Luis Suarez: Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại

Goal, Theo 13:00 23/04/2013

Chúng ta đang không nói về bộ phim từng đưa tên tuổi của Clint Eastwood lên đỉnh cao diễn xuất. Chúng ta đang nói về Luis Suarez - cầu thủ với ba bộ mặt trái ngược nhau.

Năm 1966, bộ phim “The Good, the Bad and the Ugly” được cho ra đời và trở thành một trong những siêu phẩm điện ảnh thành công bậc nhất trong lịch sử của nghệ thuật thứ bảy. Ba nhân vật “người tốt”, “kẻ xấu” và “tên vô lại” được lần lượt Clint Eastwood, Lee Van Cleef, Eli Wallach - những cây gạo cội của màn ảnh lớn nhập vai. 47 năm đã qua đi, cho tới tận tối chủ nhật vừa qua, một lần nữa ba hình ảnh này lại xuất hiện, ở một địa điểm có tính chất khác hẳn: Sân vận động Anfield. Nhưng chỉ khác rằng, lần này chúng ta không có ba diễn viên nổi danh nữa, mà cả ba vai trò trên đã được lột tả chỉ bởi một cái tên duy nhất: Luis Suarez.

Luis Suarez: Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại 1
Tình huống gây tranh cãi nhiều nhất trong trận đấu giữa Liverpool và Chelsea

Trận đấu giữa Liverpool và Chelsea tối chủ nhật vừa qua một lần nữa lại trở thành “sân khấu” lớn, với ánh đèn rọi chiếu theo từng bước chân của Luis Suarez như thể anh là ngôi sao trung tâm của vở diễn. Đường chuyền tuyệt đẹp cho Daniel Sturridge san bằng tỉ số cùng pha chọn vị trí cực kỳ nhạy cảm ở những giây thi đấu cuối cùng để cứu thua cho đội nhà – “Người tốt”. Tình huống để bóng chạm tay trong vòng cấm dẫn đến bàn thắng nâng tỉ số của Eden Hazard trên chấm phạt đền – “Kẻ xấu”. Và cuối cùng, pha... cắn vào bắp tay Branislav Ivanovic – “Tên vô lại”.

“Người tốt”

Xét về chuyên môn, chắc chắn Luis Suarez là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất thế giới hiện nay. Đó là điều không thể phủ nhận.

Sự xuất sắc trước hết thể hiện qua kỹ thuật cá nhân điêu luyện, sức rướn và độ dẻo thuộc loại “dị” nhất bóng đá châu Âu. Cựu cầu thủ kỳ cựu Tommy Smith từng gọi Suarez là “vua” của những pha bóng “xâu kim” đối thủ, và đó chỉ là một trong rất nhiều những kỹ năng rê dắt của tuyển thủ Uruguay. Thật vậy, việc cản bước Suarez thường rất khó khăn, bởi khác với những phong cách rê bóng thông thường, anh sẵn sàng tạo ra những đường bóng tưởng như là “tối” nhất để qua người.

Luis Suarez: Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại 2
Tài năng của Suarez là không thể phủ nhận

Sự xuất sắc cũng thể hiện ở khả năng săn bàn siêu hạng và đa dạng. Tiền đạo sinh năm 1987 được người hâm mộ Ajax Amsterdam đặt biệt danh là “El Pistolero”, nghĩa là “Tay súng”. Nó không chỉ bởi pha ăn mừng bàn thắng quen thuộc của anh (hai tay tạo thành hình khẩu súng bắn liên tục), mà chủ yếu từ khả năng “bắn phá” khung thành đối thủ của Suarez.

Ba mùa giải rưỡi của anh tại Ajax từ năm 2008 đến năm 2011, Suarez luôn luôn là cầu thủ quan trọng nhất ở hàng công đội bóng áo trắng-đỏ. Sau 159 trận, Suarez đã ghi tới 111 bàn - một hiệu suất khủng khiếp, trong đó đỉnh cao là 49 bàn trong 48 trận ở mùa giải 2009-2010. Sau hơn một mùa giải dần thích nghi với môi trường bóng đá Anh, Suarez đang “nổ súng” đều đặn và dẫn đầu danh sách vua phá lưới Premier League năm nay. Tại ĐT Uruguay, anh đang là nhân tố quan trọng nhất, trên cả Edinson Cavani - một chân sút cự phách khác. Hiện tại, Suarez đã có 31 bàn thắng cho ĐTQG, chỉ còn kém cột mốc 33 bàn của Diego Forlan hai lần lập công để trở thành tay săn bàn vĩ đại nhất của đội bóng Nam Mỹ.

Sức ảnh hưởng của Suarez lên các đồng đội là cực kỳ lớn, không kém gì sức ép anh dành cho đối thủ. Đó chính là lý do vì sao anh đang được HLV Oscar Tabarez tin tưởng giao băng đội trưởng ĐT Uruguay mỗi khi Forlan vắng mặt, cũng là lý do vì sao anh được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất Copa America 2011.

Nhưng, đó không phải là tất cả. Không có ai là hoàn hảo. Nếu chỉ nhìn dưới góc độ chuyên môn thì chưa chắc những Oliver Kahn, Roy Keane, Eric Cantona, Diego Maradona,... hay mới đây là Cristiano Ronaldo, Mario Balotelli lại được chú ý nhiều tới vậy.

“Kẻ xấu” và “tên vô lại”

Bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Sergio Leone đã chỉ rõ rằng, “kẻ xấu” chưa chắc đã là một kẻ đáng khinh, nhưng “tên vô lại” thì chắc chắn không thể nhận được sự tôn trọng.

Suarez không chỉ mang đến cho sân cỏ những màn trình diễn đáng khâm phục, mà còn cả những nét xấu xí. Những pha ăn vạ, ngã vờ nhiều tới mức trong không ít tình huống thực sự bị phạm lỗi, anh cũng bị các trọng tài chính... nghi ngờ. Nhưng chắc chắn một trong những pha bóng thiếu fair-play nhất trong sự nghiệp của cầu thủ sinh năm 1987 phải là tình huống dùng hai tay cản bóng để cứu cho ĐT Uruguay một bàn thua trông thấy tại tứ kết World Cup 2010. Suarez nhận thẻ đỏ, nhưng bù lại Uruguay tránh được việc bị loại sau 120 phút và tiến tiếp Bán kết.

Luis Suarez: Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại 3
Pha cản bóng bằng tay của Suarez trong trận tứ kết World Cup 2010

Cần khẳng định rằng, những pha bóng như vậy cuối cùng cũng chỉ nhằm mục đích mang về lợi ích lớn nhất cho đội bóng của anh. Dù có thể chẳng mấy thích thú trước những pha bóng như vậy, nhưng chắc chắn sẽ không có một người hâm mộ nào chỉ trích anh nặng nề vì chuyện đó. Thậm chí, các cổ động viên của Uruguay còn... tung hô pha bóng này của anh(!).

Đó là hình ảnh của một “kẻ xấu”. Lịch sử thế giới nói chung cũng như lịch sử bóng đá nói riêng đã có rất rất nhiều trường hợp tương tự. Cũng giống như “Bàn tay của Chúa” mà Maradona thực hiện năm 1986, sẽ luôn luôn có hai thành phần: Một bên phản đối kịch liệt, còn một bên vẫn dành những sự khen ngợi.

Đó là sự khác biệt với hình ảnh của “tên vô lại” trong trong bộ phim đã nói. Đơn giản là với “kẻ xấu”, dù tính chất của hành động là không đẹp thì bản chất vẫn là tích cực, còn “tên vô lại” chỉ đơn thuần là tiêu cực.

Nói riêng trong bóng đá, cú cắn tay Ivanovic không phải là hành động xấu xí đầu tiên, nhưng hãy tự hỏi, liệu có cổ động viên nào của Manchester United không cảm thấy xấu hổ khi Eric Cantona “song phi” vào khán giả, có người hâm mộ nào của Real Madrid không phẫn nộ trước hành động bỏ bóng đá người của Pepe, có ai yêu bóng đá đẹp lại không ôm mặt buồn bực đan xen khi Zinedine Zidane húc thẳng vào ngực Marco Materazzi rồi cúi đầu bước ngang qua chiếc cúp vàng thế giới?

Nhưng hãy tạm dẹp các so sánh này sang một bên để trở lại với Luis Suarez. Cần nhắc lại rằng, đây không phải lần đầu tiên anh... cắn một cầu thủ đối phương. Ngày 20/11/2010, anh chồm lên vai Otman Bakkal của PSV và đặt... dấu răng lên đối thủ. Liên đoàn bóng đá Hà Lan lập tức treo giò anh 7 trận, cùng rất nhiều các hình phạt tài chính, lao động công ích, còn tờ De Telegraaf đặt cho Suarez một biệt danh đáng xấu hổ: “Gã Cannibal của Ajax”.

Luis Suarez: Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại 4
Otman Bakkal (trái) chỉ cho đồng đội vết cắn của Suarez trên cổ

Chưa biết được rằng liệu FA sẽ đưa ra những án phạt nào cho hành vi này của Suarez, nhưng chắc chắn những hồ sơ về án treo giò tám trận họ dành cho anh ở mùa giải 2011/12 sẽ được lật lại. Mùa giải ấy, một trong những câu chuyện đã khiến báo giới tốn không ít bút mực chính là về lời tố giác phân biệt chủng tộc từ Patrick Evra khi cầu thủ người Pháp một mực khẳng định Suarez đã có những lời lẽ không đẹp về màu da của anh. Sau này, khi bị HLV David Moyes của đại kình địch Everton khiêu khích về những hành vi ăn vạ, Suarez cũng sẵn sàng ăn mừng bàn thắng vào lưới đội bóng áo xanh bằng cách... ngã ra trước mặt Moyes. Đó là những hình ảnh thực sự không đẹp đến từ số 7 của Liverpool.

Sau trận đấu, Suarez đã liên lạc với Ivanovic để gửi lời xin lỗi và trung vệ người Serbia cũng đã bỏ qua cho anh, nhưng những ấn tượng xấu thì rất khó để xóa nhòa. Bóng đá cũng giống như một xã hội thu nhỏ, buộc phải có những điểm tích cực và tiêu cực. Tùy vào góc nhìn của mỗi người mà Suarez sẽ được đánh giá theo những cách khác nhau, nhưng nói riêng về cộng đồng hâm mộ Liverpool - những người luôn nêu cao tinh thần “Không cầu thủ nào lớn hơn đội bóng”, thì chủ nhạt vừa qua, đã có rất nhiều sự thất vọng được thể hiện, dù tiền đạo Uruguay chính là người gỡ hòa phút chót.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày