1. Vụ án Chicken-gate
Năm 2011, khi đội tuyển Mexico đang thi đấu Gold Cup (giải đấu dành cho các quốc gia Bắc, Trung Mỹ và vùng Caribbean) ở Mỹ thì một scandal chấn động đã xảy ra khi có đến 5 cầu thủ trụ cột, trong đó có thủ môn Guilermo Ochoa của họ không vượt qua được bài kiểm tra doping.
Không ai rõ số chất cấm này đến từ đâu nhưng BLĐ của LĐBĐ Mexico đã đổ lỗi cho những miếng gà kém chất lượng mà đội tuyển này đã ăn. Khỏi phải nói, đây là một lý do biện minh quá tệ cho sự gian lận. Nhưng mọi sự việc nhanh chóng "chìm xuồng" sau khi Mexico vô địch Gold Cup 2011 dù có thiếu vắng 5 trụ cột trong đội.
2. Tiếng còi Mafia
Dàn xếp tỷ số không phải là điều gì đó quá xa lạ trong bóng đá, đặc biệt là ở Brazil. Tuy nhiên, scandal “Tiếng còi Mafia” vào năm 2005 vẫn làm cả đất nước Brazil cũng như làng bóng đá thế giới phải rúng động. Hai trọng tài, Edilson Carvalho bắt ở giải vô địch Brazil (hạng Nhất) và Paulo Danelon ở giải hạng Nhì, đã thú nhận hành vi tội lỗi của mình với cảnh sát.
Theo đó, mỗi trận móc ngoặc với giới cá độ trên mạng internet, họ đều được "bồi dưỡng" khoản thù lao lên đến 4.500 USD. Trọng tài Carvalho đã bị tước quyền trọng tài cấp FIFA và buộc treo còi vô thời hạn.
Không những vậy, ông cùng với trọng tài Danelon và hai doanh nhân Nagib Fayad, Vanderlei Pololi - những người thuộc tổ chức cá độ trên Internet, đã phải đối mặt với án phạt dành cho tội danh hối lộ, gian lận làm phương hại đối với nền kinh tế.
3. Scandal dàn xếp tỷ số tại Italia năm 2011
Nếu so với vụ Calciopoli năm 2006 thì vụ dàn xếp tỷ số năm 2011 chỉ là một phần nhỏ nhoi nhưng nó là minh chứng cho việc gian lận trong bóng đá chưa bao giờ chết ở Italia. Theo cảnh sát Italia, tiền đạo nổi tiếng một thời Giuseppe Signori cùng với 15 người khác đã bị cảnh sát Italia bắt giữ do bị tình nghi dàn xếp tỷ số.
Cụ thể 7 người đã bị bắt giữ và 9 người đang bị quản thúc tại gia chờ lệnh của tòa án. Tất cả số này đều bị tình nghi liên quan tới bán độ, dàn xếp tỷ số. 18 trận đấu bị cho là “có mùi” bán độ, trong đó bao gồm cả trận đấu giữa Inter Milan và Lecce tại giải Serie A. Một vài trận đấu của hai đội mới thăng hạng Serie A là Siena và Atalanta cũng bị nghi ngờ gian lận.
4. Scandal dàn xếp tỷ số ở Australia
Nếu bạn nghĩ rằng những vụ dàn xếp tỷ số chỉ có ở châu Âu thì thật là sai lầm. Năm 2013, 5 thành viên của CLB Southern Stars - một đội bóng bán chuyên của giải Victorian Premier League - đã bị cáo buộc với tội danh dàn xếp tỷ số. Trong số những người bị điều tra còn có một cựu diễn viên hề chuyên nghiệp của Malaysia. Tổng số tiền mà các bị cáo thu được nhờ vào hoạt động dàn xếp tỷ số lên đến 2 triệu USD.
5. Vụ Good Friday
Gian lận đã có từ thuở sơ khai của bóng đá chuyên nghiệp. Ngày 26/12/1915, Liên đoàn bóng đá Anh (FA) đã ban hành lệnh cấm thi đấu suốt đời đối với 7 cầu thủ của Man Utd và Liverpool, trong đó bao gồm: Sandy Turnbull (đầu mối), Arthur Whalley và Enoch West thuộc biên chế M.U, trong khi Liverpool có Jackie Sheldon, Tom Miller, Bob Pursell và Tom Fairfoul vì đã tham gia dàn xếp tỷ số mùa giải 1914/15.
Theo như lời khai của những người tham gia, Liverpool sẽ để cho M.U thắng 2-0 để Quỷ đỏ có thể trụ hạng. Song, nhờ những đóng góp trong và sau Thế chiến thứ Nhất (1914-1918) cho Vương quốc Anh, gần như tất cả các cầu thủ này đều được miễn án và được phép trở lại thi đấu từ năm 1919 .
6. Scandal Marseille 1993
Ở mùa giải 1993, Marseille chỉ cần đánh bại được Valenciennes là sẽ lên ngôi vô địch quốc gia Pháp lần thứ năm liên tiếp mà không cần phải quan tâm đến kết quả trận đấu cuối cùng. Trận đấu này được diễn ra chỉ vài ngày trước trận chung kết cúp châu Âu với AC Milan. Kết thúc trận đấu với Valenciennes, Marseille giành chiến thắng 1-0 để mang về danh hiệu nội địa.
Các vụ điều tra sau đó chỉ ra rằng Marseille đã hối lộ quan chức và cầu thủ của Valenciennes. Cuối cùng, đội bóng này bị tước ngôi vô địch, đày xuống giải hạng nhì và các cá nhân liên quan đến vụ mua độ phải đi tù cũng như nhận những án phạt cấm hoạt động bóng đá đến hai năm.
7. Calciopoli 2006
Calciopoli là vụ bê bối lớn nhất của bóng đá Italy khiến câu lạc bộ hùng mạnh Juventus bị tước chức vô địch mùa giải 2005 và 2006. Hai nhân vật chính trong vụ Calciopoli là Tổng giám đốc Juventus, Luciano Moggi và một giám đốc khác của đội bóng này, Antonio Giraudo. Hai quan chức trên tạo một đường dây dàn xếp tỷ số liên quan tới nhiều cầu thủ, trọng tài và cả các quan chức trong liên đoàn bóng đá Italia.
Không chỉ có vậy, Juventus còn bị giáng xuống Serie B sau phán quyết của tòa án thể thao. Ngoài đội bóng thành Turin thì AC Milan, Lazio, Fiorentina và các đội bóng hạng dưới như Reggina, Arezzo cũng bị phạt bằng nhiều hình thức khác trong đó có trừ điểm.
8. Vụ án trọng tài Robert Hoyzer
Hoyzer bị các quan chức bóng đá Đức đưa vào tầm ngắm sau trận thắng 4-2 của đội bóng địa phương Paderborn trước Hamburg mà trọng tài này bắt chính. Paderborn đã giành chiến thắng bằng hai quả penalty khó hiểu và một thẻ đỏ cũng đã được rút ra cho Hamburg.
Sau khi có các kết luận về những sự kiện đen tối của trọng tài này, Hoyzer đã bị phạt cấm hoạt động bóng đá suốt đời và phải trải qua 22 tháng trong một trại giam ở Đức. Những người có liên quan đến Hoyzer trong các vụ việc tiêu cực cũng bị phạt rất nặng với các hình thức cấm thi đấu hoặc tài chính khác nhau.
9. Rivaldo ăn vạ ở World Cup 2002
Ăn vạ là một hành vi đáng xấu hổ trong bóng đá nhưng nó lại được các cầu thủ tận dụng triệt để. Các ngôi sao lớn cũng không tránh khỏi tật xấu này và Rivaldo là cầu thủ đầu tiên bị phạt vì ăn vạ. Tài năng ăn vạ của Rivaldo đã được "phát hiện" ở World Cup 2002.
Cầu thủ người Brazil bị bóng đập vào đùi sau đường chuyền của Hakan Unsal. Có điều thay vì ôm đùi, Rivaldo lại... ôm mặt và tỏ ra rất đau đớn. Trọng tài đã cho Hakan Unsal một chiếc thẻ đỏ, nhưng Rivaldo cũng đã bị FIFA phạt sau trận này.
10. Maradona và “Bàn tay của Chúa”
"Bàn tay của Chúa" là một bàn thắng rất đặc biệt trong lịch sử bóng đá thế giới và nó được ghi bởi huyền thoại Diego Maradona vào năm 1986. Trong trận Tứ kết World Cup 1986 giữa Anh và Argentina, khi tỉ số đang là 1-1, thì vào phút thứ 51, từ một pha phá bóng của một cầu thủ đội tuyển Anh, Diego Maradona băng lên tranh bóng với thủ môn Peter Shilton, do chiều cao hạn chế hơn nên anh quyết định dùng tay đập bóng vào lưới trước sự sững sờ của toàn bộ hơn 114.000 khán giả và thậm chí là cả đồng đội.
Bất ngờ hơn nữa là trọng tài chính lại công nhận bàn thắng trên. Ngay lập tức các cầu thủ đội tuyển Anh chạy lại bao vây trọng tài và phản ứng quyết liệt. Trong buổi họp báo sau trận đấu, khi được phóng viên hỏi về bàn thắng của mình, Maradona đã thốt ra một câu nói rất nổi tiếng: "Tôi đã ghi bàn bằng cái đầu của tôi và bàn tay của Chúa."