Bảng 5, 12/2/1983: Đảo Síp 1-1 Italia
Không ai có thể ngờ nhà ĐKVĐ thế giới khi đó lại chơi thảm hại tại vòng loại Euro 1984 như vậy. Đội hình từng vượt qua mọi đối thủ tại Espana 1982 để giành chức vô địch thế giới lần thứ 3 trong lịch sử vẫn còn đó: từ HLV tài năng Enzo Bearzot đến các cầu thủ đẳng cấp như Franco Baresi, Claudio Gentile, Paolo Rossi nhưng hình như chiến tích vài tháng trước đã làm lu mờ màu thiên thanh.
Italia hòa một loạt 3 trận đầu tiên tại vòng loại trước Tiệp Khắc (2-2), Rumani (0-0) và bẽ bàng nhất chính là trận hòa với Đảo Síp khi đó chỉ là “con tốt” trên bàn cờ bóng đá Châu Âu. Síp thậm chí còn dẫn trước Italia bằng bàn thắng của Christos Omirou phút 47 và may mắn khi ở phút 58, Francesco Graziani mới gỡ gạc thể diện cho Azzurri. Kết thúc vòng loại, Italia chỉ đạt có 5 điểm, xếp thứ 4 trên mỗi Đảo Síp và bị loại trong nỗi ê chề.
Bảng 3, 05/06/1991: Na Uy 2-1 Italia
Tiếp tục là cái tên Italia hiện hữu trong những cú sốc tại vòng loại Euro khi Azzurri đầu thập niên 90 thế kỉ trước đã để Na Uy với những cầu thủ vô danh đánh bại bằng 2 bàn thắng của Tore Dahlum (4’) và Lars Bohinen (25’). Italia chỉ có bàn danh dự phút 77’ của chân sút tài năng Salvatore Schillaci. Thế hệ những Carlo Ancelotti, Gianluca Vialli, Roberto Baggio, Paolo Maldini sau đó còn tiếp tục bị Na Uy cầm hòa 1-1 ở lượt trận cuối cùng trên sân nhà và chỉ có vị trí thứ 3 bảng 3 sau Liên Xô, chính thức không có vé dự Euro 1992.
Bảng 3, 05/06/1991: Xứ Wales 1-0 Đức
Ian Rush, kẻ khiến người Đức bẽ mặt năm 92.
Vẫn tại vòng loại Euro 1992 và thật trùng hợp khi đúng ngày đội thứ 3 thế giới Italia gục ngã trước Nauy thì ở vương quốc Anh, đội tuyển nhỏ bé Xứ Wales đã khiến cả làng túc cầu sửng sốt khi hạ gục nhà đương kim vô địch thế giới Đức tại Cardiff. Người hùng ghi bàn thắng ở phút 66 là huyền thoại của Liverpool, Ian Rush. Nhưng dù bị bẽ mặt như vậy nhưng người Đức đã không như người Italia, vẫn lọt qua vòng loại đầy khó nhọc để có mặt tại Euro 1992.
Bảng 5, 07/06/1995: Belarus 1-0 Hà Lan
Pháp có thể đã nghĩ rằng có thể đánh bại Belarus tại vòng loại Euro 2012 mà quên mất 15 năm trước, Belarus nhỏ bé cũng khiến “cơn lốc màu da cam” Hà Lan mất mặt khi cũng có chiến thắng sát nút 1-0 dù bị dồn ép trong cả trận đấu. Đó là bài học cho các đội bóng lớn khi ra trận mà trong tư tưởng đã có suy nghĩ dễ dàng đè bẹp đối thủ và bi kịch sẽ xảy ra. Hà Lan sau đó chỉ vượt qua vòng loại nhờ chiếc vé vớt, liệu số phận của Pháp hiện tại có được như vậy?
Bảng 6, 05/09/1998: Đảo Síp 3-2 Tây Ban Nha
Đảo Síp có lẽ luôn có duyên với những trận đấu “động trời” bởi cách đây tròn 12 năm, đội tuyển tí hon gồm phần lớn cầu thủ nghiệp dư (chỉ chơi bóng cho vui còn có cầu thủ nghề chính chỉ là… cắt tóc) đã làm đội tuyển Tây Ban Nha trải qua những thời khắc đáng quên nhất trong lịch sử. Trong một ngày “lên đồng”, Síp đã khiến đội bóng xứ sở bò tót tối tăm mặt mũi và chịu thua khó tin với tỷ số 2-3. Chỉ vì trận thua xấu hổ đó mà chỉ vài ngày sau HLV Javier Clemente đã ngay lập tức bị sa thải. Tây Ban Nha sau đó đã xốc lại tinh thần và không thi đầu hời hợt khinh địch như trước (thắng Síp 8-0 trong trận lượt về ngày 08/09/1999) để bước vào Euro 2000 đầy nhọc nhằn.
Bảng 10, 29/03/2003: Albania 3-1 Nga và 30/04/2003: Georgia 1-0 Nga
Đội tuyển Nga rất có duyên với những trận thua không tưởng nhưng có lẽ một phần vì sự chủ quan. Tại vòng loại Euro 2004, Nga đã thắng đậm Albania 4-1 trên sân nhà ngày 16/10/2002 và đầy tự tin khi trận lượt về diễn ra nửa năm sau. Nhưng Albania đã dạy cho “gấu Nga” bài học khi thắng lại với tỷ số 3-1 khiến toàn đội tuyển xứ sở bạch dương suy sụp tinh thần và để cho “nhược tiểu” Georgia đánh bại sát nút 1 tháng sau đó. Cuối cùng may mắn, Nga vẫn lọt qua khe cửa hẹp khi đã thắng trận play-off với xứ Wales.
Play-off, 15/11/2003: Latvia 1-0 Thổ Nhĩ Kỳ và 19/11/2003: Latvia 2-2 Thổ Nhĩ Kỳ
Verpakovskis, người hùng của Latvia tại vòng loại 2004.
Trước vòng loại Euro 2004, Latvia chưa từng được biết đến tại các ngày hội bóng đá lớn trên thế giới. Và ngay cả khi xuất sắc giành tấm vé dự trận play-off sau khi vượt qua cả Ba Lan và Hungary ở bảng 4 để xếp sau Thụy Điển, thì ít ai tin Latvia có cơ hội trước đội bóng đứng thứ 3 tại World Cup 2002 Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 trận play-off. Nhưng chiến thắng 1-0 trên sân nhà và lội ngược dòng trên sân khách dù bị dẫn 2 bàn trên chảo lửa Inonu tại Istanbul đã đưa Latvia lần đầu tiên góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất Châu Âu. Còn Thổ Nhĩ Kỳ từ trận thua đó đã không thể trở lại thời kỳ hoàng kim như những năm trước đó.
Bảng F, 06/09/2006: Bắc Ai Len 3-2 Tây Ban Nha
Một dấu mốc khó quên trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha trước khi thống trị cả Châu Âu năm 2008 và thế giới năm 2010 chính là trận thua bẽ bàng trước Bắc Ai Len. Dù liên tục dẫn trước đối phương bằng 2 bàn thắng của Xavi (14’) và Villa (52’) nhưng trong một ngày xuất thần, tiền đạo David Healy (đang chơi cho Ipswich Town tại nước Anh) đã lập cú hat-trick ở các phút 20, 65, 80 khiến Tây Ban Nha gục ngã. Và đó cũng là trận đấu cuối cùng trong màu áo đội tuyển quốc gia của “chúa nhẫn” Raul như một cái kết đầy bi ai cho cầu thủ đã đi vào huyền thoại của bóng đá xứ sở bò tót.
Bồ Đào Nha 4-4 Đảo Síp
Ở thời điểm hiện tại, bóng đá Châu Âu đã xích lại gần hơn về trình độ nhưng sẽ chẳng ai nghĩ trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Đảo Síp lại có tỷ số không tưởng như vậy. Với dàn hảo thủ thi đấu tại các đội bóng hàng đầu Châu Âu nhưng Bồ Đào Nha liên tục để đối phương dẫn trước và khi đã có cơ hội giành chiến thắng thì lại để đối phương tung “nhát kiếm” kết liễu ở những phút cuối. Đó là cú sốc lớn nhất gần đây tại vòng loại Euro và liệu thời gian tới sẽ là những trận đấu “trứng chọi đá” nào sẽ tiếp tục diễn ra?