10 tranh cãi không bao giờ có hồi kết của làng bóng đá

NCT, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 27/05/2015
Chia sẻ

Bóng đá là một trò chơi hấp dẫn, thú vị và tất nhiên là đầy tranh cãi. Điều này đặc biệt đúng với môi trường bóng đá tại xứ sở Sương mù.

10. Gerrard và Lampard liệu có thể đá cặp cùng nhau?


8 năm ròng rã, từ Euro 2004 đến Euro 2012, đội tuyển Anh luôn loay hoay với bài toán sắp xếp nhân sự ở hàng tiền vệ, nơi họ sản sinh ra khá nhiều nhân tài cho nền bóng đá thế giới. Trong đó, câu hỏi làm đau đầu những vị thuyền trưởng, các chuyên gia bóng đá và người hâm mộ của đội tuyển Tam sư chính là việc liệu Steven Gerrard và Frank Lampard, 2 tiền vệ trung tâm xuất sắc bậc nhất thế giới, có thể chơi cùng nhau tại trung tâm hàng tiền vệ hay không? 3 đời HLV của tuyển Anh, từ Sven-Goran Eriksson đến Fabio Capello, chưa ai giải đáp được câu hỏi trên. Thậm chí, chiến lược gia Eriksson đã bỏ qua tài năng của Paul Scholes chỉ để loay hoay với Gerrard và Lampard.

9. “Liệu Messi có thể ghi bàn trong một đêm thứ 4 ẩm ướt và lạnh lẽo tại Stoke?”


Câu nói nổi tiếng trên của cựu cầu thủ Andy Gray vào năm 2010 là một lời thách thức gửi đến tiền đạo Lionel Messi. Theo đó, Andy Gray cho rằng Lionel Messi sẽ phải rất chật vật nếu phải làm khách của Stoke City tại sân Britania, hiểm địa của các công lớn, vào một đêm đông lạnh lẽo và ẩm ướt (ẩn ý chỉ lịch thi đấu dày đặc và khó khăn của NHA). Câu nói này cũng gián tiếp tâng bốc chính NHA là giải đấu hấp dẫn nhất thế giới.

8. Bóng đã lăn qua vạch vôi chưa?


Năm 1966, tại kỳ World Cup tổ chức trên đất Anh, làng túc cầu đã nổ ra cuộc tranh cãi lớn xung quanh bàn thắng của huyền thoại Geoff Hurst vào lưới tuyển Đức. Người ta không thực sự xác định được trong tình huống đó, bóng đã lăn qua vạch vôi hay chưa? Nhờ bàn thắng gây tranh cãi này mà Tam sư vươn lên dẫn trước Cỗ xe tăng 3-2 và giành thắng lợi chung cuộc 4-2 tại trận Chung kết năm đó. Sau tình huống của Geoff Hurst, bóng đá thế giới còn nhiều lần chứng kiến những quyết định gây tranh cãi xoay quanh việc bóng đã lăn qua vạch vôi hay chưa?! Chính người Anh cũng là một nạn nhân khi tại World Cup 2010, Frank Lampard đã bị từ chối 1 bàn thắng hợp lệ do trọng tài nhận định sai về tình huống bóng chưa lăn qua vạch vôi.

7. Tại sao người Anh không bao giờ tập đá penalty?


Có lẽ trong lịch sử bóng đá thế giới, đội tuyển Anh là đội bóng đen đủi nhất trên những loạt sút penalty. Họ đã từng bị loại khỏi 3 kỳ World Cup (1990, 1998, 2006) và 3 kỳ Euro (1996, 2004, 2012) bởi những màn đấu súng cân não. Thế nhưng, thật lấy làm lạ khi trong những buổi tập của Tam sư, các bài tập về sút penalty lại không được chú trọng và đề cao. Rõ ràng tuyển Anh thiếu sự chuẩn bị tâm lý kỹ càng cho những trận đánh lớn.

