Tại Olympic Bắc Kinh 2008, Triều Tiên đã làm cả thế giới sững sờ khi giành được chiếc huy chương vàng (HCV) cử tạ đầu tiên tại giải đấu này. Chỉ sau 6 năm, quốc gia Đông Á đã trở thành 1 cường quốc cử tạ của thế giới khi họ đứng đầu bảng tổng sắp huy chương ở giải Vô địch cử tạ thế giới ở Kazakhstan, với 12 tấm HC vàng. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử thể thao nước này đứng đầu bảng vàng ở một giải đấu lớn tầm cỡ thế giới. Ba trong tổng số bốn HC vàng mà đoàn thể thao quốc gia này giành được ở Olympic London 2012 cũng từ môn cử tạ.
Chủ tịch Triều Tiên, ông Kim Jong-Un gần đây đã tuyên bố muốn biến Triều Tiên thành một cường quốc thể thao trong chỉ vài năm tới. Và một phần của mục tiêu đó đã thành hiện thực với cử tạ - một môn chính và truyền thống của hệ thống thi đấu Olympic. Đây là thành quả đáng mơ ước với mọi nền thể thao, khiến giới chuyên môn ngạc nhiên vì Triều Tiên là quốc gia bí ẩn và không muốn mở cửa với quốc tế.
Vậy đâu là những nguyên nhân chính dẫn tới thành công của cử tạ Bắc Triều Tiên?
Cánh tay ngắn, lưng dài, chân ngắn:
Đây được coi là yếu tố cơ bản, và liên quan tới di truyền học. Giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn cử tạ Vương quốc Anh, Tommy Yule, nhận xét trên BBC: “Các VĐV Triều Tiên trông đúng như những gì các bạn thường hình dung về hình thể của một lực sĩ cử tạ truyền thống. Họ có thể hình quá chuẩn ở môn này: cánh tay ngắn, lưng dài và chân ngắn - ngược với chuẩn thể hình ở các VĐV điền kinh cự ly ngắn hoặc ném lao”.
Tiêu biểu cho thể hình lý tưởng trong môn cử tạ là Om Yun Chol. Chỉ cao 1,524 m, VĐV 23 tuổi này tranh tài ở hạng cân thấp nhất - 56 kg (hạng cân có Thạch Kim Tuấn của Việt Nam). Tại Olympic London 2012 và giải vô địch thế giới 2014, anh nâng tổng trọng lượng hơn gấp 3 cân nặng của mình trên đường giành HCV và phá kỷ lục thế giới.
Các trại huấn luyện tập trung:
Theo VĐV cử tạ Anh Zoe Smith, các lực sĩ Triều Tiên - cũng giống như các VĐV những bộ môn khác - phần lớn thời gian trong năm đều tập luyện tại những trung tâm huấn luyện chuyên biệt trong nước.
Các VĐV cử tạ Bắc Triều Tiên tập luyện ở những trung tâm chuyên biệt.
Đây là mô hình rèn luyện VĐV đỉnh cao không còn tồn tại ở các nền thể thao phương Tây. Theo đó, các VĐV Triều Tiên dành phần lớn thời gian mỗi năm tại các trung tâm huấn luyện thể thao tập trung của quốc gia. Họ ăn, ngủ và thở cùng cử tạ. Nghiệp thi đấu cử tạ giống như sự sống còn của họ, và những người không thể theo kịp những yêu cầu khắc nghiệt đó sẽ bị loại bỏ.
Và nhiều bí mật khác đằng sau thành công của Triều Tiên:
Trung Quốc cũng là một cường quốc về cử tạ. Họ đã giành chín HC vàng tại giải Vô địch thế giới 2014 (kém ba so với Triều Tiên), và có năm HC vàng ở Olympic 2012 (nhiều hơn đội Triều Tiên hai tấm). Tuy nhiên, bước tiến của họ không gây sốc như so với thành công nhảy vọt của cử tạ Triều Tiên: từ 3 HCV ở Olympic 2012 lên 12 chức vô địch ở giải thế giới 2014.
Giới chuyên môn quốc tế vẫn có thể thu được những thông tin về cử tạ Trung Quốc hoặc phương pháp huấn luyện của các HLV đất nước đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, những nỗ lực tìm hiểu về phương pháp tập luyện của cử tạ Triều Tiên gần như đạt con số 0 khi đoàn này ít tiếp xúc báo chí.
Theo ông Tommy Yule, điều đáng kinh ngạc là các HLV Triều Tiên hướng dẫn, chỉ đạo ôn hòa trong quá trình chuẩn bị cho một giải đấu, khác nhiều so với phong cách có phần nóng nảy, nghiêm khắc lắm lúc thô bạo của những HLV Đông Âu – một khu vực mạnh về cử tạ.
Bóng đen của vấn nạn doping ở Triều Tiên:
Những thành công bí ẩn trong thể thao thường dẫn đến hoài nghi: Liệu chăng có bàn tay của chất kích thích bị cấm (doping)? Như thừa nhận của Tổng Giám đốc Liên đoàn Cử tạ quốc tế (IWF) Attila Adamfi, do thủ tục xuất nhập cảnh ở Triều Tiên khá nghiêm ngặt nên các quan chức IWF không thể đến thực thi nhiệm vụ ở đây một cách dễ dàng. Thế nhưng, các lực sĩ Triều Tiên vẫn được kiểm tra doping thường xuyên, kể cả các đợt khi không có giải đấu hoặc tuân thủ chương trình “sẵn sàng” - có mặt tham gia xét nghiệm bất kỳ trong 1 giờ - điều cũng khó với điều kiện đi lại ở Triều Tiên.
Ông Adamfi khẳng định các VĐV của Triều Tiên cũng phải luôn sẵn sàng bị kiểm tra doping ngẫu nhiên ngay tại nơi tập luyện vào bất cứ giờ nào, ngày nào trong năm, như các lực sĩ cử tạ quốc tế khác. Nhưng giới chuyên môn cho rằng hệ thống kiểm tra doping ngẫu nhiên đột xuất khó có thể đạt hiệu quả cao nhất ở một quốc gia rất khó tiếp cận thường xuyên. Dù vậy, riêng trong năm nay đã có tới 25 lực sĩ cử tạ của Triều Tiên bị xử phạt vì doping. Trong khi đó chỉ có tổng cộng 20 VĐV cử tạ của các quốc gia Đông Âu bị phát hiện sử dụng chất cấm, với riêng Bulgaria có 11 VĐV.
Triều Tiên bắt đầu cởi mở hơn với thế giới:
Tham vọng của thể thao quốc gia này giờ không chỉ còn giới hạn ở quyết tâm giành nhiều huy chương. Họ còn muốn tổ chức các giải đấu lớn, trong đó có giải Vô địch cử tạ thế giới. Họ đã thất bại trong cuộc vận động giành quyền làm chủ nhà giải Vô địch cử tạ trẻ thế giới 2017 vì bị nghi ngờ về khả năng điều hành sự kiện thể thao lớn, nhưng họ sẽ tiếp tục nộp hồ sơ xin tổ chức giải đấu của năm 2018.
Giải Vô địch thế giới 2015 ở Mỹ, từ 21/11 đến 28/11, sẽ giúp làng cử tạ thế giới có thêm cơ hội thẩm định xem Triều Tiên đã thực sự là một cường quốc cử tạ, sau đó sẽ là Olympic Rio 2016.