng cấp để thực dụng hơn.