6. Ai là HLV tài năng mà tuyển Anh không bao giờ có được?


Nước Anh là quốc gia có nền bóng đá phát triển lâu đời, do đó, nơi đây sở hữu rất nhiều danh thủ và cả các vị thuyền trưởng tài ba. Tuy nhiên, tuyển quốc gia của Anh thì lại thường bỏ qua những cái tên tài năng cho vị trí HLV, đơn cử như Brian Clough (HLV huyền thoại tại Anh) hay Peter Taylor. Và đó chưa phải là những cái tên cuối cùng khi Jose Mourinho hay Pep Guardiola cũng đã từng bị FA khước từ.

5. Tuyển Anh và vấn đề với hàng thủ tài năng


Trong vòng hơn 25 năm trở lại đây, bóng đá Anh sản sinh ra khá nhiều trung vệ xuất sắc như Des Walker, Tony Adams, Gary Pallister, Martin Keown, Sol Campbell, Rio Ferdinand hay John Terry. Thế nhưng, một điều khó hiểu là những cái tên xuất chúng kia hầu như chỉ thi đấu tốt khi ở CLB, còn mỗi lúc lên tuyển và ráp lại cùng nhau, họ trở thành những gã vụng về đáng thương. Có lẽ, cùng với bài toán tiền vệ trung tâm, tìm kiếm cặp trung vệ hoàn hảo cũng là câu hỏi không dễ giải đáp cho Tam sư.

4. Đâu là “điểm nóng” của bóng đá Anh?


Khu vực Đông Bắc nước Anh chính là nơi bạn dễ dàng tìm thấy các fan cuồng của trái bóng tròn. Nơi đây tập trung những đội bóng giàu truyền thống như Liverpool, MU hay Newcastle. Ở chiều ngược lại, các CĐV đến từ Tây Bắc của xứ sở sương mù cũng có lý lẽ phản bác khi 6/12 đội bóng đầu tiên của Football League (tiền thân NHA) thuộc khu vực này. Những câu hỏi đại loại như thế này thường gây tranh cãi do lòng tự tôn của những cư dân tại nhiều vùng miền khác nhau.

3. Ai sẽ đảm nhận cánh trái của tuyển Anh?


Khác hẳn với vị trí hậu vệ cánh phải, biên trái hàng thủ của tuyển Anh là vị trí đầy bất ổn. Đã rất nhiều cái tên được thử nghiệm và thất bại ở vị trí này. Chỉ đến khi Sven-Goran Eriksson nắm quyền thì mọi thứ mới êm xuôi với quyết định lựa chọn Ashley Cole làm hạt nhân của ông. Tuy nhiên, giờ đây, Cole đã không còn thi đấu cho Tam sư, suất đá biên trái đang là sự cạnh tranh gay gắt giữa Kieran Gibbs, Leighton Baines và Luke Shaw.

2. Tại sao John Barnes lại vô duyên trong màu áo tuyển Anh?


John Barnes là một cái tên khét tiếng một thời của bóng đá Anh. Sự nghiệp của ông gắn liền với những thành công cuối cùng của kỷ nguyên Liverpool và cái tên John Barnes gây ra sự sợ hãi với nhiều hàng phòng ngự trứ danh. Tuy vậy, anh lại khá vô duyên khi lên tuyển và thường bỏ lỡ những giải đấu quan trọng cùng Tam sư.

1. Ronaldo và Messi: ai giỏi hơn ai?


Đây là câu hỏi tương tự như câu “Pele và Maradona: ai giỏi hơn ai?”. Và tất nhiên, những câu hỏi thế này thường rất khó để đưa ra một lời giải đáp thỏa đáng. Cả CR7 và Leo đều sở hữu những tố chất riêng biệt và phong cách thi đấu đặc trưng, do đó, sẽ rất khập khiễng nếu để họ lên bàn cân để so sánh.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày