Sống sót sau khi bị cướp biển bắt cóc

Hoài Vy (theo Theguardian), Theo Tiền Phong 10:44 15/09/2024
Chia sẻ

Năm 2011, nhân viên cứu trợ Jessica Buchanan đã bị bắt làm tù binh ở Somalia. Bà được Hải quân Mỹ giải cứu ba tháng sau và từ đó, mỗi ngày bà đều có cảm giác như là ngày cuối cùng.

Khoảnh khắc bị bắt cóc, tâm trí bà Jessica Buchanan trở nên trống rỗng. Bà không thở được. Bà cảm thấy vừa lạnh cóng vừa như bị thiêu sống. “Tôi chỉ nghĩ rằng, điều này thật tồi tệ. Tôi đã được đào tạo cơ bản, nhưng không chuẩn bị cho bạn cho điều này, bởi vì bạn không bao giờ nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra với mình. Chúng ta luôn nghĩ rằng mình là ngoại lệ và rồi đột nhiên hiện thực đập vào mặt bạn và bạn hoàn toàn bất lực”, bà kể lại.

Sống sót sau khi bị cướp biển bắt cóc- Ảnh 1.

Cựu tổng thống Barack Obama (cùng vợ Michelle) thông báo ông John Buchanan rằng con gái ông đã được giải cứu

Đó là vào tháng 10/2011, khi bà Buchanan, một người Mỹ 32 tuổi và thời bấy giờ sống tại Hargeisa, thủ phủ của Somaliland, cùng với người chồng Thụy Điển, ông Erik Landemalm. Cả hai đều làm việc cho các tổ chức phi chính phủ. Bà Buchanan là cố vấn giáo dục địa phương, cung cấp tài liệu để dạy trẻ em cách tránh bom mìn chiến tranh. Bà yêu cuộc sống của mình. “Châu Phi thực sự rất đẹp. Luôn có thứ gì đó để ngắm nhìn và trải nghiệm. Tôi cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa”, bà nói.

Khi bị bắt cóc, bà đang tham gia khóa đào tạo nhân viên ở phía Nam Somalia, cách Hargeisa 770km. Nơi này cách một hang ổ cướp biển nổi tiếng chỉ 500m và cướp biển Somali đang chuyển từ việc bắt giữ tàu thuyền sang bắt giữ người trên đất liền. Bà Buchanan không biết điều này, nhưng bà biết khu vực này rất nguy hiểm và không muốn tham gia khóa đào tạo. Bà đã lên tiếng bày tỏ mối quan ngại của mình và đã hủy bỏ khóa đào tạo ba lần.

Vào ngày bà tham dự, bà đang đi với một đồng nghiệp người Đan Mạch, ông Poul Hagen Thisted, khi một chiếc xe gầm rú bên cạnh và buộc họ phải dừng lại. Có tiếng la hét, cửa mở ra, những người đàn ông có vũ trang nhảy vào xe và ra lệnh tài xế lái đi. Một người đàn ông ngồi cạnh Buchanan đã chĩa một khẩu AK-47 vào đầu bà.

“Người đàn ông ngồi sau tôi lục tung túi xách của tôi rồi ném nó ra sau lưng anh ta. Anh ta đang phê khat (một loại cây hoa có tác dụng kích thích)”, bà nói. Họ lái xe trong nhiều giờ, đôi khi dừng lại để đổi xe hoặc tài xế. Những kẻ bắt cóc cũng thay đổi.

Vào lúc nửa đêm, họ dừng lại ở sa mạc. Bà Buchanan và ông Thisted được lệnh đi bộ vào vùng hoang dã. Bà tin rằng họ đang đi gần đến cái chết. “Tôi muốn khoảnh khắc cuối cùng của mình được trang nghiêm, không phải tuyệt vọng. Tôi cảm thấy điều đó quan trọng, mặc dù không có người thân nào của tôi ở gần”, bà nói. Cuối cùng, họ được lệnh quỳ xuống, quay lưng về phía những người đàn ông. Một trong số họ hét lên: “Ngủ đi” và đẩy họ xuống đất. “Tôi ngất đi và thức dậy sau vài giờ. Tội nghĩ mình đang ở địa ngục”, cô nói.

Mặc dù ông Thisted và bà Buchanan hầu như không được phép nói chuyện với nhau, nhưng đôi khi họ vẫn cố gắng. Những ngày đầu, họ vạch ra chiến lược cơ bản để thu thập thông tin. “Cố gắng để ý hiểu và ghi nhớ các chi tiết, nó khiến bạn cảm thấy mình đang bước về phía trước kể cả khi bạn hoàn toàn bất lực. Tôi nghĩ nếu chúng tôi cho phép mình tuyệt vọng, chúng tôi giống như đã chết”, bà nói. Họ có thể thừa nhận nỗi sợ hãi và cô đơn, nhưng không bao giờ tuyệt vọng.

Phải mất năm ngày trước khi những kẻ bắt cóc tổ chức một cuộc gọi “bằng chứng sự sống” tới tổ chức phi chính phủ của họ và bắt đầu đàm phán về tiền chuộc. Yêu cầu của họ, bắt đầu từ 45 triệu USD (1,11 nghìn tỷ VND), là vô cùng phi thực tế. “Tôi không phải là một con tàu”, bà Buchanan nói.

Ngày chuyển thành tuần, rồi thành tháng. Họ liên tục di chuyển bằng ô tô, luôn cắm trại ngoài trời. “Vào ban ngày, bạn nóng nực và đổ mồ hôi; vào ban đêm, bạn lạnh, không có gì để cản gió. Mỗi sáng, bạn thức dậy trong tình trạng ướt sũng và người bạn luôn luôn phủ đầy bụi”.

Là phụ nữ duy nhất, bà Buchanan luôn trong tình trạng cảnh giác cao. Khi được hỏi về gia đình, bà đã bịa ra một con trai, đặt tên cho nó theo tên con chó của bà, bởi vì những người mẹ được tôn trọng trong văn hóa Somali và do đó bà sẽ ít khả năng bị giết hơn một nhân viên cứu trợ không có con.

“Bạn phải biết cách đọc tình hình”, bà nói. Những kẻ bắt cóc coi thường bà khi bà thể hiện cảm xúc, khóc lóc hoặc cầu xin. Thay vào đó, bà đã làm mọi cách có thể để giữ bình tĩnh. “Tôi biết người đàn ông nào an toàn hơn, người nào nên tránh, người nào là xấu xa”.

Tuy nhiên, sau tháng 1, mọi thứ ngày càng khó khăn. Việc thiếu vệ sinh và nguồn nước hạn chế đã gây nhiễm trùng đường tiết niệu và bà phải chịu đau đớn trong phần lớn thời gian. Các cuộc đàm phán về tiền chuộc đã bị đình trệ, những kẻ bắt cóc đã mất kiên nhẫn và liên tục đe dọa sẽ bán họ.

Điều mà bà Buchanan không tưởng tượng được là FBI đã theo dõi họ từ lâu, sau khi thu thập thông tin thông qua tình báo địa phương, cũng như máy bay không người lái. Cục điều tra biết vị trí chính xác của họ, có bao nhiêu người đàn ông tham gia và họ cầm vũ khí gì. Cục biết rằng tình trạng nhiễm trùng của bà Buchanan và việc thiếu thuốc điều trị có thể khiến tính mạng bà gặp nguy hiểm. Sự thay đổi từ cướp biển sang bắt cóc nhân viên cứu trợ phi chính trị, phi tôn giáo đã tạo nên một cấp độ đe dọa mới. Tổng thống Obama đã ra lệnh giải cứu họ. Vào đêm ngày 25/1/2012, 24 lính đặc nhiệm Hải quân Mỹ đã nhảy dù xuống gần trại. Đối với bà Buchanan, cuộc đấu súng giống như ngày tận thế. “Tôi tưởng mình đang bị một nhóm khác bắt cóc và tôi không còn đủ sức”, bà nói.

Sống sót sau khi bị cướp biển bắt cóc- Ảnh 2.

Bà Buchanan ở Somaliland năm 2009

Chín kẻ bắt cóc canh gác đêm đó đã bị giết và bà Buchanan và ông Thisted được đưa lên trực thăng. “Mãi cho đến khi chúng tôi hạ cánh xuống căn cứ quân sự ở Djibouti và lên một chiếc xe tải nhỏ, mọi chuyện mới bắt đầu lắng xuống. Tôi nhớ mình đã tựa đầu vào vai ông Poul và bắt đầu khóc. Tôi chỉ nói: ‘Chúng ta đã sống sót”, bà Buchanan nói.

Hậu quả, mà bà Buchanan gọi là “sống sót sau khi sống sót”, cũng không kém phần thách thức. Con trai của bà Buchanan, August, chào đời chỉ chín tháng sau khi bà được thả. Mặc dù ban đầu gia đình vẫn ở lại Châu Phi, bà Buchanan đã vật lộn rất nhiều. “Tôi bị hoảng loạn, nghĩ rằng mình đang bị theo dõi và rằng có ai đó sẽ bắt cóc con tôi”.

Hiện họ sống ở Mỹ, gần Washington DC, nơi ông Landemalm làm việc cho một tổ chức quốc tế và bà Buchanan điều hành một công ty xuất bản nhỏ chuyên về hồi ký của phụ nữ. Họ có hai đứa con, 11 và 9 tuổi. Cho đến bây giờ, bà vẫn không thích đi ô tô. “Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian trên xe, với tiếng nhạc ầm ĩ, tiếng đàn ông la hét, hỗn loạn, ổ gà, súng chĩa vào đầu tôi, chất nổ ở phía sau,” bà nói. Mùa hè năm ngoái, khi đi nghỉ tại một trang trại, bụi và cát trên ga trải giường khiến bà choàng tỉnh vào ban đêm.

Sống sót sau khi bị cướp biển bắt cóc- Ảnh 3.

Bà Jessica Buchanan.

Chỉ đến bây giờ, bà Buchanan mới rút ra một bài học từ những ngày ở sa mạc. “Hồi đó, tôi ngây thơ, non nớt. Nhưng tôi đã học cách tin vào chính mình. Tôi đã học được rằng tôi thực sự tháo vát và sáng tạo và rằng tôi có thể chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Tôi tin rằng tôi đã tìm thấy chính mình ở ngoài kia”.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày