Tại sao lại đổ lỗi cho ông Miura khi cầu thủ chấn thương?

Thiên Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 12:20 11/12/2015
Chia sẻ

Danh sách chấn thương của ĐT U23 Việt Nam ngày càng dài ra, và đó cũng là lúc người ta cho rằng lỗi thuộc về HLV Miura.

Chấn thương từ đâu ra? 

Có 2 cầu thủ phải rời ĐT U23 Việt Nam vì chấn thương là Huy Toàn và Ngọc Thắng, những trụ cột đã gắn bó với ông Miura suốt 2 năm qua. Hiện tại, còn 5 cầu thủ gặp phải chấn thương ở các mức độ khác nhau là Tuấn Anh, Duy Mạnh, Hồng Duy, Xuân Mạnh và Văn Dũng. 

Khi nhìn danh sách chấn thương ngày càng tăng, nhiều người đã cho rằng giáo án huấn luyện của HLV Miura chính là nguyên nhân khiến cho các cầu thủ này phải làm quen với bác sỹ thay vì ra sân tập luyện. 

Nhưng trên thực tế, Huy Toàn đã gặp phải vấn đề ở giai đoạn cuối V.League cũng như sau trận đấu với Thái Lan, thì chấn thương ấy lại tái phát. Còn Ngọc Thắng, sau VCK U21 Quốc gia cũng không có được thể trạng tốt nhất. Nghĩa là, cả 2 cầu thủ Đà Nẵng đều gặp chấn thương trước khi lên tuyển. 

 Tuấn Anh là trường hợp chấn thương mới nhất của tuyển U23 Việt Nam. Ảnh: Minh Hoàng

5 cầu thủ đang dính chấn thương hiện tại thì ai cũng biết có đến 3 cầu thủ chấn thương trước đó ở giải U21 quốc tế là Duy Mạnh, Văn Dũng và Hồng Duy. Xuân Mạnh chỉ bị căng cơ do cường độ thi đấu và chưa quen với giáo án của ông Miura trong lần đầu lên tuyển. Còn việc Tuấn Anh tái phát chấn thương, đến từ một pha va chạm trên sân tập. 

Như thế có thể thấy tất cả các chấn thương của đội tuyển U23 Việt Nam lúc này đều bắt nguồn từ những cầu thủ có tiền sử chấn thương, hoặc bản thân cầu thủ ấy đã dính chấn thương trước đó. Không có trường hợp nào gặp chấn thương do giáo án huấn luyện quá nặng của ông Miura, dù thực tế quân số tân binh ở đội tuyển lúc này là khá đông. 

 Giáo án của ông Miura có thực sự nặng? 

Kể cả từ thời A.Riedl cho đến Calisto và bất kỳ nhà cầm quân nào khác của đội tuyển, trong quá trình đầu tiên rèn thể lực lúc đội tuyển hội quân, luôn xuất hiện một vài cầu thủ không đáp ứng được vấn đề sức khỏe, gặp chấn thương và phải rời đội tuyển. Thế nên, có thể nói chấn thương trong thời gian này ở các mức độ khác nhau xảy ra là chuyện bình thường trong bóng đá. 

Nhiều cầu thủ thừa nhận, giáo án của ông Miura quả thực nặng khiến họ gần như mệt nhoài, nhưng càng gần đến khi giải đấu diễn ra, cường độ được giảm dần khiến họ sung sức và khi ra sân thi đấu chạy không biết mệt.

 Giáo án tập nặng của HLV Miura được cho là nguyên nhân khiến các tuyển thủ U23 Việt Nam chấn thương hàng loạt. Ảnh: Minh Hoàng

Trung vệ Quế Ngọc Hải chia sẻ: "Ngày đầu tập trung, bài tâp của ông Miura khiến chúng tôi ướt mồ hôi, mệt kinh khủng. Nhưng ông ấy luôn điều chỉnh rất kịp thời để đến khi cận ngày thi đấu, tự nhiên chúng tôi cảm thấy rất sung sức và thể lực nâng lên rõ rệt." 

Nhìn lại 2 năm làm việc ở Việt Nam của ông Miura, có thể thấy nền tảng thể lực chính là điều được cải thiện một cách rõ rệt nhất so với trước đó và đó cũng là điểm mạnh nhất của vị chiến lược gia người Nhật. Trước đó, ai cũng biết đây là yếu điểm lớn nhất của bóng đá Việt Nam.  

2 năm làm việc ở Việt Nam, hơn ai hết, ông Miura mới là người hiểu cần điều chỉnh giáo án của mình cho phù hợp với các cầu thủ. Bởi chẳng có bất kỳ HLV nào lại muốn học trò của mình bị chấn thương, khi chính họ là những người quyết định trực tiếp chiếc ghế của ông. 

Vậy thì, chẳng có lý do gì chúng ta có thể chê trách và chỉ trích ông Miura trong việc yêu cầu học trò của mình tăng cường thể lực cả. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày