1. Bobby Charlton (Anh) – 1962, 1966 và 1970
Bobby Charlton là 1 trong những chân sút xuất sắc nhất mà bóng đá Anh từng sản sinh ra. Những bàn thắng của ông đã góp phần quan trọng trong chức vô địch World Cup 1966 ngay tại sân nhà. Đặc biệt, ông đã lập cú đúp vào lưới Bồ Đào Nha trong trận Bán kết để rồi sau đó cùng các đồng đội đánh bại Tây Đức ở trận đấu cuối cùng. Tại giải này, Charlton giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải, xếp trên người đồng đội Bobby Moore và huyền thoại Eusebio của Bồ Đào Nha.
Bobby Charlton trong trận Chung kết với Tây Đức (World Cup 1966).
2. Garrincha (Brazil) – 1958, 1962 và 1966
Garrincha là huyền thoại bóng đá đặc biệt của Brazil, bởi lẽ ông sinh ra vốn bị dị tật bẩm sinh, chân trái dài hơn chân phải. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng nhiều tới tài năng chơi bóng của ông. Garrincha lần đầu tham dự World Cup vào năm 1958 tại Thụy Điển, nơi ông 2 lần kiến tạo bàn thắng giúp Brazil lên ngôi vô địch. 4 năm sau khi Pele gặp chấn thương, Garrincha chính là người thủ lĩnh đã dẫn dắt đội bóng xứ sở Samba bảo vệ thành công chức vô địch Thế giới.
Pha kiến tạo đẹp mắt của Garrincha cho Amarildo ghi bàn trong trận gặp TBN (World Cup 1962).
3. Gerd Muller (Tây Đức) – 1970 và 1974
Gerd Muller được người hâm mộ biết đến với biệt danh "Ông vua dội bom" - "Der Bomber". Ông là nỗi khiếp sợ đối với mọi hậu vệ trên thế giới. Năm 1974, Muller chính là người ghi bàn thắng ấn định tỷ số trong trận chung kết gặp Hà Lan, đem về chức vô địch cho người Đức. Trước đó 4 năm, thậm chí hiệu suất của ông còn khủng khiếp hơn với 10 bàn chỉ trong 6 trận và giành danh hiệu Chiếc giày vàng.
14 bàn thắng của Gerd Muller qua các kỳ World Cup.
4. Bobby Moore (Anh) – 1962, 1966 và 1970
Bobby Moore là đội trưởng của lứa cầu thủ Anh đã giành chức vô địch World Cup 1966 tại quê nhà. Ông thống lĩnh hàng phòng ngự thi đấu rất chắc chắn, chỉ để thủng lưới duy nhất 1 bàn trước khi bị Eusebio đánh bại trên chấm penalty ở trận Bán kết. 4 năm sau, Moore vẫn giữ được sự chắc chắn của mình. Sau trận đấu gặp Brazil, chính Pele đã phải chủ động chạy ra ôm chầm lấy ông để thể hiện sự ngưỡng mộ. "Hoàng đế" Franz Beckenbauer từng nói về ông: "Bobby là thần tượng của tôi, tôi vô cùng tự hào vì đã từng được thi đấu với ông ấy".
Cú tắc bóng tuyệt đẹp của Bobby Moore pha chạm trán với Jairzinho (World Cup 1970).
5. Lothar Matthaus (Tây Đức/Đức) – 1982, 1986, 1990, 1994 và 1998
Matthaus là cầu thủ duy nhất trong lịch sử không thi đấu ở vị trí thủ môn mà có thể tham dự được tới 5 kỳ WC - nghĩa là anh đã thi đấu bóng đá đỉnh cao ít nhất trong vòng 16 năm liền. Anh góp mặt trong 1 trận đấu World Cup khi mới 21 tuổi và chỉ từ giã sự nghiệp thi đấu quốc tế ở tuổi 37. Giải đấu xuất sắc nhất của Matthaus là Italia 90 khi lối chơi máu lửa và đầy nhiệt huyết của ông đã góp công lớn vào chức vô địch của đội nhà. Không phải là 1 tiền đạo, nhưng Matthaus cũng đóng góp tới 4 bàn và giành Quả bóng bạc, sau Toto Schillaci.
Bàn thắng của Matthaus trong trận Đức 4-1 Nam Tư (World Cup 1990).
6. Franz Beckenbauer (Tây Đức) – 1966, 1970 và 1974
"Hoàng đế" bóng đá Franz Beckenbauer đã lập 1 kỷ lục vô cùng đặc biệt: ông đã từng giành cả 3 vị trí cao nhất ở 3 kỳ WC mà ông tham dự. Năm 1966, khi mới 20 tuổi Beckenbauer đã ghi được tới 4 bàn thắng và cùng Tây Đức về nhì sau khi chịu thua ĐT Anh ở trận Chung kết. 4 năm sau, Beckenbauer chỉ lọt vào được trận Bán kết rồi ngậm ngùi ra về khi chịu thua Italia 3-4. Ở giải đấu cuối cùng tham dự, ông đã vô địch World Cup 1974 ngay trên sân nhà. Kết thúc sự nghiệp cầu thủ, Beckenbauer thử sức ở vị trí HLV và đưa Tây Đức vô địch Italia 1990. Bằng thành tích đó, ông đã cùng Mario Zagallo trở thành 2 người duy nhất giành được chức vô địch World Cup với tư cách cầu thủ và cả HLV.
Pha đá phạt tuyệt đẹp nhưng không thành bàn của Beckenbauer trong trận Chung kết 1974.
7. Zinedine Zidane (Pháp) – 1998, 2002 và 2006
Zidane chính là cầu thủ xuất sắc nhất mà bóng đá Pháp sản sinh ra sau thế hệ của Michel Platini. Anh kế thừa 1 cách hoàn hảo vị trí số 10 của người tiền nhiệm nổi tiếng, dẫn dắt đội bóng tới chức vô địch World Cup tại quê nhà năm 1998. Trong trận chung kết thắng Brazil 3-0, Zidane tỏa sáng với cú đúp ghi được. Ở kỳ World Cup cuối cùng mà anh tham dự năm 2006, dấu ấn mà Zidane để lại chính là cú húc đầu tặng Marco Materazzi trong trận Chung kết.
Những hình ảnh của Zidane trong kỳ World Cup 1988 diễn ra ở Pháp.
8. Ronaldo (Brazil) – 1994, 1998, 2002 và 2006
Ronaldo nổi danh từ năm 1994 khi cùng ĐT Brazil vô địch World Cup 1994 mặc dù anh không được ra sân 1 phút nào.Tuy nhiên, anh đã khiến cả thế giới phải nhớ đến mình với biệt danh "Người ngoài hành tinh", và là người đang giữ kỷ lục ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử World Cup (15 bàn thắng). Năm 1998, cơn động kinh khó hiểu của Ronaldo trước trận chung kết đã khiến anh thi đấu dưới phong độ khiến Brazil chịu thua Pháp 0-3. 4 năm sau, Ronaldo có cú trở lại ngoạn mục với 8 bàn thắng giúp Brazil lên ngôi vô địch, đồng thời giành danh hiệu vua phá lưới năm đó.
15 bàn thắng của Ronaldo trong các kỳ World Cup mà anh từng tham dự.
9. Pele (Brazil) – 1958, 1962, 1966 và 1970
"Vua bóng đá" Pele chính là cầu thủ trẻ tuổi nhất từng vô địch World Cup (khi mới 17 tuổi vào năm 1958). Mặc dù chỉ là một cầu thủ trẻ nhưng Pele đã ghi tới 6 bàn thắng bao gồm 1 hattrick ở trận Bán kết và 1 bàn khác trong trận chung kết góp công đưa Brazil lên ngôi cao nhất. 4 năm sau, Brazil tiếp tục vô địch WC 1962 nhưng những đóng góp của ông là không đáng kể bởi chấn thương nghiêm trọng mà ông gặp phải.
Năm 1970, ông tỏa sáng rực rỡ trong đội bóng Brazil được xem là hay nhất trong lịch sử các kỳ World Cup. Pele ghi 4 bàn thắng, đồng thời đóng góp công sức trong 10 bàn thắng khác của Brazil. Sau trận chung kết hủy diệt Italia 4-1, Tarcisio Burgnich - cầu thủ theo kèm Pele đã phải thốt lên rằng: "Trước trận đấu, tôi nghĩ Pele cũng chỉ là 1 cầu thủ bình thường như bao người khác. Nhưng bây giờ thì tôi biết là tôi đã sai".
World Cup 1970 là mùa giải thành công nhất của Vua bóng đá Pele.
10. Diego Maradona (Argentina) – 1982, 1986, 1990 và 1994
Nếu như Pele là "vua" thì Maradona được coi là "thánh", cuộc tranh luận xem ai xuất sắc hơn ai sẽ mãi mãi không có hồi kết. Nhưng có 1 điều ai cũng phải công nhận, Pele tỏa sáng cùng 1 đội bóng gồm nhiều danh thủ xuất sắc, còn Maradona làm được điều tương tự nhưng ở trong 1 tập thể không thể sánh bằng.
Dấu ấn khiến người hâm mộ khắc tên ông vào trí nhớ mãi mãi chính là những khoảnh khắc thiên tài ở World Cup 1986. 1 mình Maradona gánh vác Argentina vô địch giải đấu với 5 bàn thắng ghi được, gồm 1 bàn thắng bằng tay đến nay vẫn được mọi người lưu truyền và 1 bàn thắng đẹp nhất trong lịch sử các kỳ World Cup, khi ông dẫn bóng từ giữa sân và ghi bàn vào lưới ĐT Anh. 4 năm sau, Maradona lại cùng các đồng đội đi tới trận Chung kết, nhưng ông đã phải chấp nhận thất bại trước người Đức. Mặc dù chỉ về nhì, nhưng Maradona vẫn được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu.
Pha lập công mang tên "Bàn tay của chúa" ở kỳ World Cup 1986.