Fernando Torres, Liverpool sang Chelsea: 50 triệu bảng (~ 1.625 tỷ đồng)
Đây là bản hợp đồng ‘hớ’ số một trong lịch sử Chelsea. Trước khi đến London, anh còn được xem như là 1 trong những tiền đạo hàng đầu thế giới, giữ trong tay một chức vô địch World Cup và 1 EURO. Nhưng sau 4 đời HLV từ Villas Boas, Rafa Benitez, Roberto Di Matteo và giờ là Jose Mourinho, Torres đều không thể đáp ứng được kỳ vọng.
Torres là bản hợp đồng lãng phí nhất của Chelsea nói riêng và giải Ngoại hạng nói chung.
Ngôi sao Liverpool chuyển sang Chelsea vào năm 2011 và là cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá Anh. Sau 49 trận ở mùa đầu tiên, Torres chỉ ghi 11 bàn. Hiện giờ, anh có 15 bàn sau 85 trận dưới màu áo xanh của Chelsea.
Andy Carroll, Newcastle sang Liverpool: 35 triệu bảng (~1.140 tỷ đồng)
31/1/2011, Andy Carroll được BLĐ The Kop mua về với giá 35 triệu bảng (~1.140 tỷ đồng). Đây rõ ràng là mức phí đắt với một cầu thủ chỉ mới 22 tuổi và chưa thể hiện được nhiều điều như Andy Carroll. Sau này, người ta mới hiểu rằng thật sự Carroll không đắt, mà là…quá đắt bởi lẽ ra cái giá của chân sút này chỉ bằng phân nửa con số trên. Trải qua 44 trận khoác áo Lữ đoàn đỏ, Carroll chỉ có vỏn vẹn 6 bàn thắng.
Carroll quá đắt so với giá trị thực của mình.
Sau cùng, Liverpool đành bấm bụng bán đứt Carroll cho West Ham với cái giá 15,5 triệu bảng (~ 504 tỷ đồng). Mức lỗ ròng 19,5 triệu bảng (~ 634 tỷ đồng) đúng là một đòn đau nhớ đời với bộ sậu chuyển nhượng của The Kop.
Michael Ricketts, Bolton sang Middlesbrough
Mùa Đông 2003, các CĐV Boro hí hửng khi CLB của mình mua được tiền đạo Michael Ricketts từ Bolton với cái giá “hời” 3,5 triệu bảng (~ 114 tỷ đồng). Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, họ đã phải thất vọng tràn trề. Thi đấu cho Boro 38 trận, Michael Ricketts chỉ ghi được có 4 bàn. Thành tích tệ hại này giải thích vì sao chàng cầu thủ sinh năm 1978 đã thay đổi đến 9 CLB khác nhau trong sự nghiệp. Năm 2010, Ricketts kết thúc sự nghiệp tại CLB Tranmere Rovers ở giải hạng Nhất Anh.
Michael Ricketts chỉ có 4 bàn sau 38 trận cho Middlesbrough.
Scott Parker, Charlton sang Chelsea
Năm 2004, Parker nổi lên như 1 trong những phát hiện của giải Ngoại hạng khi anh thi đấu trong màu áo Charlton Athletic. Nhanh chóng, cầu thủ này lọt vào tầm ngắm của gã nhà giàu Chelsea và 10 triệu bảng (~ 325 tỷ đồng) là mức phí đã mang Parker đến với sân Stamford Bridge vào kì chuyển nhượng mùa đông.
Parker không tìm được chỗ đứng trong đội hình Chelsea.
Tuy nhiên tại đây, không may cho Parker khi phải làm "quân xanh" cho Lampard và Makelele. Sự xuất hiện sau đó của Robben và Tiago khiến Parker mất đất và phải rời Stamford Bridge hè 2005.
Jean-Alain Boumsong, Ranger sang Newcastle
Rangers kiếm lợi 8 triệu bảng (~ 260 tỷ đồng) từ hậu vệ từng được ví là "tài năng" Jean-Alain Boumsong. Trong 10 trận đầu chơi cho Newcastle, anh là 1 trong những nguyên nhân chính dẫn tới "thành tích" chỉ giữ sạch lưới 2 trận và thua 4 trận liên tiếp của "Chích chòe". Không hiểu bằng cách nào mà sau đó người đại diện của Boumsong xoay xở để anh tiếp tục khoác áo các đội Juventus, Lyon và Panathinaikos.
Boumsong là 1 trong những nỗi thất vọng lớn nhất của Newcastle ở thị trường chuyển nhượng.
Afonso Alves, Heerenveen sang Middlesbrough
Afonso Alves là cầu thủ Brazil thứ 2 gây thất vọng trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông tại các CLB Anh. Chuyển sang Middlesbrough từ Heerenveen mùa Đông 2008 với giá “ngất ngưởng” 12 triệu bảng (~ 390 tỷ đồng). Đáp lại số tiền “khủng” mà Boro bỏ ra, Afonso Alves ghi… 9 bàn sau 29 trận. Kết quả, anh bị đẩy sang Qatar, thi đấu cho Al-Sadd.
Christopher Samba, Anzhi sang QPR
Samba là 1 trong những trung vệ mà ít cầu thủ muốn đối đầu nhất trong thời gian thi đấu tại Blackburn. Tuy nhiên quãng thời gian “du đấu” tại Nga sau đó đã khiến tài năng của cầu thủ này mai một. Nhiều người nhận ra điều đó, duy chỉ có HLV Harry Redknapp của QPR là không biết. Mùa đông năm 2013, Samba đến Loftus Road với cái giá 12,5 triệu bảng (~ 406 tỷ đồng). Màn trình diễn đáng thất vọng của anh là 1 trong số những nguyên nhân khiến đội bóng xuống hạng.
Samba không còn là chính mình khi khoác áo QPR.
Savio Nsereko, Brescia sang West Ham
Savio Nsereko không phải là một kỷ niệm đáng nhớ với Gianfranco Zola. Khá rõ ràng là Zola đã bị một người quen ở Ý của ông lừa phỉnh. Savio thiếu tham vọng lẫn đẳng cấp để chơi ở Premier League. Anh còn gặp hàng loạt vấn đề bên ngoài sân bóng. Vụ chuyển nhượng anh kỳ lạ tới mức West Ham đã phải lập một ủy ban điều tra nội bộ để làm rõ vụ mua bán.
Fernando Morientes, Real sang Liverpool
Trước khi chuyển đến Liverpool, Morientes chỉ ghi 3 bàn trong 21 trận cho Real trong đó có chuỗi 13 trận liên tiếp không nổ súng. Benitez kì vọng điều gì ở một chân sút đã qua thời đỉnh cao như vậy? Tổng cộng, tiền đạo người Tây Ban Nha ghi được 12 bàn sau 61 trận cho The Kop.
Morientes không thể hiện được nhiều trong màu áo Liverpool.
Diego Forlan, Independiente sang Man United
Forlan hoàn toàn không phù hợp với bóng đá Anh và không thể kết hợp cùng Ruud Van Nistelrooy. 18 trận liền không ghi được bàn thắng nào, Forlan là một trong những bản hợp đồng thất bại của Sir Alex. Kể từ khi rời Quỷ đỏ, tiền đạo người Uruguay tỏa sáng rực rỡ với đỉnh cao là danh hiệu Chiếc giày Vàng World Cup 2010.
Forlan không hợp với MU và giải Ngoại hạng Anh.